Mẹ&Con – Một ngày nọ, gần chồng bạn không thấy ham thích hay hứng thú nữa. Bạn thấy những động tác, đòi hỏi của anh xã cứ… “ghê ghê”. Và khi chàng “đòi”, bạn lập tức quay phắt đi, đóng cho mình cái mác: “Em bị lãnh cảm sau sinh rồi. Thôi anh ngủ đi… Em cũng chỉ muốn được ngủ!”. Thật ra, thực hư chuyện “lãnh cảm” là như thế nào? Có nên đổ hết cho “lãnh cảm” mỗi khi bạn rơi vào trạng thái như thế?

Khi tình dục không còn… vui!

Định nghĩa thông thường, lãnh cảm là trạng thái một người không còn cảm thấy hứng thú với hành vi tính dục, thậm chí cảm thấy ghê sợ với chuyện này. Tuy nhiên, thật ra theo sự phân chia của bác sĩ, lãnh cảm sẽ chia thành… hai loại: Lãnh cảm đích thực và lãnh cảm “giả đò”.

Nhiều người phản ứng quyết liệt ngay khi đọc đến đây. Có thể bạn cũng “nhảy dựng” lên, bảo: Tôi bị bệnh thật, bác sĩ lại nói lãnh cảm “giả đò” là sao!!! Xin đừng… nóng! “Giả đò” ở đây không phải nghĩa là bạn “giả đò”, mà nó có nghĩa đấy chỉ là trạng thái mất cảm giác “ảo”, hoàn toàn do tâm lý, do trục trặc với người phối ngẫu mà thôi.

Xin khẳng định trước hết để bạn yên tâm, rất hiếm người bị lãnh cảm đích thực. Lãnh cảm đích thực được xem là một trạng thái bệnh lý, một sự khiếm khuyết bẩm sinh về sinh lý, khiến mất đi những cảm xúc bản năng của con người. Hiện nay, y học vẫn chưa tìm được cách nào để chữa trị một cách triệt để, nếu như thật sự bạn rơi vào trạng thái lãnh cảm đích thực.

Dung voi do loi cho lanh cam

(Ảnh minh họa)

Tỷ lệ rất lớn còn lại, bảo rằng mình bị “lãnh cảm”, may mắn thay như đã nói ở trên, lại chỉ là trạng thái “giả đò”, tức một trạng thái hoàn toàn có thể khắc phục được, thậm chí chẳng cần đến bác sĩ mà chỉ cần một người phối ngẫu khéo léo, cũng đủ sức giải quyết vấn đề.

Có một so sánh rất hay mà sách vở hay nhắc đến, đó là người phụ nữ như một cây đàn và người đàn ông chính là một… nhạc công. Nhạc công tồi thì gảy ra những âm sắc trúc trắc trục trặc khó nghe. Nhưng gặp nhạc công giỏi thì cho dù là chính “cây đàn” ấy, vẫn có thể khơi gợi lên những âm thanh thánh thót, huyền diệu như thường.

So sánh này chỉ rõ tầm quan trọng của người đàn ông trong đời sống tình dục vợ chồng. Vì có một điều thú vị là nam giới có phần dễ dàng với việc đạt được khoái cảm, dù với đối tượng nào, chỉ cần đừng có gì “sốc” quá hoặc gây khó chịu quá, thì cảm xúc sẽ đến ngay.

Nhưng với phụ nữ thì khác. Không phải với ai cũng dễ dàng đạt được khoái cảm. Thậm chí cùng một đức lang quân, nhưng hôm nay tình cảm vợ chồng êm đềm, ngọt ngào thì chuyện chăn gối thành chuyện… lên mây; ngày hôm sau vợ chồng cãi cọ “tưng bừng”, thì cho dù đã làm hòa, cảm xúc gối chăn tự dưng cũng theo đó mà gượng gạo, “chiều đại cho anh ấy vui chứ tôi chả thấy có hứng thú gì”.

Làm sao để qua cơn… “lạnh”?  

Với lãnh cảm hình thức, lãnh cảm “giả đò”, lại chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, do cơ thể thiếu hụt nội tiết tố nữ (estrogen) tại một giai đoạn nào đó trong đời, nhất là ở tuổi bắt đầu “xế chiều”. Trường hợp này bác sĩ có thể điều trị bằng cách bù đắp nội tiết tố cho cơ thể.

