Bạn đã từng nghĩ rằng chính sự thuận lợi mà thiết bị di động mang đến cũng kéo theo nhiều áp lực hơn? Khi hàng loạt thông tin không đúng sự thật, thông tin không được kiểm chứng được lan truyền khắp các diễn đàn mạng xã hội… khiến bạn mỗi ngày đều áp lực với nguồn thông tin đó. Hay chính sự thuận tiện trong giao thông cũng khiến bạn phải chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng…
Chính sự phát triển của xã hội quá nhanh đã vô hình trung kéo sức khỏe tinh thần của nhiều người xuống. Đặc biệt là ở Việt Nam, khi mọi người còn khá lạ lẫm với định nghĩa “đề kháng tinh thần” thì càng dễ “tổn thương” hơn khi phải chạy đua với sự phát triển của xã hội.
Sức đề kháng tinh thần là gì?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa về sức khỏe tinh thần “Là một trạng thái hạnh phúc, tự tại của một cá nhân và họ nhận ra bản thân mình có thể đối phó với những căng thẳng thường gặp trong cuộc sống. Để từ đó có thể làm việc hiệu quả và lan tỏa được sự tích cực đến những người xung quanh”.
Vậy đề kháng tinh thần chính là mức độ khả năng kiềm chế được cảm xúc tiêu cực của bản thân, hướng đến những suy nghĩ lạc quan tích cực hơn trước những áp lực thường gặp.
Những con số “biết nói” về sức khỏe tinh thần ở xã hội hiện đại
Tại Việt Nam
Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không nằm ngoài tình hình chung của thế giới. Kết quả điều tra quốc gia năm 1999 – 2000 cho thấy tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến là 15%. Trong năm 2003 nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ” cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần ở học sinh tiểu học là 20%. Gần đây một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần khoảng 20-30%. Chắc hẳn những con số này sẽ càng tăng theo tốc độ phát triển của xã hội nếu như mọi người còn “lơ” đi đề kháng của tinh thần.
Trên thế giới
Có gần 54 triệu người trên thế giới mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thêm vào đó là 154 triệu người bị mắc trầm cảm. Các con số gần đây nhất chỉ ra rằng, có gần 1 triệu người tự tử mỗi năm.
- Các rối loạn tâm – thần kinh và rối loạn liên quan đến sử dụng chất (gây nghiện), phổ biến ở tất cả các vùng trên toàn thế giới, tác động đến mọi độ tuổi và cộng đồng với các mức thu nhập khác nhau
- 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu liên quan đến các bệnh rối loạn về tâm – thần kinh và sử dụng chất gây nghiện
- Trầm cảm là bệnh gây tử vong thứ 4 trên toàn thế giới và được dự báo là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong vào năm 2030
- Bệnh động kinh ảnh hưởng tới 50 triệu người trên toàn thế giới – 80% trong số họ sống ở các nước có thu nhập thấp
- Trên toàn thế giới, tự tử là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở những người trẻ
- Hơn 75% bệnh nhân tâm thần, động kinh và sử dụng chất gây nghiện ở các nước có thu nhập thấp không được tiếp cận điều trị
Biểu hiện của người có đề kháng tinh thần tốt
Khi đối diện với các trở ngại hay khó khăn trong cuộc sống. Người có sức khỏe tinh thần tốt sẽ luôn nhìn về mặt tích cực và tìm ra phương án giải quyết thích hợp. Hơn nữa, họ cũng biết cách điều phối cảm xúc theo hướng ổn định nhất để cơ thể luôn thoải mái.
Những dấu hiệu rõ nhất về người có sức khỏe tinh thần tốt:
- Bạn luôn trông chờ và hào hứng để bắt đầu ngày mới
- Mỗi sáng luôn ngắm mình trong gương và cảm thấy hài lòng về bản thân
- Luôn suy nghĩ tích cực, ngay cả khi bạn đang trong tình huống tiêu cực
- Ăn ngon, ngủ ngon và ít gặp phiền muộn căng thẳng quá 24 tiếng
- Luôn cười tươi và không ngại đối diện với khó khăn trong cuộc sống, công việc…
Một người có sức khỏe tinh thần tốt thường ít gặp các rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, né tránh xã hội… Họ luôn cảm thấy thoải mái trước cuộc sống và hài lòng về bản thân. Đặc biệt là họ kiềm chế cảm xúc rất tốt và điều phối được hành vi của bản thân đúng với chuẩn mực của xã hội.
Biểu hiện của người có đề kháng sức khỏe tinh thần yếu
Khi đề kháng tinh thần không ổn định, bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về tâm lý, đặc biệt là suy nghĩ về những chuyện tiêu cực. Thậm chí, tình trạng này còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và công việc cũng như các mối quan hệ xã hội.
