Mẹ&Con - Mới đó, mẹ đưa con đến trường ngày đầu tiên, lo lắng khi thấy con khóc mếu, lo lắng khi đến giờ đón về con ôm chầm lấy mẹ như sợ bị 'tách xa'. Vậy mà giờ con đã 5 tuổi, trở thành anh hai/chị hai trong những ngôi trường mẫu giáo. Tất tần tật những thứ mẹ cần chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ Lớn lên bé sẽ làm gì? Những cách dạy bé yêu thú vật

Con ở vào một độ tuổi rất khác biệt, khi chuẩn bị “tạm biệt búp bê thân yêu, tạm biệt gấu Misa nhé…”! Bé yêu của mẹ nay đã 5 tuổi rồi! 

nhung-thay-doi-o-con-tuoi-len-5-me-can-biet

Này là những thay đổi của bé yêu

Thử xem con bạn khác hồi lên 3, lên 4 những nét “đặc trưng” gì.

Khác biệt của con

Bạn hiểu gì về điều ấy?

Trẻ đã biết yêu cái thiện, ghét cái ác.

Khác với những độ tuổi trước đó chỉ mới nghe kể chuyện “cho vui” hoặc tò mò nhìn mọi thứ xung quanh, ở tuổi lên 5, bé bắt đầu có sự phân biệt “thiện ác” khác rõ ràng. Những câu truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn bạn kể cho trẻ nghe giai đoạn này đã có sự ảnh hưởng sâu sắc đến con. Trẻ sẽ rất vui với những cái kết “có hậu”, khi bạn ngoan được thưởng, bạn hư bị phạt, người tốt có được những kết cục may mắn, an lành.

Trẻ có nhu cầu chơi nhóm.

Trước 5 tuổi, dù chơi trong nhóm nhưng trẻ vẫn giữ một số cái “riêng” của mình, chưa thật sự hòa nhập vào. Nhưng từ 5 tuổi trở đi, con bạn đã bắt đầu có ý thức chan hòa cùng mọi người, biết dẹp “cái tôi” để ưu tiên cho nhóm. Bé biết tuân thủ luật chơi, biết cho mượn, chia sẻ đồ chơi với bạn. Bé biết đợi đến phiên mình chứ không nổi hứng “giành” ngang. Bé biết thiết lập quan hệ với bạn bè đồng lứa và giữ gìn mối quan hệ ấy.

Tâm tư của trẻ được bộc lộ ra ngoài.

Bạn chỉ cần nhìn một đứa trẻ 5 tuổi là biết ngay con đang vui hay buồn, đang bất ổn hay thoải mái. Trẻ lên 5 đã có đầy đủ “kinh nghiệm” để bộc lộ cảm xúc của mình. Những cảm xúc của trẻ tất nhiên chưa “bền”, không kéo dài, chẳng hạn trẻ đang buồn có thể vui ngay khi được mẹ kéo vào một trò chơi gì đó. Bạn chỉ cần tinh ý quan sát, để có sự định hướng, chỉ bảo, chia sẻ với con.

Bé “ngoan” và hay bày tỏ tình cảm với cha mẹ.

Qua rồi cái thời lên 3 (có thể kéo dài đến lên 4) đầy bướng bỉnh của con để “khẳng định cái tôi”. Trẻ lên 5 quay về với sự ngoan ngoãn, dễ bảo, dễ vâng lời. Trẻ đã biết đâu là cái “tôi” và đâu là cách hòa nhập với mọi người. Bạn trở nên dễ thở với con, thấy yêu con nhiều hơn, vì sau một giai đoạn dài khá bướng bỉnh, bây giờ con trở nên “sâu sắc”, đầy tình cảm. Bé có thể nói những câu khiến bạn bất ngờ như: “Con yêu mẹ lắm!”. Thấy bạn buồn, trẻ biết chia sẻ, hỏi han, thậm chí an ủi: “Mẹ ơi, mẹ đừng buồn. Con lấy nước cho mẹ uống nha…”.

Trẻ xuất hiện ý thức về nhận biết giới tính.

Ý thức giới tính bộc lộ rất rõ ràng. Bé mặc áo gì, mang giày gì, đội nón gì đều “để ý” sao cho… đúng với giới tính của mình. Một bé gái sẽ lấy mẹ làm hình mẫu, học mọi điều ở mẹ. Một bé trai sẽ lấy bố làm hình mẫu, tập giống ba từ cách đi đứng, ăn nói… Bạn nên tiếp tục duy trì việc cho bé chơi với bạn cùng giới tính, để con có thể học hỏi ở bạn những tính cách đặc trưng.

Yêu thương và thần tượng cha mẹ rõ rệt.

Lúc con còn “bé” (4 tuổi trở xuống), tình yêu thương của con dành cho cha mẹ có gì đó là sự “dựa dẫm”, bắt nguồn trên nền tảng cha mẹ là người trực tiếp chăm sóc, gần gũi, cho bé ăn, tắm cho bé… mỗi ngày. Nhưng ở 5 tuổi trở đi, tình cảm ấy bắt đầu hơi “khác biệt”. Nó thành một tình cảm gần như thần tượng, đầy ngưỡng mộ, yêu quý rất đặc biệt. Bé có thể đánh nhau với trẻ khác nếu trẻ khác nói gì đó “xấu” về bố mẹ. Bé xem bố mẹ là người đàn ông / người phụ nữ đẹp nhất trần đời. Trong những câu chuyện của bé và trí tưởng tượng của bé, khi lớn lên, nhất định bé sẽ “cưới” một người giống hệt như bố hay mẹ mình vậy.

