Sa tử cung sau sinh hay còn gọi là sa sinh dục, sa thành âm đạo… là một trong những tình trạng phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Khi thành tử cung tụt xuống vào ống âm đạo hoặc lộ ra ngoài âm đạo sẽ gọi là sa tử cung.
Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu thêm về vấn đề này để phát hiện sớm triệu chứng cũng như phòng ngừa biến chứng hiệu quả nhé!
Nguyên nhân dễ bị sa tử cung sau sinh
Nguyên nhân sa tử cung sau sinh có thể là do cơ sàn chậu và dây chằng bị căng ra quá mức, không có khả năng nâng đỡ tử cung như trước. Ngoài ra, hẹp khung xương chậu cũng là một trong những lí do khiến sa thành tử cung.
Được biết, bệnh được chia ra các cấp độ khác nhau, nếu tử cung sa xuống nhưng vẫn nằm bên trong ống âm đạo sẽ được xem là tình trạng nhẹ. Nếu như toàn bộ tử cung đều tụt xuống và sa hẳn ra ngoài cửa âm đạo, đây được xem là mức độ nặng nhất.
Và bất kỳ mẹ bỉm sau sinh nào cũng có nguy cơ mắc phải sa tử cung sau sinh, tuy nhiên thường gặp nhất ở mẹ bỉm sinh qua ngả âm đạo, thai nhi có kích thước quá lớn hoặc thời gian chuyển dạ lâu hơn bình thường.
Bên cạnh đó, những yếu tố sau đây cũng sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến hiện tượng sa tử cung như:
- Thai quá lớn
- Thai đôi hoặc đa thai
- Mang thai khi tuổi cao
- Sản phụ đã từng mang thai nhiều lần
- Sinh khó, co thắt tử cung lâu
- Nhau thai có biểu hiện bất thường
- Đã từng trải qua các cuộc phẫu thuật tử cung…
Các triệu chứng sa tử cung ở sản phụ
Nếu tình trạng sa tử cung sau sinh ở mức độ nhẹ, mẹ bỉm có thể không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào trừ việc cảm thấy âm đạo căng phồng, dễ đau nhức lưng do các dây chằng treo tử cung bị căng. Nhưng nếu như tử cung bị trượt ra khỏi vị trí xa hơn có thể sẽ tạo nên một áp lực lên các cơ quan vùng chậu khác, ảnh hưởng đến bàng quang và ruột, kèm theo các triệu chứng phổ biến như:
Các triệu chứng ở âm đạo
- Nặng nề hoặc áp lực ở vùng chậu
- Nhìn hoặc cảm nhận được khối phồng
- Cảm giác như có sức ép ở khu vực âm đạo
- Ra huyết trắng quá nhiều
- Cổ tử cung tụt qua lỗ âm đạo
- Xung quanh vùng khung chậu, bụng dưới hoặc ở dưới lưng bị đau nhức…
Sa tử cung sau sinh ảnh hưởng đến tiết niệu
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Ảnh hưởng đến các bệnh liên quan đến tiểu tiện, như tiểu không tự chủ (tiểu gấp, són tiểu khi mang thai) với tần suất nhiều và thường xuyên…
Ảnh hưởng đến ruột non
- Cảm thấy đầy hơi
- Táo bón
- Đi vệ sinh khó khăn, cần phải dùng hết sức mới đẩy phân ra được.
Gặp phải các triệu chứng tình dục
- Giảm ham muốn tình dục
- Đau đớn mỗi khi quan hệ tình dục.
Nhìn chung, tất cả các triệu chứng ở trên có thể trở nên nặng nề hơn khi bạn sinh hoạt, đi đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài. Bởi lẽ, những hoạt động này tạo thêm áp lực lên các cơ vùng chậu.
Sa tử cung có điều trị được không?
Sa tử cung sau sinh có chữa được không cũng là một trong những thắc mắc của nhiều chị em. Rất may mắn rằng chúng có thể được điều trị hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Điều này tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ, mục tiêu điều trị theo ý nguyện tương lai là có muốn có con tiếp tục hay không, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với mong muốn của bạn.
Bên cạnh đó, sa tử cung ở trường hợp nhẹ, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nó gây ra không làm bạn quá khó chịu, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và chất lượng sống hàng ngày, không cần thiết phải tham gia điều trị vì tử cung sau sinh bị sa rất nhẹ vẫn có thể tự co dần lên theo thời gian.