Sau đây là những biểu hiện thường gặp của những người có sức khỏe tinh thần yếu:
- Cảm giác trống rỗng, không muốn bước xuống giường vào mỗi buổi sáng dù đã rất tỉnh và không mệt mỏi
- Thường xuyên gặp buồn chán, dễ nổi nóng với những chuyện nhỏ và hay gặp trong cuộc sống
- Thường muốn làm việc một mình dù công việc đó đòi hỏi đội nhóm để hoàn thành tốt
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi về thể chất dù không mắc bệnh lý nào
Trong một xã hội hiện đại, các mối quan hệ xung quanh bạn không chỉ dừng lại ở gia đình, bạn bè, người thân hay một khu vực nhỏ nên có rất nhiều khó khăn xung quanh bạn. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ mạnh mẽ vượt qua. Việc cần làm chính là chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng như tăng đề kháng cho tinh thần.
Bí quyết giúp tăng sức đề kháng tinh thần
Trải nghiệm những cảm xúc tích cực
Khi bạn tiếp xúc với những điều tích cực xung quanh mình, đề kháng của tinh thần cũng tăng dần theo thời gian. Chính vì vậy, hãy mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế của bản thân sau đó tìm cách khắc phục. Bên cạnh đó các bạn nên tìm những mặt tích cực của sự việc, ưu điểm của bản thân để làm chỗ dựa tinh thần mỗi khi áp lực. Đặc biệt các bạn cần thường xuyên liên kết các mối quan hệ xung quanh theo mặt tích cực nhất. Biết tận hưởng hương vị cuộc sống, làm cho bản thân thấy thoải mái, dễ chịu và trân quý những gì đang có.
Luyện tính tập trung
Chắc hẳn nhiều bạn sẽ bất ngờ vì sao tập trung lại là yếu tố giúp tăng cường đề kháng cho sức khỏe tinh thần? Lời giải thích là khi bạn tập trung vào công việc hay hoạt động nào khác sẽ không dễ bị xao lãng bởi những yếu tố tiêu cực xung quanh. Từ đó, cơ thể sẽ hình thành thói quen “miễn nhiễm” với tình huống tiêu cực.
Kiểm soát cảm xúc
Đây là một trong những bí quyết quan trọng giúp đề kháng sức khỏe tinh thần của bạn mạnh hơn. Việc tự điều chỉnh suy nghĩ cũng như hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh sẽ giúp bạn học cách thích nghi với sự phát triển của xã hội. Nhưng kiểm soát cảm xúc không đồng nghĩa với việc các bạn không được tức giận hay tranh luận nhé! Thay vào đó bạn nên thể hiện cảm xúc đúng nơi, đúng lúc… sẽ giúp bạn nhận được sự tôn trọng của mọi người hơn đấy!
Cảm nhận ý nghĩa cuộc sống
Luôn tự nhắc nhỡ bản thân “mình là mộ phần của xã hội” để bạn không tách khỏi đám đông. Bên cạnh đó hãy học cách hoàn thiện bản thân hơn để không đi tụt hậu so với sự phát triển của xã hội. Bạn có thể dành thời gian để học thêm một ngôn ngữ mới, học nấu ăn, học nhảy, học hát… làm cho mình bận hơn cũng là cách giúp bạn tránh xa tiêu cực.
Tự trị liệu tâm lý
Nếu được, các bạn nên nhờ sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý để tăng sức đề kháng tinh thần… Nếu bạn không ngại hay không thể tìm được sự tư vấn phù hợp, hãy học cách tự chữa lành tâm hồn. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp bạn giảm căng thẳng, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực như:
- Tea Blends: Phương pháp này được hiểu là “pha trà trộn”, nhờ vào mùi hương cũng như dược tính của vài loại thảo mộc sẽ giúp điều hòa cảm xúc của bạn tốt hơn
- Aromatherapy: Hay còn được gọi là liệu pháp mùi hương, sử dụng các mùi hương đặc trưng để điều trị nhiều vấn đề trong sức khỏe tinh thần và thể chất
- Handmade, DIY: Giúp cuộc sống bạn “bận rộn” hơn theo hướng tích cực, nhờ vào những món đồ tự thực hiện sẽ làm giảm căng thẳng
- Music Therapy: Liệu pháp âm nhạc, bạn có thể bật vài bài nhạc yêu thích trong lúc tắm, nấu ăn hay chuẩn bị đi ngủ… tuy đơn giản nhưng đây là liệu pháp được nhiều chuyên gia khuyên sử dụng để tăng sức đề kháng tinh thần
- Yoga, thiền: Đây là phương pháp rất hiệu quả để cải thiện sức khỏe tinh thần
Mẹ và Con hy vọng với những thông tin trên đây các bạn sẽ hiểu hơn về sức khỏe tinh thần và tầm quan trọng của tinh thần trong đời sống hàng ngày. Không ai trong chúng ta có thể biết được những khó khăn trong tương lai là gì. Chính vì vậy, ngay từ hôm nay các bạn nên xây dựng đề kháng tinh thần thật tốt để có thể mạnh mẽ vượt qua bất kỳ trở ngại nào trong cuộc sống.
Mẹ và Con chúc bạn luôn vui khỏe. Bên cạnh đó, đừng quên theo dõi chúng tôi qua loạt bài viết sau để tìm thấy giải pháp “nạp năng lượng” cho tinh thần, bạn nhé!