Mẹ và Con - Có thể thấy, nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những căn bệnh phổ biến, thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé gái. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng tiểu có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng ở trẻ.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em là một tình trạng khá phổ biến. Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo thường được thải ra ngoài qua đường tiểu tiện. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn không được tống ra ngoài niệu đạo, chúng có thể phát triển trong đường tiết niệu và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em.

Tổng quan về nhiễm trùng đường tiết niệu

Các bộ phận của đường tiết niệu

Đường tiết niệu bao gồm các bộ phận trong cơ thể tham gia vào quá trình sản xuất nước tiểu. Cụ thể:

  • Hai quả thận lọc máu và thêm nước để tạo ra nước tiểu
  • Hai niệu quản hoặc ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang
  • Bàng quang lưu trữ nước tiểu cho đến khi chúng được loại bỏ khỏi cơ thể
  • Niệu đạo hoặc ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Trẻ có thể bị nhiễm trùng đường tiểu hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, đi lên niệu đạo và vào cơ thể. Hai loại nhiễm trùng tiểu có khả năng ảnh hưởng đến trẻ nhất là nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận.

Khi nhiễm trùng tiểu ảnh hưởng đến bàng quang, tình trạng này được gọi là viêm bàng quang. Còn nếu việc nhiễm trùng di chuyển từ bàng quang đến thận thì được gọi là viêm bể thận. Cả hai tình trạng này đều có thể được điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị.

Do đó, mẹ cần nắm rõ các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em như các nguyên nhân, triệu chứng thường thấy, cách điều trị,… để có thể xử lý kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

nhiễm trùng đường tiết niệu

Nguyên nhân của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em

Nhiễm trùng đường tiết niêu thường do vi khuẩn gây ra. Lúc này. vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu từ vùng da xung quanh hậu môn hoặc âm đạo. Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường là do vi khuẩn E. coli bắt nguồn từ ruột. Hầu hết các tình trạng nhiễm trùng tiểu được gây ra khi loại vi khuẩn này hoặc các nhóm vi khuẩn khác lây lan từ hậu môn đến niệu đạo.

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiểu ở trẻ em

Nhiễm trùng tiểu xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ em gái, đặc biệt là khi trẻ bắt đầu tập đi vệ sinh. Các bé gái dễ mắc bệnh hơn vì niệu đạo ngắn hơn và gần hậu môn hơn khiến vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo dễ dàng hơn. Các bé trai dưới 1 tuổi chưa cắt bao quy đầu cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn một chút.

Thông thường, niệu đạo sẽ không chứa vi khuẩn. Tuy nhiên,  một số trường hợp nhất định có thể khiến vi khuẩn xâm nhập hoặc lưu lại trong đường tiết niệu của trẻ dễ dàng hơn. Các yếu tố sau đây có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn:

Dị dạng bẩm sinh

  • Trẻ bị trào ngược dịch niệu quản – một dạng dị tật bẩm sinh dẫn đến dòng chảy ngược bất thường của nước tiểu
  • Dị dạng cấu trúc hoặc tắc nghẽn ở một trong các cơ quan của đường tiết niệu
  • Các cơ quan của đường tiết niệu không thể thực hiện chức năng như bình thuờng
    chức năng bất thường của đường tiết niệu

Các yếu tố khác

  • Trẻ thường xuyên mặc quần áo bó sát
  • Chưa có thói quen vệ sinh đúng cách, vệ sinh vùng kín bằng cách lau từ sau ra trước
  • Sử dụng các loại xà phòng tắm, dung dịch vệ sinh không phù hợp (với vùng nhạy cảm, nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm không chứa hương liệu, parabens, chất tạo mùi,…)
  • Thường xuyên nhịn tiểu

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng tiểu có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và độ tuổi của trẻ. Trẻ sơ sinh dưới 3 tuổi có thể sẽ không có bất kỳ triệu chứng nào. Thông thường, các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể rất chung chung, chẳng hạn như:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Cáu gắt, quấy khóc
  • Mệt mỏi

trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng khác khác nhau còn tùy thuộc vào bộ phận đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Nếu trẻ bị nhiễm trùng bàng quang, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Có lẫn máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục và có mùi hôi
  • Có cảm giác đau, châm chích hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đau vùng xương chậu hoặc vùng lưng dưới, vị trí dưới rốn
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tiểu đêm
  • Tiểu són
  • Tiểu không kiểm soát

Nếu tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu đã di chuyển đến thận, các dấu hiệu có thể nghiêm trọng hơn. Trẻ có thể gặp các triệu chứng dữ dội như:

  • Đau đớn dẫn đến cáu gắt, quấy khóc không dừng
  • Ớn lạnh, run rẩy
  • Sốt cao
  • Da đỏ bừng
  • Có cảm giác buồn nôn và nôn mửa
  • Đau bên hông hoặc lưng
  • Đau bụng dữ dội
  • Mệt lả người, kiệt sức

Cần lưu ý rằng, các dấu hiệu ban đầu của nhiễm trùng tiểu ở trẻ em thường không rõ ràng nên bố mẹ sẽ dễ phớt lờ, không chú ý đến. Hơn nữa, khi trẻ chưa biết nói, con có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc khó chịu của mình. Vì thế, mẹ nên quan sát các biểu hiện của trẻ, nếu con có vẻ mệt mỏi, sốt cao không kèm theo sổ mũi, đau tai hoặc mệt mỏi có lý do rõ ràng khác, hãy đưa trẻ đến ​​bác sĩ thăm khám để xác định xem trẻ có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.

