Mẹ và Con - Các đôi vợ chồng sau khi kết hôn một thời gian sẽ bước vào giai đoạn cảm thấy chán nhau, thường xuyên có mâu thuẫn dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Liệu hôn nhân khi đã rạn nứt có thể níu kéo và hàn gắn?

Vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta thường muốn níu kéo hôn nhân đổ vỡ, dù cho đối phương đã tàn nhẫn vứt bỏ tất cả. Liệu những cố gắng này của bạn có được đền đáp xứng đáng? Liệu còn có cơ hội cho những cuộc tình đang đứng trên bờ vực thẳm?

Trước khi quyết định níu kéo một cuộc hôn nhân đổ vỡ…

Chẳng có gì sai nếu bạn cảm thấy quyến luyến và chẳng muốn dừng lại. Đây là một cảm xúc hoàn toàn bình thường và vô cùng dễ hiểu vì có lẽ, cuộc hôn nhân này với bạn là tất cả những gì bạn đang trân quý.

Bên cạnh đó, nhiều người phụ nữ đứng trước một cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng thường lựa chọn hàn gắn và tiếp tục thay vì ly hôn vì sợ ảnh hưởng đến con cái, lo lắng bố mẹ hai bên phiền lòng, ái ngại người đời dị nghị…

Tuy nhiên, tình yêu và hôn nhân này là của bạn, cuộc đời này cũng là của bạn. Điều duy nhất bạn nên cân nhắc trước khi quyết định níu kéo chính là người ấy có xứng đáng để ở cạnh bên hay không, và cuộc hôn nhân này có thật sự mang lại cho bạn hạnh phúc hay không.

hôn nhân đổ vỡ

Cuộc hôn nhân của hai bạn có còn hy vọng hay không?

Đôi khi, càng níu kéo sẽ càng tổn thương. Vì thế, thay vì tự dặn lòng phải cố thứ tha hay dại khờ tiếp tục hàn gắn mối tình chắp vá, hãy bình tĩnh nhìn nhận lại cuộc hôn nhân này và xem có thể tiếp tục hay không bạn nhé.

Liệu đây có phải là một cuộc hôn nhân đầy bạo lực?

Nếu bạn chẳng may kết hôn với một người chồng vũ phu, thường xuyên bạo hành gia đình, mắng nhiếc và đánh đập vợ con, ly hôn sẽ là lối thoát tốt nhất dành cho bạn.

Nếu một người đàn ông sẵn sàng làm tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác của người vợ đầu ấp tay gối bên cạnh anh ấy thì đây không phải là một người xứng đáng để bạn cố gắng vì họ. Nếu muốn níu kéo một cuộc hôn nhân đổ vỡ vì người chồng bạo lực, tốt nhất hãy dừng lại bạn nhé.

Hôn nhân không có trách nhiệm

Hôn nhân là sự xây dựng và vun vén từ cả hai phía, cả hai đều phải dành thời gian để có trách nhiệm với cuộc hôn nhân này. Nếu chỉ một mình bạn gánh vác mọi thứ còn người bạn đời của mình lại là một người chồng vô tâm, không hề có trách nhiệm với vợ con, gia đình thì hôn nhân đổ vỡ là chuyện sớm muộn.

Bạn càng cố gắng níu kéo thì sẽ càng mệt mỏi và khiến mâu thuẫn gia đình tăng đến đỉnh điểm, kết quả cuối cùng vẫn là chia tay mà thôi.

ly hôn

Bạn muốn níu kéo vì sĩ diện

Nhiều người phụ nữ thật sự xem tình yêu và hôn nhân như “tấm áo sĩ diện” phủ bên ngoài cuộc đời của mình. Cho dù hôn nhân đang đứng trước bờ vực thẳm nhưng bạn không muốn ly hôn chỉ vì sĩ diện, sợ người đời đánh giá.

Cuộc hôn nhân này chẳng thể đem lại cho bạn bất kỳ hạnh phúc nào ngoại trừ việc có thể diện với mọi người và thôi.

Nếu hôn nhân đã không xuất phát từ nền tảng hôn nhân, có cố gắng níu kéo như thế nào thì sớm muộn, hôn nhân cũng sẽ đến lúc phải kết thúc mà thôi.

Đối phương là người trăng hoa

Tình yêu và hôn nhân trước tiên phải là câu chuyện giữa hai người. Vì thế, nếu có người thứ 3 xen vào cuộc hôn nhân này, hôn nhân đổ vỡ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Dĩ nhiên, không ngoại trừ trường hợp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình, thay đổi và không tái phạm. Lúc này, bạn hoàn toàn có thể chấp nhận hàn gắn và cho đối phương cơ hội sửa đổi.

Tuy nhiên, nếu bản chất của chàng là người trăng hoa, thường xuyên có những “cuộc vui ngoài lề” dù cho đã xin lỗi và mong bạn tha thứ rất nhiều lần thì tốt nhất, nên ly hôn để giải thoát cho cả hai.

