Bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn người lớn. Phát ban sốt xuất huyết là dấu hiệu phổ biến nhưng xuất hiện muộn. Do đó, bạn cần tìm hiểu các dấu hiệu sốt xuất huyết khác cũng như cách phòng và điều trị bệnh.
Nguyên nhân phát ban sốt xuất huyết
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là do virus Dengue, thuộc họ Flaviviridae, có bốn loại khác nhau: DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4. Virus lây truyền sang người do vật chủ trung gian là muỗi vằn, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti và một số ít là muỗi Aedes albopictus.
Muỗi cái mang virus sẽ đốt người để hút máu và truyền virus vào máu người. Sau khi bị đốt, virus sẽ thâm nhập vào các tế bào máu và sinh sôi. Virus sẽ kích thích hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng và gây ra các triệu chứng bệnh.
Phát ban sốt xuất huyết là một triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết. Phát ban sốt xuất huyết xuất hiện khi sốt bắt đầu giảm và thường có màu đỏ tím, không biến mất khi căng da. Phát ban có thể kèm theo các triệu chứng khác. Chủ yếu là đau đầu, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy, chảy máu cam, nướu hoặc xuất huyết dưới da.
Bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tuần hoàn hoặc xuất huyết não. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết, đặc biệt là phát ban, xuất hiện nốt đỏ dưới da thì cần đưa đi khám ngay.
Sốt xuất huyết phát ban ngứa xuất hiện vào giai đoạn nào?
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có thể chia thành ba giai đoạn:
- Giai đoạn sốt cao: Thường kéo dài từ 2-7 ngày
- Sốt cao đột ngột từ 38-40 độ C, không giảm dù uống thuốc hạ sốt.
- Đau đầu, đau khớp, đau cơ.
- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Nổi ban đỏ hoặc xuất huyết dưới da dạng chấm hoặc nốt.
- Chảy máu cam, nướu
- Giai đoạn giảm sốt: Thường xảy ra vào ngày thứ 3-5
- Sốt giảm dần hoặc biến mất
- Xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết nặng như: Nôn ra máu; đi ngoài ra máu; xuất hiện các mảng bầm tím trên da; tăng men gan; giảm tiểu cầu; tăng hematocrit.
- Xuất hiện các dấu hiệu sốc sốt xuất huyết như: Tay chân lạnh, mạch nhanh và yếu, huyết áp giảm đột ngột.
- Xét nghiệm máu thường thấy tiểu cầu giảm mạnh.
- Giai đoạn phục hồi: Trẻ bắt đầu ăn uống tốt và xuất hiện sốt xuất huyết phát ban ngứa ở tay chân. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đang phục hồi sau bệnh. Xét nghiệm máu có thể thấy tiểu cầu tăng lên.
Sốt xuất huyết phát ban ngứa là dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị sốt xuất huyết, đặc biệt khi sốt bắt đầu giảm. Ngứa có thể do cơ thể tái hấp thu dịch ngoại bào vào máu và tại mô da đang phục hồi lại các vết thương do phát ban. Sốt xuất huyết phát ban ngứa thường kéo dài từ 2 đến 3 ngày, có khi đến vài tuần.
Lưu ý phát ban sốt xuất huyết ngứa còn có thể do viêm gan cấp do virus Dengue gây ra. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ mệt mỏi, lừ đừ, cần đưa đi khám ngay.
Cách điều trị
Bệnh sốt xuất huyết phát ban ở trẻ em là bệnh nguy hiểm, hoàn toàn có thể dẫn tới biến chứng gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của từng bé. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ sốt xuất huyết cần đưa trẻ đi khám ngay.
Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn các điều trị phụ thuộc vào độ nặng nhẹ và bệnh đang ở giai đoạn nào. Có thể chia thành 2 hình thức: điều trị tại nhà và điều trị nội trú.
Điều trị phát ban sốt xuất huyết tại nhà
Áp dụng cho các trường hợp phát ban sốt xuất huyết nhẹ, không có biến chứng hoặc các dấu hiệu nguy hiểm. Các bước điều trị tại nhà gồm:
- Giảm đau, hạ sốt an toàn cho bé bằng Paracetamol vì sốt là triệu chứng gần như bé nào cũng có. Tuyệt đối không dùng Aspirin hay Ibuprofen vì hai loại thuốc này có thể gây viêm dạ dày, giảm kết tụ tiểu cầu làm xuất huyết nặng thêm.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, lau mát cho trẻ bằng khăn ẩm.
- Bù nước bằng đường uống: Oresol, nước sôi để nguội hoặc nước cháo loãng pha chút muối. Nếu trẻ có biểu hiện nôn mửa hoặc trẻ tiêu chảy thì phải bù nhiều hơn.
- Cho bé ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng, sữa… Tránh cho bé ăn các thực phẩm cay, nóng, chua hoặc giàu chất béo.
- Vệ sinh mũi sạch sẽ, lau người, vệ sinh cơ thể cho thoáng mát.
- Theo dõi thường xuyên các triệu chứng của bé, đo nhiệt độ và huyết áp. Nếu có biểu hiện xuất huyết hoặc sốc xuất huyết, cần đưa bé đi cấp cứu ngay lập tức.
Điều trị phát ban sốt xuất huyết nội trú
Áp dụng cho các trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ biến chứng:
- Đưa bé vào viện để được theo dõi và chăm sóc chuyên sâu. Bé sẽ được tiêm dịch truyền tĩnh mạch để bù dịch và duy trì tuần hoàn máu.
- Để điều trị các biến chứng thì trẻ sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc với phác đồ điều trị phù hợp.
- Bé được theo dõi và kiểm tra các chỉ số máu như tiểu cầu, hematocrit, men gan…. Nếu cần thiết, bé có thể được truyền máu hoặc tiểu cầu.
Người nhà cần lưu ý hỗ trợ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho bé. Cho bé ăn uống đủ chất, nước và vitamin. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giúp bé luôn thấy thoải mái, ít căng thẳng nhất có thể.
Cách phòng ngừa phát ban sốt xuất huyết
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, tránh bị muỗi đốt. Cụ thể thì nên:
- Phát quang bụi rậm, loại bỏ các vũng nước đọng.
- Giữ cho nhà thoáng mát, đủ ánh sáng.
- Dùng màn lưới cửa sổ, ngủ mùng dù là ban ngày.
- Thực hiện các cách đuổi muỗi hiệu quả như trồng các loại cây đuổi muỗi, dùng tinh dầu đuổi muỗi.
- Phun thuốc định kỳ để diệt muỗi.
- Dùng kem chống muỗi cho trẻ.
- Có chế độ ăn uống phù hợp để tăng cường miễn dịch cho bé.
Tóm lại, phát ban sốt xuất huyết là dấu hiệu cho thấy bệnh sốt xuất huyết đã sắp hồi phục. Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, bạn không nên đợi đến lúc này mới đưa bé đi khám bệnh. Hãy đưa bé đi kiểm tra sức khỏe ngay khi có trẻ sốt cao, không hạ được bằng thuốc.