Mẹ&Con – Phản ứng sau tiêm chủng là hiện tượng bất thường về sức khỏe, các biểu hiện tại chỗ tiêm chủng hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường sau tiêm chủng và tai biến nặng sau tiêm chủng.

Phân loại các phản ứng sau tiêm chủng

Tùy theo mức độ mà phản ứng sau tiêm chủng được chia thành hai loại:

1. Phản ứng thông thường sau tiêm chủng

Phản ứng thông thường sau tiêm chủng bao gồm các phản ứng tại chỗ và phản ứng toàn thân. Phản ứng tại chỗ sẽ có các biểu hiện như ngứa, đau, sưng, hoặc đỏ tại vị trí tiêm. Còn phản ứng toàn thân bao gồm chứng sốt, khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Hầu hết những phản ứng này là nhẹ và sẽ tự khỏi sau một hoặc hai ngày.

2. Phản ứng bất thường sau tiêm chủng

Tai biến nặng là phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng người được tiêm chủng. Phản ứng này bao gồm các triệu chứng điển hình như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, cơ thể tím tái, ngừng thở… Gặp phải những phản ứng này nếu không xử trí kịp thời có thể để lại di chứng hoặc khiến trẻ tử vong.

Phản ứng sau tiêm chủng

Nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng

Phản ứng sau tiêm chủng xảy ra sau khi tiêm chủng có thể liên quan đến vắc xin, những vấn đề tồn tại trong việc triển khai tiêm chủng như: không vô khuẩn, thực hành tiêm chủng không đúng, vấn đề của dây chuyền lạnh, sai liều tiêm hoặc pha hồi chỉnh vắc xin, tiêm vắc xin… Cụ thể:

Phản ứng của vắc xin

Là phản ứng của từng cá thể với đặc tính các thành phần vốn có trong vắc xin, ngay cả khi vắc xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác. Tác dụng của vắc xin là kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra miễn dịch chủ động phòng bệnh. Hầu hết các phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ, sốt có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin, một số vắc xin có thành phần (muối nhôm, kháng sinh, chất bảo quản) có thể gây ra một số phản ứng. Rất hiếm gặp những phản ứng nghiêm trọng do vắc xin.

Phản ứng liên quan đến chất lượng vắc xin

Phản ứng liên quan tới chất lượng của vắc xin có thể do khiếm khuyết xảy ra trong quá trình sản xuất vắc xin và làm tăng nguy cơ các phản ứng sau tiêm chủng. Hiện nay, rất hiếm gặp phản ứng sau tiêm chủng do khiếm khuyết về chất lượng của vắc xin, do các cơ sở sản xuất vắc xin đều đã áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP), đồng thời kiểm định chặt chẽ đối với từng lô vắc xin trước khi sử dụng.

Phản ứng liên quan đến sai sót trong thực hành tiêm chủng

Là những lỗi gây ra trong khi chuẩn bị tiêm chủng; không khám phân loại; chuẩn bị vắc xin, vận chuyển, bảo quản vắc xin không đúng; tiêm không đảm bảo vô khuẩn; tiêm không đúng vị trí, sai kỹ thuật.

Các phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng

Bình quân cứ 10 trẻ sẽ có 1 trẻ sợ tiêm phòng.

Có thể xảy ra ở một người hay một nhóm trước hoặc sau khi tiêm chủng, phản ứng không liên quan đến thành phần của vắc xin. Phản ứng do tiêm chủ yếu là ngất xỉu, thường chỉ xảy ra ở trẻ trên 5 tuổi. Ngất xỉu thường nhầm lẫn với sốc phản vệ, vì thế việc phân biệt sự khác nhau giữa chúng là rất quan trọng. Sự lo sợ khi tiêm chủng dẫn đến những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, cảm giác tê xung quanh miệng và tay, đôi khi nhầm lẫn với dị ứng. Đối với trẻ nhỏ tuổi hơn có thể bị nôn, ngừng thở có thể xảy ra trong một thời gian ngắn rồi tự khỏi.

Những phản ứng trùng hợp ngẫu nhiên

Là phản ứng gây ra bởi một nguyên nhân khác không phải là do vắc xin, do sai sót trong thực hành tiêm chủng hay do lo lắng khi tiêm chủng, mà là do bệnh lý sẵn có của trẻ. Lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ em rất sớm khi mà giai đoạn này trẻ rất dễ bị bệnh nhiễm trùng và bệnh bẩm sinh tiềm tàng hoặc những biểu hiện thần kinh, thậm chí có khi tử vong và dễ bị quy cho tiêm chủng.

Phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân

Việc xác định nguyên nhân của các phản ứng sau tiêm chủng thường là khó, phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện và điều tra sớm các trường hợp phản ứng xảy ra, một số phản ứng không xác định được nguyên nhân.

Xử trí các phản ứng sau tiêm chủng

Phản ứng sau tiêm chủng

1. Đối với một số phản ứng thông thường

Sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C)

Mẹ nên cho bé uống nhiều nước, ăn uống vẫn bình thường, nên để bé nằm ở chỗ thoáng mát. Trong trường hợp trẻ có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc trẻ có tiền sử sốt cao co giật, mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38 độ C. Tuy nhiên, trước khi cho bé uống thuốc hạ sốt, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.

Phản ứng tại chỗ

Một số phản ứng tại chỗ sau khi tiêm chủng như đỏ, sưng tại vị trí tiêm và có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau: sưng tới tận khớp xương gần chỗ tiêm nhất, đau, đỏ và sưng trên 3 ngày. Những phản ứng này thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Điều trị triệu chứng với các thuốc giảm đau theo sự chỉ định của bác sĩ.

Đau khớp

Một số trẻ có cảm giác đau cơ, đau khớp sau khi tiêm phòng. Triệu chứng khó ở này thường sẽ tự khỏi, một số khác có thể phải dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Nhiễm khuẩn BCG

Nhiễm khuẩn BCG lan tỏa trên diện rộng xảy ra trong vòng 1 đến 12 tháng sau tiêm BCG (vắc xin phòng chống lao) và được chẩn đoán xác định bằng cách phân lập vi khuẩn lao. Thông thường xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch, cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị bằng thuốc chống lao.

Giảm trương lực, phản xạ

Giảm trương lực, phản xạ, choáng xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm chủng kéo dài từ 1 phút đến nhiều giờ ở trẻ em dưới 10 tuổi với biểu hiện mệt lả, giảm đáp ứng thường thoáng qua và tự khỏi không cần điều trị. Trường hợp xuất hiện tái xanh hay tím ngắt hoặc bất tỉnh cần được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị tích cực như sốc phản vệ.

Viêm hạch bạch huyết

Viêm hạch bạch huyết kể cả viêm hạch bạch huyết có mủ với biểu hiện có 1 hạch lympho sưng to > 1,5 cm (bằng một đầu ngón tay người lớn) hoặc có 1 hốc dò rỉ trên 1 hạch lympho. Xảy ra trong vòng 2 đến 6 tháng sau khi tiêm vắc xin BCG, tại cùng một bên người với chỗ tiêm chủng (đa số là ở nách). Thường là tự lành và không cần điều trị. Trường hợp tổn thương dính vào da hoặc bị dò rỉ thì cần đưa đến cơ sở y tế để được phẫu thuật dẫn lưu và đắp thuốc chống lao tại chỗ.

Bầm tím hoặc chảy máu

Bầm tím hoặc chảy máu do giảm tiểu cầu thường là nhẹ và tự khỏi. Trường hợp nặng cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị thuốc steroid và truyền khối tiểu cầu.

2. Đối với các tai biến nặng sau tiêm chủng

Đối với các tai biến nặng sau tiêm chủng, một trong những nguyên tắc hàng đầu chính là khẩn trương tiến hành cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân, xử trí và điều trị kịp thời cho trẻ.

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke (phù mạch); tụt huyết áp có khi không đo được; khó thở, nghẹt thở; đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật. Cần dừng ngay việc tiêm vắc xin và tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển bé đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất.

Phản ứng quá mẫn cấp tính

Thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau khi tiêm chủng với 1 hay kết hợp nhiều triệu chứng như: thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân. Cần dùng các thuốc kháng histamin, phòng ngừa bội nhiễm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng. Trường hợp phản ứng nặng cần cho thở oxy và xử trí như sốc phản vệ.

Sốt cao (trên 38,5 độ C)

Trường hợp trẻ sốt cao (trên 38,5 độ C), mẹ cần cho trẻ uống nước đầy đủ, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết trong mỗi bữa ăn. Mẹ có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen nhưng phải có sự tham vấn từ bác sĩ. Lau mát hạ sốt với nước ấm hoặc nước thường cũng là cách giúp bé giảm sốt hiệu quả.

