Đón con từ trường về, chị Phương Mai tá hỏa tam tinh khi thay quần áo cho con, phát hiện cổ con có vết cào sâu hoắm. Chị tức tốc gọi điện cho chồng, rồi gặng hỏi con. Khi thấy con cứ lắc đầu, chị một hai đe nẹt: “Nói mẹ nghe, cô giáo đánh con hay bạn nào đánh con? Nói mẹ nghe, mẹ lên mẹ… xé xác mấy người đó ra cho!”
Khi con bị thương tích
Thực tế, có không ít phụ huynh phản ứng như trường hợp của chị Mai. Khi phát hiện tay con bị bầm, anh Phú cũng lớn tiếng quát tháo trước mặt con: “Bạn đánh con hả? Mai phải lên trường báo cáo cho hiệu trưởng mới được. Cô giáo gì mà không thèm để mắt đến mấy đứa nhỏ!”.
Mặc cho vợ cố gắng ra hiệu cho chồng nói nhỏ lại, đừng để con có ấn tượng xấu về trường lớp hay cảm nhận rằng có thể giải quyết mọi thứ bằng… bạo lực, anh Phú vẫn không ngừng hét lên. Thậm chí, anh còn dọa nạt rằng sẽ làm cho cô giáo bị… đuổi việc và phải tìm cách đánh lại đứa trẻ kia mới… hả lòng hả dạ.
Thực tế, ở độ tuổi rất hiếu động như Mầm non hay Tiểu học, trẻ rất dễ bị vài vết trầy xước trên tay chân trong chính những trò chơi, những hoạt động ngoài trời của mình. Phản ứng bênh vực con, muốn tìm hiểu đến cùng một cách cặn kẽ nguyên nhân những vết thương là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần hiểu rõ giới hạn giữa việc bảo vệ trẻ với việc cố gắng làm lớn chuyện, bênh con một cách mù quáng dẫn tới có những thái độ không hay.
Nói mẹ nghe, ai đánh con thế này? (Ảnh minh họa)
Điều quan trọng cần làm trước tiên là trấn an trẻ, không làm trẻ sợ. Bạn có thể ôm con trong lòng, dịu dàng hỏi con một cách ân cần: “Sao tay con bị tím chỗ này? Con có bị đau không? Có phải con chơi bị vấp ngã không?” Rồi từ những câu trả lời của bé, bạn có thể dần dần biết được nguyên nhân.
Không nên bày tỏ sự giận dữ, căng thẳng, quát nạt hay đe dọa người khác (dù đó là cô giáo hay bạn bè trẻ) vì điều này sẽ càng khiến trẻ sợ hãi và bị ấn tượng xấu về chuyện dùng bạo lực giải quyết vấn đề. Ví dụ trẻ bảo bị vấp ngã, bạn chỉ cần khuyên lần sau trẻ nên cẩn thận hơn, đi đứng từ tốn chứ đừng nên trách móc cô trước mặt trẻ rằng sao cô không trông chừng, để con bạn bị té ngã?
Ngay cả khi trẻ mách với bạn rằng bị bạn đánh hay bị cô giáo phạt, bạn cũng chỉ nên nhắc nhở trẻ lần sau ngoan hơn và hứa với trẻ là mai ba mẹ sẽ nói chuyện với bạn hoặc cô. Bạn sẽ không đánh con, cô sẽ không phạt con nữa đâu… Bằng cách đó bạn vừa trấn an được trẻ, vừa khiến trẻ không còn mặc cảm, căng thẳng với cô hay với bạn bè nữa.
Xử trí: Rất cần bình tĩnh
Khi đã có được một vài thông tin nhất định từ con, bạn nên trực tiếp nên gặp giáo viên, trao đổi về sự việc. Hãy lưu ý rằng dù xót con đến đâu, bạn cũng nên thật bình tĩnh để có thái độ hòa nhã, từ tốn nhất, nhằm nắm bắt được trọn vẹn mọi thông tin về sự việc. Nếu cần thiết, bạn có thể trình bày thêm với Ban giám hiệu để được giúp đỡ.
Không nên la hét, quát tháo, thậm chí dọa đánh hoặc làm những chuyện “động trời” hơn trong môi trường học đường. Vì những việc bạn làm sẽ ảnh hưởng đến chính con của bạn. Không phụ huyh nào dám cho con mình chơi với một đứa trẻ có ba mẹ từng vào tận trường, gây sự với thầ cô. Hãy hình dung tâm lý của con bạn sẽ thế nào, nếu bé bị tất cả bạn bè dè dặt, xa cách…?
Hơn nữa, những hành động thiếu kiềm chế, dùng bạo lực không bao giờ được giải quyết được sự việc. Nên bình tĩnh trao đổi lại với giáo viên, với phụ huynh của trẻ khác cũng như kiểm tra lại cẩn thận tất cả những hệ thống thang, khu vui chơi… của trẻ trong trường hợp trẻ bị té ngã, xây xát khi vui chơi tại trường để đảm bảo các thiết bị này được sửa chữa an toàn hơn…
Chuyên viên tâm lý Thu Hiền (Tổng đài 1080) cho biết: “Phụ huynh có thể trực tiếp gặp giáo viên hoặc Ban giám hiệu để trao đổi về các vết thương trên người con sau khi đón con đi học về. Tùy từng trường hợp mà có cách xử sự hợp lý.
Phụ huynh cũng nên hạn chế tối đa gửi con ở các điểm giữ trẻ, thay vì trường mẫu giáo. Tại trường, ít ra các thầy cô đều có kiến thức sư phạm nên sẽ chăm sóc trẻ chu đáo. Tuyệt đối không được phép dùng đến roi vọt, quản lý trẻ cũng chặt chẽ hơn nên hiếm khi xảy ra trường hợp trẻ đánh nhau. Trong khi đó ở các điểm giữ trẻ không chuyên, trường hợp này có thể xảy ra thường xuyên, thậm chí người giữ trẻ cố tình đánh trẻ vì không có biện pháp sư phạm để dạy dỗ, chăm sóc trẻ đúng cách”.
Dấu hiệu bé bị bạo hành
– Thường xuyên có vết bầm tím, vết máu tụ dưới da. Hoặc có vết cấu nhéo, vết răng cắn, có nhiều vết thương ngoài da.
– Có biểu hiện sợ trường lớp, lo âu, trầm cảm…
– Bỗng nhiên học hành sa sút, trẻ nhỏ thì chậm nói, chậm vận động.
– Bỏ nhà đi, trốn học.
– Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống.
– Có thái độ hung hăng, khiêu khích.
– Tự cô lập, u buồn, từ chối tâm sự.
– Có thể tè dầm trở lại, dù đã tự ý điều chỉnh được việc tiểu tiện trước đó.