Khi mang thai, nhiều mẹ thường nghĩ rằng mình phải “cố gắng ăn cho hai người”. Tình trạng này tương tự với mẹ có song thai và liệu điều này có an toàn cho thai kỳ? Cùng tìm hiểu ngay với Tạp chí Mẹ và Con nhé!
Sợ bé song thai nhẹ cân, mẹ ăn… không ngừng nghỉ!
Tâm lý này rất thường gặp ở các thai phụ mang song thai. Biết trẻ sinh đôi khi chào đời dễ bị nhẹ cân hơn so với trẻ bình thường, nhiều mẹ mang tâm lý ráng ăn càng nhiều càng tốt. Bình thường khi mang thai, số lượng bữa ăn cũng như chế độ dinh dưỡng được khuyến khích tăng cường một chút, thì với thai đôi, các mẹ bầu hầu như không nghĩ đến chuyện ăn uống có chừng nữa, mà cứ nghĩ theo hướng mình phải ăn… gấp đôi các bà bầu khác.
Thấy bạn ăn một cái bánh, mình ráng ăn hai. Thấy bạn uống hai ly sữa mỗi ngày, mình tự tăng lên bốn. Thấy bạn tráng miệng bằng một miếng đu đủ, mình gọi luôn phần gấp đôi như thế, dù bụng đã no căng! Thật ra, chuyện ăn gấp đôi bà bầu bình thường này… không đúng!
Quả thật bạn phải đảm bảo một chế độ dinh dưỡng nhiều hơn, đầy đủ, hoàn thiện hơn, song ăn quá nhiều không hề tốt cho bà bầu mang thai đôi. Bởi lẽ, mang đa thai là bạn đã phải chịu những xác suất rủi ro cao hơn trường hợp bình thường, dễ bị tăng huyết áp, đái tháo đường thai kì hơn. Khi cơ thể tăng cân quá đột ngột so với bình thường, vô tình bạn có thể gây nên cho chính mình và các bé yêu trong bụng nhiều nguy cơ.
Lưu ý thêm một việc rất quan trọng là trong trường hợp bạn mang song thai và tăng cân quá nhanh chóng, nên trao đổi với bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật (dễ gặp với thai phụ mang thai đôi). Trong 12 tuần lễ đầu tiên (tam cá nguyệt thứ nhất của thai kì), bạn có thể bổ sung khoảng 400mg axit folic/ngày. Nhớ dùng thêm viên sắt để ngăn ngừa chứng thiếu máu, cũng là một chứng bệnh rất dễ gặp với các mẹ bầu mang song thai.
Tuy nhiên, một lời nhắc nhở tổng quan không thừa là bất kì vitamin hoặc khoáng chất nào bạn muốn bổ sung với dạng viên uống (chứ không phải từ thực phẩm trong thực đơn) cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận. Vì thừa vitamin, ngược lại cũng có thể gây hại cho thai nhi, chứ không phải cái gì cũng nên tăng gấp đôi hay dùng càng nhiều càng tốt.
Nhiều mẹ bầu mang thai đôi cũng thường gặp phải vấn đề rất mệt mỏi, ốm nghén nhiều, chán ăn hơn cả lúc mang thai bình thường, trong khi bạn lại cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt cho đến hai bào thai chứ không phải một! Lời khuyên dành cho bạn lúc này là cần tăng cường nghỉ ngơi.
Các món ăn nên chế biến đa dạng hơn, bớt béo để không gây ngán, chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều bữa trong ngày… Hạn chế tối đa việc bỏ bữa. Ví dụ nếu bạn mệt đến mức nuốt không nổi cơm, vẫn nên cố gắng uống sữa, chuyển sang ăn cháo thịt, ăn các món có nước dễ nuốt như súp, nui, bún miến…
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, bổ sung được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cộng với việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, giúp tăng cường sức khỏe cho hai bé sinh đôi.
Ăn gì tốt cho “bầu… song thai”?