Một trường hợp khác cũng trong nhóm này là người phụ nữ vừa trải qua những giai đoạn như sinh nở, phẫu thuật, mắc các bệnh tạm thời như viêm nhiễm phụ khoa, tiết niệu… cũng có thể ảnh hưởng tới khoái cảm tình dục. Lúc đó, bác sĩ sẽ thực hiện các việc điều trị bệnh phụ khoa, đề nghị chờ thêm đến lúc vết thương hồi phục hẳn…

Nhóm thứ hai, phổ biến hơn, mất cảm xúc lại bắt nguồn từ tâm lý. Đa phần phụ nữ đều muốn mình đẹp trong mắt chồng. Thế nên, một khi có vài “biến động” gì đó với vẻ ngoài, ví dụ như vừa trải qua giai đoạn mang thai, sinh nở, người phụ nữ bỗng dưng trở nên mặc cảm với những khiếm khuyết nho nhỏ của cơ thể, từ đó lo âu, căng thẳng kể cả khi gần chồng, dẫn đến mất luôn cảm xúc gối chăn này.

Những nguyên nhân tâm lý khác có thể kể đến như cách giáo dục gia đình, những tư tưởng truyền thống, lễ giáo ăn sâu, rằng phụ nữ “đoan trang” phải thế này thế kia có thể ngăn trở, khiến người phụ nữ không còn buông lỏng được mình, cho phép mình tận hưởng những “cảm xúc đích thực”.

Nghiêm trọng hơn, có một số trường hợp, người phụ nữ từng bị dấu ấn trong quá khứ, ví dụ như bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng bức… thì tâm lý sợ hãi với chăn gối sẽ ám ảnh trong một thời gian dài.

Cuối cùng là một nguyên nhân đặc biệt phổ biến ở tâm lý phụ nữ, ấy là tình cảm với chồng có phần sứt mẻ theo những cuộc cãi vã, giận hờn, điều này ảnh hưởng lớn lao đến mối quan hệ gối chăn. Ví dụ một người vợ biết chồng có chuyện “ăn phở” bên ngoài thì dù đã bảo tha thứ cho chồng, song chuyện gối chăn lúc này hoàn toàn không dễ dàng hồi phục.

Nhiều cô viết mail về chia sẻ, bảo rằng cứ mỗi lúc gần chồng, thì những bằng chứng về anh với “con hồ ly tinh” kia cứ… hiện lên, thế là tôi thấy mình lạnh tanh, chả còn thiết tha gì nữa.

Giải quyết chuyện lãnh cảm lúc này, không phải là bác sĩ mà chính là… đức lang quân. Làm cách nào để khơi gợi trở lại yêu thương, làm cách nào để vợ chồng thật sự hòa quyện, cảm thấy mình là một nửa của người kia, đấy chính là “liều thuốc” thật sự cho lãnh cảm “giả đò”. Ngoài ra, bạn chỉ cần lưu ý thêm một lời nhắc nhỏ nữa, là trạng thái mệt mỏi, căng thẳng có khả năng gây nên lãnh cảm.

Người phụ nữ một khi đã quá stress với cả đống việc nhà ban ngày, thì ban đêm thờ ơ luôn chuyện chăn gối là… hết sức bình thường! “Liều thuốc” bạn cần trong trường hợp này là sự nỗ lực của anh xã để tham gia san sẻ việc nhà, hay một chuyến đi xa, một sự nghỉ ngơi hợp lý hơn… nhằm giúp cơ thể thư giãn, nghỉ ngơi, sẵn sàng để khơi gợi lại những cảm xúc thẳm sâu về chuyện ấy.

Một câu hỏi thú vị sau đặt ra ở cuối bài viết này là: Phụ nữ lãnh cảm, thế các đức lang quân thì có bao giờ rơi vào trạng thái này không? Họ có “lãnh cảm” không, nếu có thì điều chỉnh, chữa trị thế nào? Chuyện đó, bác sĩ xin hẹn lại vào… bài viết sau, để khám phá những “bí mật” đầy bất ngờ về chuyện mất cảm giác của các chàng!

Tags:

Bài viết liên quan