Đừng cho rằng bạn có thể thay đổi đối phương vì nếu muốn, họ đã tự mình thay đổi từ rất lâu. Nếu họ vẫn quen từ cô đồng nghiệp đến “em gái” chung trường đại học dù cho đã có vợ, mọi cố gắng níu kéo của bạn sẽ đều trở nên vô nghĩa.

ngoại tình

Bạn đang cố gắng vì con

Một trong những lý do để chúng ta lựa chọn không ly hôn dù cho hôn nhân đổ vỡ chính là vì con cái. Chúng ta sợ con sẽ buồn và bị tổn thương khi sống trong một gia đình không hoàn chỉnh và trọn vẹn. Tuy nhiên, để con cái sống trong một môi trường hạnh phúc “giả tạo”, chứng kiến bố mẹ dù đã không còn tình cảm nhưng vẫn sống với nhau sẽ khiến trẻ tổn thương nhiều hơn.

Trẻ em vô cùng nhạy cảm, chúng có thể dễ dàng nhận ra liệu bố mẹ mình có đang thật sự hạnh phúc với nhau hay không. Và chúng cũng sẽ cảm thấy tổn thương, có lỗi hơn khi cho rằng, mình chính là lý do khiến bố mẹ không thể mạnh dạn ly hôn để tìm hạnh phúc mới mà phải nhẫn nhịn chịu đựng một cuộc hôn nhân đã đi đến hồi kết.

Anh ấy không trân trọng bạn

Hôn nhân đổ vỡ có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả 2 chữ “tôn trọng”. Nếu người đầu ấp tay gối với bạn chỉ xem bạn đơn thuần như một “chiếc máy đẻ”, một người vừa làm việc nhà lại có thể nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng mà chẳng đòi hỏi đồng lương nào, một người để thỏa mãn nhu cầu tình dục của anh ấy,… thì có lẽ, chính bạn cũng đã biết câu trả lời phải không nào?

Đừng cố gắng ở bên cạnh một người không thấy được giá trị của bạn, bởi đơn giản họ chưa từng xứng đáng để bạn có thể hy sinh cuộc đời của mình.

nguyên nhân hôn nhân đổ vỡ

Làm sao để níu kéo hôn nhân đổ vỡ?

Nếu cuộc hôn nhân của bạn không nằm trong những vấn đề trên và bạn vẫn còn tình cảm với người bạn đời của mình, bạn có thể thử một vài phương pháp để cố gắng gìn giữ cuộc hôn nhân này.

Hãy thử ly thân

Có người cho rằng, ly thân là một cuộc chuẩn bị cho ly hôn khi hôn nhân đổ vỡ. Tuy nhiên, đôi khi ly thân lại chính là chất keo hàn gắn tình cảm rạn nứt giữa hai vợ chồng. Tạm xa nhau một thời gian để trải nghiệm những điều mới mẻ chưa từng có trong cuộc sống hôn nhân của hai bạn sẽ giúp cả hai nhận ra tầm quan trọng của đối phương trong lòng mình.

Lúc này, bạn sẽ biết được bạn có thật sự cần người ấy hay không, nếu sống thiếu người ấy thì sẽ như thế nào, liệu đối phương có phải người bạn không thể buông tay? Ngược lại, quãng thời gian xa nhau cũng giúp người ấy đánh giá chính xác hơn về cuộc hôn nhân của cả hai và đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân.

Hãy thẳng thắn đối mặt với nhau

Cơ thể chúng ta sẽ có cơ chế tự bảo vệ chính mình, khi đối mặt với những tổn thương chúng ta thường có xu hướng trốn tránh để tự làm đau chính mình. Tuy nhiên, nếu bạn không dám đối diện, vết thương sẽ cứ âm ỉ và dày vò bạn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn ảnh hưởng đến hôn nhân của cả hai.

Tốt nhất khi hôn nhân đang có trục trặc, hãy nói điều đó cho người bạn đời của mình. Cả hai nên thẳng thắn trao đổi với nhau và tìm ra hướng giải quyết, dù cho đó là ly hôn hay tiếp tục ở bên cạnh nhau đi chăng nữa.

Không đem con cái hay điểm yếu của chàng ra để níu kéo

Một sai lầm mà rất nhiều phụ nữ gặp phải khi hôn nhân đổ vỡ chính là đem con cái ra để níu kéo hoặc dùng điểm yếu của chàng để ràng buộc anh ấy ở lại.

Điều này có thể hiệu quả, anh ấy sẽ vẫn ở bên cạnh bạn. NHƯNG! Chắc chắn khi bạn làm như thế, bạn đã tự tay kết thúc tình yêu giữa hai người và không cho nó một cơ hội để có thể hàn gắn lại tình cảm đang rạn nứt.

vợ chồng cãi nhau

Đàn ông rất ghét bị đe dọa và cảm thấy không vui nếu một người khác sử dụng điểm yếu để uy hiếp họ. Vì thế, cho dù có muốn chàng ở bên cạnh đến đâu đi chăng nữa cũng đừng dại mà làm điều này bạn nhé.

Bước vào hôn nhân, chúng ta không chỉ học cách giữ gìn hôn nhân hạnh phúc mà còn phải học cách nhìn nhận đúng về hôn nhân của mình, nhận biết về một cuộc. hôn nhân đổ vỡ. Đặc biệt, chúng ta cần học cách xác định liệu cuộc hôn nhân đó có xứng đáng để níu kéo hay không. Tạp chí Mẹ và Con mến chúc bạn luôn hạnh phúc và có một cuộc hôn nhân thật viên mãn.

 

Bài viết liên quan