Cơn khóc dai dẳng

Vì tâm lý sợ hãi và vị trí tiêm vẫn còn đau, một số bé sẽ khóc thét dai dẳng trên 3 giờ kèm theo la hét. Phản ứng này thường dịu đi sau 1 ngày hoặc thời điểm đó có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Co giật

Thường những cơn co giật toàn thân không kèm theo dấu hiệu và triệu chứng tại chỗ có thể có sốt hoặc không. Lúc này, trẻ cần được điều trị hỗ trợ hô hấp như thông đường thở, hút đờm dãi, thở oxy. Dùng thuốc chống co giật như Diazepam hoặc thuốc chống co giật khác theo đúng phác đồ xử trí co giật của các bác sĩ.

Áp xe

Tại chỗ tiêm sờ thấy mềm hoặc có rò dịch, có thể là áp xe vô khuẩn hoặc nhiễm khuẩn. Điều trị bằng cách chích rạch và dẫn lưu, dùng kháng sinh nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn huyết

Bệnh thường khởi phát cấp tính, có tính chất toàn thân, trầm trọng. Biến chứng thường gặp và nguy hiểm là sốc nhiễm trùng. Cần điều trị sốc nếu có theo phác đồ điều trị sốc, kháng sinh và điều trị các biến chứng.

Một số cách giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn sau khi chủng ngừa bao gồm:

  • Cho trẻ uống nhiều nước hoặc mẹ tăng cường cữ bú cho con.
  • Không chà xát hoặc xoa bóp vào chỗ tiêm.
  • Nếu vị trí tiêm chích có vẻ đau, đỏ hoặc sưng lên, hãy đặt một miếng vải lạnh, ướt trên vị trí tiêm.
  • Nếu trẻ bị sốt, không nên mặc quá nhiều quần áo cho trẻ.
  • Kiểm tra và cần đảm bảo nhiệt độ phòng không quá nóng hoặc quá lạnh.

Giám sát phản ứng sau tiêm chủng

Để bảo đảm tiêm chủng an toàn, các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm túc các quy định tại Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT ngày 7/7/2008 của Bộ Y tế về việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị và Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 18/01/2013 của Bộ Y tế về việc tăng cường an toàn tiêm chủng và giám sát các phản ứng sau tiêm chủng. Giám sát phản ứng sau tiêm chủng có thể giúp xử trí kịp thời, bảo vệ sức khỏe cho người được tiêm chủng, đồng thời xác định được nguyên nhân và cách khắc phục ngay những thiếu sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng.

Ở Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện từ năm 1985 đến nay, đã triển khai tiêm chủng nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Đối với cơ sở tiêm chủng cần thực hiện nghiêm túc quy trình tiêm chủng, từ bảo quản, sử dụng vắc xin đến khám, chỉ định và tư vấn trước tiêm chủng, tiêm chủng an toàn. Tại cơ sở tiêm chủng phải có đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện và phác đồ cấp cứu sốc phản vệ để xứ trí ngay các trường hợp sốc. Theo dõi người được tiêm chủng tại điểm tiêm chủng tối thiểu 30 phút sau khi tiêm chủng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời phản ứng nặng như sốc phản vệ nếu có xảy ra. Hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi tại nhà đối với người được tiêm chủng ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng và thông báo ngay cho cán bộ y tế những bất thường về sức khỏe của trẻ. Nếu xuất hiện các triệu chứng như khó thở, sốt cao, co giật, khóc thét kéo dài, tím tái, ngừng thở… phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị.

Vắc xin cũng như các thuốc dùng trong điều trị đều có thể gây ra những phản ứng không mong muốn khi sử dụng, đây là điều không thể tránh khỏi. Nhiệm vụ của ngành y tế là cung cấp đầy đủ vắc xin an toàn và chất lượng. Bác sĩ, nhân viên y tế cần cung cấp thông tin chính xác về vắc xin, tư vấn, khám chỉ định đúng loại vắc xin, đúng lịch tiêm chủng cho từng đối tượng, thực hiện đúng phác đồ, kỹ thuật tiêm chủng để đạt hiệu quả cao nhất.

Bài viết liên quan