Khẩu phần ăn của “bầu” mang thai đôi nên bao gồm các thực phẩm giàu đạm, canxi, vitamin C, beta-caroten và các chất béo không no. Trong đó, protein có thể đến từ thịt, cá, đậu hũ với nhiều kiểu chế biến khác nhau (nó sẽ giúp bạn thấy đỡ ngán hơn). Canxi có thể đến từ 2-3 hộp sữa chua, thêm một ly kem, 2 ly sữa tươi là được.
Lời khuyên của bác sĩ là không nên cố ép mình uống sữa trong trường hợp bạn ngán, nghén nhiều, uống vào là nôn. Tâm lý bất an, cố uống rồi lại thấy khó chịu đó không hề cần thiết chút nào, nó chỉ khiến bạn áp lực hơn thôi.
Trong trường hợp uống không nổi 2 ly sữa/ngày cũng không sao cả. Bạn chỉ cần giảm xuống, uống một ly, chia thành nhiều lần. Kèm theo đó là chọn cho mình những món như khi ăn bánh mì phết thêm vào miếng phô mai, ăn trái cây thì đổi thành món trái cây dằm sữa chua chẳng hạn để tăng cường canxi theo cách khác.
“Bầu” mang song thai cũng rất dễ gặp phải tình trạng táo bón, với mức độ thường xuyên hơn các “bầu” bình thường. Biết được điều này nên bạn cũng cần chú ý cung cấp đủ lượng rau củ, chất xơ hàng ngày cho mình. Riêng rau củ quả, trừ các loại quả chứa nhiều đường, vị quá ngọt, còn lại bạn có thể ăn nhiều một chút nếu thích, không sao cả. Chỉ cần đừng ăn đến mức đầy bụng, không “nạp” thêm nổi món nào khác mà thôi.
Những đĩa salad trộn, những món như khoai, bắp, bầu bí luộc… sẽ rất hữu ích và dễ ăn với mẹ bầu, nhất là trong giai đoạn còn nghén nhiều ở những tháng đầu tiên. Về trái cây, những loại quả được khuyến khích là kiwi, bưởi, đu đủ, lê… Hạn chế ăn những quả quá chua như cóc, xoài xanh, me dù bạn thèm nhiều vì chất “chua” chứa quá nhiều trong những loại quả này không tốt cho dạ dày của bạn.
Một lời nhắc nhở cuối cùng là khi mang thai đôi, bạn không cần… tăng gấp đôi lượng hải sản. Hải sản rất tốt cho bà bầu, vì chứa nhiều dưỡng chất có lợi, nhất là có thể cung cấp axit omega-3 cho cơ thể. Song, hải sản rất dễ chứa không ít thì nhiều lượng thủy ngân bên trong đó.
Vì vậy, bạn chỉ nên ăn một lượng hải sản vừa phải (khoảng 340g/tuần), và chọn những hải sản chế biến chín. Không nên ăn đồ biển tái, sống, vì chúng chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn dễ gây hại cho bào thai trong bụng. Cũng nên hạn chế những loại cá như cá mập, cá kiếm, cá ngừ… vì chứa hàm lượng thủy ngân rất cao. Có thể chọn tôm, cua, cá hồi, cá mòi… chế biến chín kỹ và thay đổi liên tục mỗi tuần.
“Mục tiêu” của mẹ bầu song thai!
Khi mang song thai, bạn nên tăng tổng cộng suốt chín tháng thai kì khoảng 15-20kg. Lưu ý, con số này chỉ mang tính chất trung bình. Với những phụ nữ thuộc nhóm gầy ốm, thiếu cân trước khi mang thai, cần nỗ lực bồi bổ để tăng cân nhiều hơn. Ngược lại, nếu bạn được xếp vào nhóm khá “tròn trĩnh”, có dấu hiệu mấp mé mức thừa cân trước khi mang thai thì con số này có thể chỉ nên vừa vặn là 15kg hoặc ít hơn một chút.
Vậy là mẹ đã có những thông tin nhất định về chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu song thai? Chúc mẹ có một thai kỳ an toàn và nhiều trải nghiệm thú vị nhé!