Mẹ và Con - Mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực không có nghĩa là bạn không thể mang thai. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị đầy đủ để có thời gian thai kỳ lẫn hậu sản ổn định, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là tình trạng tâm lý phức tạp và khó chẩn đoán chính xác. Nếu bạn chưa có kết luận từ bác sĩ thì hãy đi kiểm tra sức khỏe tâm thần, không nên tự chẩn bệnh cho mình. Đối với người có rối loạn này thì một sự kiện lớn như mang thai sinh con là điều cần cân nhắc, tính toán cẩn trọng.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?

Rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder), còn được gọi là rối loạn hưng – trầm cảm là một kiểu rối loạn thường dao động bất thường và đột ngột từ cảm xúc này (hưng) sang cảm xúc khác (trầm). Đặc điểm khác biệt chính của rối loạn cảm xúc lưỡng cực và trầm cảm là các giai đoạn hưng cảm tái diễn (recurring manic). Hưng cảm xuất hiện xen kẽ thời gian trầm cảm và lặp đi lặp lại là dấu hiệu khá rõ ràng của rối loạn này.

rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Tỷ lệ rối loạn lưỡng cực cao nhất là ở người 18-29 tuổi và sau đó là 30-44 tuổi. Có thể thấy, đây cũng là độ tuổi sinh đẻ lý tưởng. Hơn nữa, người có rối loạn lưỡng cực có tỷ lệ cao sẽ có các rối loạn tâm lý đi kèm cũng như bệnh lý như đau đầu, hen suyễn, cao huyết áp, viêm xương khớp, hen suyễn… Do đó, việc có nhiều người lo lắng rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến mẹ và bé là hoàn toàn hợp lý.

Tác động của việc mang thai lên sức khỏe tâm thần

Không phải tự nhiên mà người ta vẫn hay nói mẹ bầu nhạy cảm, tâm trạng thất thường. Mang thai liên quan đến những thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Một vài ngày bạn thấy mình như đang hạnh phúc tột cùng. Vài ngày khác thì bạn cáu kỉnh và xuống tinh thần. Và vì thế, các triệu chứng rối loạn lưỡng cực có thể được phóng đại trong thai kỳ. Điều này nhìn chung cũng áp dụng với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Các nguy cơ nếu mẹ có rối loạn lưỡng cực

Trong giai đoạn mang thai

Mối quan tâm hàng đầu về rối loạn hưng trầm cảm và mang thai chính là việc sử dụng thuốc. Có các ý kiến cho rằng một vài loại thuốc an thần gây dị tật cho thai nhi. Chưa có bằng chứng cụ thể, một nghiên cứu đăng tải trên New England Journal of Medicine cho thấy nếu mẹ dùng thuốc có chứa liti, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên, thì có thể tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Nghiên cứu nêu rõ trên 663 trẻ sơ sinh có mẹ dùng thuốc thì chỉ 16 bé có tật bẩm sinh.

Thuốc chống loạn thần, chống lo âu, chống giảm trầm cảm cũng có thể gây hại cho bé. Sẽ còn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi đưa ra kết luận sau cùng nhưng việc mẹ cẩn trọng với điều này là hoàn toàn đúng đắn.

thai phụ dùng thuốc

Mẹ cũng không cần quá lo lắng mà nên thông báo cho bác sĩ sản khoa để được hỗ trợ y tế kịp thời. Có một số phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực không cần thuốc như tự chăm sóc, các liệu pháp tâm lý.

May mắn là nhìn chung, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cho thấy bản thân chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực sẽ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.

Trong giai đoạn sau sinh

Bên cạnh lo lắng về sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ, có một số rủi ro cho cả hai trong thời gian hậu sản. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực làm tăng nguy cơ mẹ bị rối loạn tâm thần sau sinh. Cần lưu ý loạn thần rất dễ bị nhầm lẫn với trầm cảm sau sinh – vốn là vấn đề sức khỏe tinh thần rất phổ biến dù sản phụ có mắc bipolar disorder hay không.

Rối loạn tâm thần sau sinh khá hiếm gặp nhưng có thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Các triệu chứng bao gồm hưng phấn hoặc trầm cảm nghiêm trọng trong vòng 2-3 ngày sau sinh. Ảo giác và ảo tưởng cũng là triệu chứng khá phổ biến.

Sau cùng, cho con bú cũng gây lo ngại liệu các chất trong thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần có gây nguy hiểm cho bé hay không. Việc phải chăm sóc con gây khó ngủ, mất ngủ cũng ảnh hưởng tới khả năng điều trị chứng rối loạn lưỡng cực.

Kế hoạch mang thai cho người có bipolar disorder cần lưu ý gì?

Mẹ cũng đừng quá lo lắng, các bác sĩ với chuyên môn tốt hơn có thể giúp bạn. Một kế hoạch mang thai tốt nên gồm:

  • Thay đổi phương pháp điều trị để an toàn cho bé.
  • Ngưng thuốc hoàn toàn.
  • Bổ sung đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
  • Tự chăm sóc bản thân, đặc biệt là giấc ngủ.
  • Ngoài ra mẹ có thể cân nhắc: tập luyện thể dục, tham gia điều trị theo nhóm, liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy), tham vấn tâm lý…

tập yoga

Nhìn chung, lời khuyên cho những ai đang mắc hoặc nghi ngờ có rối loạn cảm xúc lưỡng cực là hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có kế hoạch phù hợp cho mẹ và bé nhé.

Bài viết liên quan