Mẹ&Con sẽ mách mẹ 8 “tuyệt chiêu” giúp thay đổi tình trạng này.
Dọn ngay trong ngày
Nếu bé đã học cả ngày ở trường thì mẹ nên đặt ra thời gian dọn phòng cố định trong ngày là sau khi bé đã học bài xong. Việc này giúp bé hình thành thói quen và sau đó sẽ tự động làm theo nếp. Mẹ cũng nên khắt khe một chút, tránh dồn đến cuối tuần mới dọn một lần nhé!
Chia nhỏ công việc
Cách tốt nhất để bé nghe lời mẹ là hãy đưa cho bé những lời chỉ dẫn càng ngắn gọn, đơn giản càng tốt. Trẻ con không thích bị người lớn ra lệnh nhiều, vậy nên bạn chỉ cần nhờ bé làm một việc cụ thể với lời chỉ dẫn rõ ràng như: đem đồ chơi bỏ vào giỏ con nhé, rồi đứng từ xa quan sát bé.
Dán tên cho mọi thứ
Mẹ nên viết tên và mục đích sử dụng bên ngoài thùng, kệ, giỏ đựng đồ chơi… Cách làm này tuy tốn thời gian của mẹ nhưng sẽ giúp bé biết được cái này bỏ chỗ nào, cái kia cất ở đâu.
Một nguyên tắc mẹ nên rèn con sớm là làm đâu để đấy, dùng xong cất ngay. Như vậy căn phòng sẽ luôn ngăn nắp bạn sẽ không mất công phải dọn dẹp nhiều.
Mọi thứ phải vừa tầm với của trẻ
Lựa chọn những giá, ngăn tủ thích hợp với chiều cao của bé. Đừng hy vọng bé sẽ đặt đồ chơi ngăn nắp lên những chiếc kệ cao. Các chỗ chứa đồ cần trong tầm với của con để bé có thể dễ dàng thao tác nhờ vài chỉ dẫn của mẹ.
Tạo không khí vui vẻ
Hầu hết, các bé đều không thích mẹ ra lệnh dọn phòng với thái độ bực bội. Vì vậy, dù mẹ đang giận dữ vì phòng con quá bề bộn thì cũng không nên thể hiện ra bên ngoài nhé. Hãy nói với bé bằng giọng vui vẻ, đầy khuyến khích.
Loại bỏ những thứ không cần thiết
Khoảng 3 tháng, mẹ hãy cùng bé kiểm tra lại các đồ dùng trong phòng và phân loại thứ nào còn sử dụng, thứ nào cần “thanh lý”. Thay vì vứt hết những thứ không cần thiết vào sọt rác, mẹ có thể khuyên bé chọn những đồ dùng vẫn còn giá trị để riêng rồi cho cho lại ai đó hoặc làm từ thiện.
Thử sức cùng anh/chị/em
Nếu bé cứng đầu không chịu dọn dẹp phòng và ỷ lại vào người khác,mẹ có thể khuyến khích bé bằng cách cho các con thi dọn phòng cùng nhau. Mẹ hãy đưa cho mỗi bé một chiếc giỏ rỗng, đặt chuông báo thức sau 5 phút. Sau đó, mẹ vui vẻ nói: “Cho mẹ xem ai sẽ nhặt được nhiều đồ chơi nhất nào?”. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì căn phòng của bé sẽ gọn gàng nhanh hơn bạn nghĩ.
Thách đố
Có thể con nít không thích mẹ so sánh bé với bạn bè nhưng lại thích thách đổ kiểu như:“Đố con xếp 7 cuốn sách lên giá trong vòng 1 phút”. Vì vậy, bạn hãy làm một bà mẹ tâm lý bằng cách đặt đồng hồ báo thức rồi thách bé hoàn thành phần việc của mình. Tùy vào khả năng của bé, mẹ có thể mở rộng yêu cầu: “Con có thể dọn đống đồ chơi này trong 5 phút không?”