Các biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em

Chẩn đoán và điều trị kịp thời nhiễm trùng tiểu có thể ngăn ngừa các biến chứng y khoa nghiêm trọng, lâu dài. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:

  • Áp xe thận
  • Giảm chức năng thận hoặc suy thận
  • Thận ứ nước hoặc sưng thận
  • Nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến suy nội tạng và tử vong

Chẩn đoán trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Khi trẻ có những dấu hiệu nhiễm trùng tiểu, mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán. Lúc này, bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ.

chẩn đoán nhiễm trùng nhiễm trùng đường tiết niệu

Các bác sĩ sẽ kiểm tra nước tiểu bằng một que thử đặc biệt để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc dùng kính hiển vi để kiểm tra mẫu vi khuẩn hoặc mủ. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện cấy nước tiểu để xác định xem trẻ có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không. Quá trình kiểm tra trong phòng thí nghiệm này thường mất từ ​​24 đến 48 giờ. Mẫu nước tiểu sẽ được sử dụng để phân tích  loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu, lượng vi khuẩn tồn tại và lượng kháng sinh thích hợp cho việc điều trị.

Tuy nhiên, trẻ em dưới 2 tuổi, chưa tự đi vệ sinh, còn lót tã sẽ có thể khiến mẹ gặp khó khăn trong việc lấy mẫu nước tiểu của bé. Lúc này, các bác sĩ có thể sử dụng túi lấy nước tiểu (một túi nhựa được dán lên bộ phận sinh dục của trẻ để lấy nước tiểu) hoặc lấy nước tiểu qua ống thông đưa từ bộ phận sinh dục của bé vào bàng quang để lấy nước tiểu.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em

Khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc với kháng sinh để cải thiện tình trạng bệnh này và ngăn ngừa tổn thương thận. Tùy theo loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ xác định loại kháng sinh được sử dụng và thời gian điều trị sao cho phù hợp. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng thêm thuốc giảm đau để cải thiện cảm giác khó chịu khi đi tiểu.

Nếu trẻ bị nhiễm trùng tiểu và được chẩn đoán là nhiễm trùng bàng quang nhẹ, bác sĩ có thể cho điều trị bằng thuốc kháng sinh uống tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp nhiễm trùng nặng hơn có thể phải nhập viện và truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Một số trường hợp thường được chỉ định nhập viện:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi
  • Bị sốt cao không cải thiện
  • Có khả năng bị nhiễm trùng thận, đặc biệt nếu trẻ bị bệnh nặng hoặc còn nhỏ
  • Bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn
  • Trẻ bị mất nước , nôn mửa hoặc không thể dùng thuốc uống vì bất kỳ lý do nào khác

Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà

Nếu trẻ đang được điều trị kháng sinh tại nhà, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi chăm sóc trẻ như:

  • Cho trẻ sử dụng kháng sinh và các loại thuốc được kê theo lời khuyên của bác sĩ, ngay cả khi trẻ bắt đầu cảm thấy khỏe mạnh
  • Đo nhiệt độ của trẻ nếu cơ thể trẻ có biểu hiện sốt
  • Theo dõi tần suất đi tiểu của trẻ
  • Thường xuyên hỏi trẻ xem có còn cảm thấy đau rát khi đi tiểu hay không
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn

chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu

Trong quá trình chăm sóc, điều trị cho trẻ, hãy liên hệ với bác sĩ nếu các triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài hơn ba ngày. Ngoài ra, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc trực tiếp đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu:

  • Trẻ sốt cao hơn  38,3˚ C
  • Đối với trẻ sơ sinh, sốt mới hoặc dai dẳng (kéo dài hơn ba ngày) cao hơn 38˚ C
  • Đau đơn kéo dài
  • Nôn mửa
  • Phát ban
  • Cơ thể phù nề, sưng tấy
  • Lượng nước tiểu thay đổi

Trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu phải điều trị bao lâu?

Với chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ có thể được hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm trùng tiểu. Tuy nhiên, một số trẻ có thể phải điều trị trong thời gian kéo dài từ sáu tháng đến hai năm.

Trẻ có nhiều khả năng phải điều trị kháng sinh dài hạn có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu con bạn nhận được chẩn đoán rối loạn chức năng bàng quang và cơ vòng đường tiểu, gặp tình trạng dòng chảy ngược bất thường của nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản, di chuyển đến thận thay vì ra ngoài niệu đạo.

Tình trạng này có thể tăng nguy cơ tổn thương thận và cuối cùng là suy thận. Vì thế, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật để kịp thời can thiệp và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Cách phòng ngừa bệnh

Vì tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nên trong quá trình chăm sóc con, mẹ có thể giúp con phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách:

  • Nếu trẻ tắm bồn, không cho trẻ sử dụng các loại bom tắm, viên thả buồn tắm vì chúng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và xà phòng xâm nhập vào niệu đạo.
  • Tránh cho trẻ mặc quần áo và đồ lót bó sát, đặc biệt là các bé gái.
  • Cho trẻ uống đủ nước, không uống caffein để tránh kích ứng bàng quang.
  • Với trẻ sơ sinh, nên thay tã thường xuyên.
  • Dạy trẻ vệ sinh đúng cách để giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi tiêu. Lau từ trước ra sau giúp giảm khả năng vi khuẩn từ hậu môn chuyển vào niệu đạo.
  • Khuyến khích trẻ đi vệ sinh thường xuyên thay vì nhịn tiểu.

Có thể thấy, nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những căn bệnh phổ biến, thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé gái. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng tiểu có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng ở trẻ. Do đó, hãy chú ý quan sát con để có thể nhận ra những biểu hiện bất thường mẹ nhé!

Bài viết liên quan