Trẻ phải ăn đủ mới có thể học thi tốt được
Rất nhiều phụ huynh cảm thấy hãnh diện khi con mình chăm chỉ học “quên ăn quên ngủ”. Song, thực tế đây là cách làm cực kỳ phản khoa học. Mùa thi cử là mùa làm việc căng thẳng nhất của trẻ. Muốn não hoạt động tốt và đảm nhiệm tốt được trọng trách ấy, nhất thiết phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, bổ sung đầy đủ năng lượng (thậm chí chỉ hơn mức bình thường một chút) để trẻ có thể làm việc tốt.
Bạn cần điều chỉnh trẻ điều này trước tiên: Khi bước vào mùa thi, suốt quá trình ôn luyện cũng như thi cử, trẻ bắt buộc phải đảm bảo đủ 3 bữa ăn mỗi ngày. Trong đó, bữa sáng phải được chú trọng đặc biệt. Không nên ăn qua loa bữa sáng theo kiểu một gói xôi nhỏ, một khúc bánh mỳ… vì như thế vẫn chưa đủ năng lượng cho trẻ học thi.
Bữa sáng cần có một đĩa cơm (hoặc một tô phở, hủ tíu, một ổ bánh mỳ thịt). Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một ly sữa, một hũ yaourt… sau đó nửa giờ. Các bữa chính khác cũng cần 2 chén cơm. Mẹ cũng có thể giúp trẻ bổ sung thêm 2 – 3 bữa phụ (ăn vào giờ ra chơi buổi học sáng hoặc lúc xế chiều, hoặc trước khi đi ngủ chừng 1 giờ) gồm: Sữa, yaourt, trái cây, bắp, chè, đậu.. tùy sở thích của trẻ.
5 dưỡng chất không thể thiếu với trẻ trong mùa thi
Đừng để trẻ rơi vào tình trạng ăn quá thừa chất này, quá thiếu chất kia. Đặc biệt, mẹ nên để ý là mùa thi trẻ thường phải đi học thêm, ôn luyện khá nhiều. Điều này dẫn đến một số trẻ không được ăn bữa cơm “bình thường” nữa mà bị thay bằng các phần thức ăn nhanh, các ổ bánh mỳ, hộp xôi làm sẵn ngoài đường.
Khi trẻ ăn như vậy, vừa không đảm bảo vệ sinh vừa dễ gây nên tình trạng thiếu chất. Đơn cử như chất xơ từ rau củ quả. Nhiều em học sinh cho biết, suốt mùa thi do rất ít khi được ăn ở nhà nên hầu như chẳng hề biết đến món gì gọi là… canh. 5 dưỡng chất không thể thiếu trong mùa thi bao gồm:
1. Glucose
Để não hoạt động tốt, thì lượng đường trong máu cần ổn định (không nên quá thấp hay quá cao). Do đó, nên hạn chế các loại đường hấp thu nhanh vào máu như đường tinh (nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức uống có đường) vì sẽ làm đường huyết tăng nhanh và sau đó sẽ giảm nhanh. Nên cho trẻ ăn đậu, khoai, rau củ… sẽ tốt hơn vì các món này hấp thu vào máu từ từ, giúp lượng đường trong máu ổn định.
2. Chất béo thiết yếu (omega3 và omega6)
Các chất béo thiết yếu này là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh. Quan trọng như vậy, nhưng omega3 và omega6 dễ thiếu do cơ thể không tự tổng hợp được mà phải đưa từ thức ăn bên ngoài vào. Các chất béo thiết yếu này có trong các loại cá như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích và các loại hạt nhiều dầu như hạt bí đỏ, hướng dương, mè. Mẹ nên chọn cho con ăn tối thiểu 3 lần cá trong một tuần, nếu được thì tằng cường cá thay thịt. Ngoài ra, mỗi bữa cơm có thể cho trẻ ăn thêm một muỗng canh mè (trộn hẳn vào cơm cũng được).
3. Phospholipid
Đây là chất béo “thông minh” của não, giúp tạo myelin bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sự truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não. Phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng. Tuy nhiên , đừng vì thế mà cho trẻ ăn quá nhiều trứng. Mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn từ 2 -3 quả.
4. Axit amin
Đây là thành phần tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh, là chất mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác nên hết sức cần thiết. Những axit amin này có nhiều trong thức ăn giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành và các loại đậu khác. Trung bình, trẻ cần khoảng 55-60g chất đạm mỗi ngày.
5. Vitamin và khoáng chất
Đặc biệt các vitamin nhóm B như B1, B3, B5, B6, B12 (có trong ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau); Viamin C (có trong rau và trái cây); Axit floic (có trong rau xanh lá đậm); Ma nhê (có trong rau xanh và các loại hạt)’ Mangan (có trong các loại hạt, trái cây) và kẽm (có trong hàu, cá, các loại hạt) đều rất cần cho trẻ.
Trẻ cũng cần được cho ăn các loại thực phẩm bổ sung sắt (chất cần thiết tạo máu) trong suốt mùa thi. Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá hoặc các loại rau như rau dền, rau ngót và các loại đậu).
Nếu là bé gái, ở độ tuổi dậy thì có chu kỳ hàng tháng, mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung viên sắt và axit floic (khoảng 10 viên/ tháng, mỗi ngày một viên). Uống viên sắt hoặc ăn các thức ăn giàu sắt sẽ giúp trẻ tránh tình trạng mệt mỏi, học kém tập trung, dễ buồn ngủ trong giờ học.
Tuyệt đối không được cho trẻ lạm dụng cà phê
Một số trẻ khi bắt đầu học lên cấp 2, cấp 3 thì hay lén bố mẹ bắt đầu làm quen dần với… cà phê mỗi mùa thi. Thậm chí, có nhiều phụ huynh muốn con tỉnh táo để “gạo bài” nên trẻ mới học cấp 1 mà vẫn dám cho trẻ làm quen với cà phê sữa. Điều này hoàn toàn không nên.
Hoạt chất cafein trong cà phê kích thích vỏ não, làm tăng khả năng trí tuệ, giảm mệt mỏi. Nhưng với khoảng 100mg, cafein gây bồn chồn, lo âu, nóng nảy, đứng ngồi không yên. Đồng thời, cafein còn gián tiếp làm tăng adrenalin – nghĩa là tăng huyết áp, khiến đầu càng nhức thêm.