Điều trị sa tử cung ở trường hợp nhẹ
Đối với những mẹ bỉm bị sa tử cung sau sinh ở mức độ nhẹ như đã nói bên trên, bạn có thể lựa chọn điều trị không phẫu thuật, phương pháp này cũng thích hợp với những người bệnh lớn tuổi hoặc có thể trạng yếu không thể phẫu thuật. Bạn có thể áp dụng cách điều trị sa tử cung tại nhà bằng cách điều chỉnh các thói quen sinh hoạt khoa học hơn kèm theo các bài tập cơ sàn chậu. Chẳng hạn như:
- Chú trọng thời gian nghỉ ngơi, không khuân vác các vật nặng, không nên hoạt động quá sức cho phép để giảm áp lực lên vùng chậu, luôn giữ đầu óc, tinh thần thoải mái.
- Ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và các chất cần thiết hàng ngày cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống. Đặc biệt nên tăng cường chất xơ để phòng ngừa táo bón.
- Thực hiện các bài tập sa tử cung sau sinh dể giúp nâng tử cung, ví dụ như tập các bài tập Kegel có thể tăng cường độ dẻo dai, hỗ trợ cơ quan sinh dục được khỏe mạnh hơn.
- Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… Vì việc khắc phục các vấn đề về phổi và bệnh ho sẽ làm chậm sự tiến triển của sa tử cung.
Điều trị sa tử cung sau sinh bằng phẫu thuật
Phẫu thuật cắt tử cung
Đây là một trong những phương pháp cổ điển, áp dụng trong những trường hợp sa tử cung sau sinh nặng. Hầu hết các cuộc phẫu thuật cắt tử cung đều được thực hiện cắt toàn bộ tử cung hoặc bán phần (cắt một phần).
Bác sĩ sẽ thăm khám, nghiên cứu và chọn lựa phương pháp phù hợp nhất với tình trạng cụ thể của bạn. Đặc biệt, trong bất cứ phần nào của thành âm đạo, niệu đạo hay bàng quang hoặc trực tràng đều có thể cũng được phẫu thuật cùng lúc. Đây là một ca phẫu thuật lớn, việc cắt bỏ tử cung cũng đồng nghĩa với việc không thể mang thai được nữa.
Treo tử cung để điều trị sa tử cung sau sinh
Phẫu thuật này sẽ thực hiện treo tử cung qua nội soi ổ bụng, mở bụng hở hoặc theo ngả âm đạo nhằm phục hồi sự nâng đỡ tử cung và điều chỉnh cấu trúc của sàn chậu. Bác sĩ có thể áp dụng những mảnh ghép tổng hợp không tan, những mảnh ghép này sẽ tồn tại suốt đời sau khi được đặt vào cơ thể nhằm thay thế những cấu trúc cân, mạc, dây chằng bị hư hại ở những khu vực liên quan.
Những cuộc phẫu thuật phục hồi sàn chậu đòi hỏi kỹ thuật cao, máy móc tân tiến và hiện nay cũng có rất nhiều bệnh viện ứng dụng công nghệ này. Bởi lẽ, đây được xem là cuộc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị sa tử cung sau sinh.
Những biện pháp phòng ngừa sa tử cung hiệu quả
Không chỉ gây nhiều phiền toái ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe, sa tử cung sau sinh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho lần mang thai tiếp theo nên các mẹ bỉm nên phòng ngừa ngay từ đầu. Một số thói quen bạn có thể áp dụng để phòng tránh sa tử cung như:
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, không khuân vác, không làm việc quá sức hay lao động mạnh.
- Tập thể dục sau sinh giúp phục, ngăn ngừa táo bón, trĩ nội trĩ ngoại.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung chất xơ từ trái cây, rau xanh.
- Uống nhiều nước, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường tiết sữa cho bé bú.
- Giữ ấm sau sinh, ngằn ngừa các bệnh ho, cảm lạnh vì có thể gây áp lực lên vùng chậu dẫn đến sa tử cung sau sinh.
Hy vọng qua những thông tin trên, Tạp chí Mẹ và Con đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sa tử cung sau sinh, cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị khoa học. Chúc mẹ bỉm có nhiều sức khỏe nhé!