Ai cũng ngạc nhiên, tại sao con tôi gần như đội sổ và là học sinh "khá" hiếm hoi của một trường toàn học sinh giỏi, mà tôi không hề tỏ ra lo lắng. Giúp con chọn bạn – dễ mà không dễ Dạy con đừng gian lận

“Khá” – chuyện hiếm của học sinh thời nay?

Hôm qua, trong một buổi họp bạn bè cũ, cả đám bạn chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau đủ thứ trên đời, tất nhiên là không thể thiếu chuyện gia đình, chồng con.

Ngồi kể chuyện con cái, những đứa trẻ tầm tầm như nhau, cùng ở cấp tiểu học. Ai cũng khoe con học giỏi, học sinh xuất sắc, đi thi học sinh giỏi các cấp từ quận đến thành phố. Hỏi đến cậu con trai của tôi, mọi người tròn mắt khi tôi kể, con trai tôi cũng trong hàng top, mà… top chót lớp, ba năm toàn chỉ học sinh khá chứ chưa bao giờ ngoi lên giỏi. Các bà mẹ đều hỏi sao tôi không lo lắng? Tôi ngẫm nghĩ, tại sao mình phải lo nhỉ?

Với vợ chồng tôi, chuyện con giỏi hay khá có lẽ không quá quan trọng. Trong lớp của con tôi, các bé hầu như đều đạt thành tích giỏi đến xuất sắc, họa hoằn lắm mới có một bé “cá biệt” bị xếp loại khá. Cả trường chỉ có vài em khá mà thôi.

Tại sao tôi không muốn con… học giỏi? 4

Tôi còn nhớ, cách đây vài chục năm, ở thời điểm của nhiều thế hệ trong chúng ta, cái danh hiệu “giỏi” hay “xuất sắc” nó thiêng liêng và mỗi học sinh phải trả bằng một quá trình học hành, nỗ lực từ điểm số đến rèn luyện đạo đức, thể chất. Ngoài Xuất sắc, giỏi, khá, chúng ta còn có cả trung bình, yếu và kém. Còn giờ đây, ba loại sau cùng gần như đã “tuyệt chủng”. Phải chăng tư duy của con cháu chúng ta đã phát triển vượt bậc đến thế?

Một chị bạn tôi, có con đạt học sinh giỏi 4 năm liền. Năm cuối, chị thúc con học bằng mọi cách, quà cáp cho cô giáo, tham gia hăng hái vào hội phụ huynh… nói chung đúng nghĩa là hoạt động lobby. Cuối năm, quả thật cháu bé nhận điểm số xuất sắc. Chị thở phào nhẹ nhõm, bảo có đạt giỏi 5 năm liền thì cháu mới có cơ hội vào các trường danh tiếng ở đợt chuyển cấp này. Còn tôi, nhìn vẻ “mọt sách” của cháu bé mà ái ngại, vì hình dung những ngày sắp tới sau khi cháu chuyển cấp: Cháu lại học cắm đầu, và mẹ cháu lại tiếp tục lobby…

Dạy con kĩ năng sống

Có lần, tôi chứng kiến một nhóm học sinh giỏi của một trường tiểu học thuộc quận gần trung tâm TP.HCM được các thầy cô tổ chức đi dã ngoại ở Củ Chi. Chuyện như chuyện đùa, khi nhiều cháu ồ lên khi lần đầu thấy con bò. Các cháu không phân biệt được bò với trâu, cây lúa và cỏ dại… và còn rất nhiều kiến thức chung quanh mà các cháu ngu ngơ chả biết gì, trong khi có thể nói vanh vách nhiều kiến thức sách vở hay văn phạm Anh văn. Ngồi trên bãi cỏ cắm trại, các cháu thản nhiên vứt rác bừa bãi ra chung quanh…

Con trai tôi, là một đứa bé cực kì hiếu động và khoái tìm hiểu mọi thứ. Ngược lại, ở trường, cháu thường xếp hạng gần chót lớp. Ở một lớp toàn học sinh giỏi, cháu chỉ xếp loại khá, nhưng có hề gì, vợ chồng tôi chẳng bao giờ la mắng cháu về điều đó. Vì ngoài học ở trường ra, cháu còn được học rất nhiều thứ từ chung quanh mình. Hè, chúng tôi cũng ít khi bắt cháu chạy show qua các lớp học thêm. Cháu được về nội, ngoại, ở hai vùng biển, thỏa thích đùa sóng, bắt còng gió, phân biệt các loại cá, hải sản, cỏ, cây, học bơi lội và leo núi với cha mẹ… Chúng tôi không chạnh lòng mỗi khi thấy điểm số cháu không bằng các bạn, chúng tôi tự hào vì một đứa trẻ yêu thiên nhiên, hòa mình với cuộc sống chung quanh, chắc nụi và khỏe mạnh.

Tại sao tôi không muốn con… học giỏi? 5

Có một lần, trên Facebook của mình, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng chia sẻ, con ông thuộc hàng đội sổ của lớp, nhưng ông không lo lắng gì, vì ông biết, tuy học không giỏi, nhưng con ông hoàn toàn không phải một đứa trẻ kém.

Một khi cái “giỏi” trở nên quá phố biến và mang đậm tính hình thức, thì cái “không giỏi” lại đâm ra hay. Thật buồn, vì nếu cứ để cho cái sự “giỏi” nằm ở bề mặt danh hiệu trở nên tràn lan, thì nó sẽ trở nên vô giá trị. Tôi không quá quan trọng chuyện học lực của con mình bằng việc dạy kĩ năng cho cháu, bởi cả hai vợ chồng tôi đều quan niệm, không thể để con mình trưởng thành với tâm lý ưa chuộng bằng cấp và hình thức, thay vì dạy con cách sống thế nào cho tốt với thiên nhiên, với con người và với chính mình.

(Như Mai)

Tags:

Bài viết liên quan