Con bạn có biết làm những điều này?

 

Kỹ năng trẻ cần đạt được

Bé có thể gọi tên một số vật dụng thông thường xung quanh mình.

Có thể định nghĩa đồ vật bằng công dụng, ví dụ như cái chén dùng để ăn cơm.

Bé có thể hiểu và trả lời một cách khá đầy đủ các câu hỏi đơn giản của người lớn.

Hiểu rõ được quan hệ nguyên nhân – kết quả, thời gian, không gian.

Nhận biết được nhiều mặt chữ.

Trẻ đã hiểu về so sánh, sử dụng các từ so sánh như to hơn, to nhất. Trẻ có thể xếp các đồ vật từ nhỏ nhất đến to nhất, ngắn nhất đến dài nhất, nhẹ nhất đến nặng nhất…

Trẻ có thể vẽ được hình người 3 phần (đầu, thân, chân tay), tỉ lệ các phần khá hợp lý.

Ngôn ngữ phát triển tốt giúp bé dễ dàng nói chuyện với người khác về mọi chủ đề, từ sự việc hàng ngày đến những gì mà bé tưởng tượng.

Trong khi tranh luận, trẻ biết đưa ra lý lẽ, hay dùng từ “bởi vì”, hay hỏi “tại sao”…

Bé biết nói ra mong muốn sau này lớn lên mình sẽ làm gì.

Khả năng phân loại tốt (ví dụ xếp lẫn lộn một số tranh vẽ quả táo, chuối, lê, hay bàn, ghế, con mèo, con chó… rồi yêu cầu trẻ xếp tranh của những thứ cùng loại vào với nhau, trẻ có thể làm được).

Bé gái tuổi này đã có thể tiêu tiểu tự chủ, nhưng các bé trai 5 tuổi vẫn có thể tè dầm ban đêm. (Nếu bé gái 5 tuổi vẫn tè dầm, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ).

Trẻ 5 tuổi có thể tự xúc ăn cơm. Trẻ thích những món nhiều màu sắc, nhìn tươi ngon, có mùi thơm.

Bắt đầu ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để tập trung vào “điểm mạnh”.

Biết đợi đến lượt mình trong khi chơi, khi xếp hàng…

Bé có khả năng nghe các trẻ khác nói cho hết câu mà không ngắt lời.

Phân biệt được những tính cách và đồ vật nào dành cho “con gái” và “con trai”.

Bé tỏ ra thích ứng tốt khi phải thay đổi một số cách sinh hoạt trong nhà (như đi chơi xa vài ngày).

Bé có thể ngồi nghe bố mẹ nói chuyện và cũng có thể tham gia vào một số câu chuyện có liên quan đến mình.

 

MẸ CẦN NHỚ!

Tư duy của trẻ lên 5 là tư duy mang tính cụ thể. Tức là chỉ những sự vật, hình tượng sinh động mới có thể thu hút sự chú ý của bé. Bạn muốn con học toán thì đừng chỉ ngồi đếm mà cần cho trẻ dùng que tính, nhìn những bức tranh quả táo, quả cam để bé đếm số quả… Khi kể chuyện hoặc dạy trẻ độ tuổi này, cần phối hợp dùng các dụng cụ thật sinh động hoặc tranh vẽ minh họa để trẻ dễ hình dung.

nhung-thay-doi-o-con-tuoi-len-5-me-can-biet

Điều mẹ nên làm

1. Dành nhiều thời gian cho con để giúp con phát triển tốt các kỹ năng mà độ tuổi con cần biết (nếu ở danh sách trên, bé của bạn chưa thể làm nhiều thứ thì đây là lúc bạn cần ưu tiên cho bé nhiều hơn).

2. Nên kể cho trẻ nghe những câu chuyện có tính giáo dục, vì ở độ tuổi này trẻ đã có thể phân biệt được nhân vật “tốt/xấu” và học hỏi được thông qua các câu truyện đó.

3. Một số trẻ có thể tiếp thu kiến thức rất dễ dàng thông qua các trò chơi. Tuy nhiên, một số trẻ khác thì không. Đừng vì trẻ sắp vào lớp một và thấy các bé hàng xóm đã đọc chữ, đọc số làu làu mà bạn cố ép con mình cũng phải được như thế.

4. Như đã nói, ở độ tuổi này trẻ rất thần tượng bố mẹ và nỗ lực hết sức để học hỏi bố mẹ ở từng chi tiết nhỏ. Vì vậy, bạn cần hết sức chú ý đến từng cách đi đứng, nói năng, hành xử của mình. Đừng cãi nhau trước mặt bé, đừng sử dụng các ngôn ngữ thô tục, đừng cư xử thiếu trung thực… vì tất cả những điều bạn làm trong lúc này, bé sẽ “sao chép”, in sâu vào đầu và học theo y như vậy đấy.

 5. Trẻ rất thích chơi nhóm và học hỏi nhiều trong quá trình chơi nhóm ở độ tuổi này. Vì thế, bạn cần tạo điều kiện, xây dựng môi trường “chơi nhóm” tốt nhất cho con. Chẳng hạn đừng ngăn cản con chia sẻ đồ chơi với bạn bè, nên đưa bé ra công viên, cho bé tham gia các hoạt động tập thể.

6. Cần có những biện pháp kỷ luật rõ ràng hơn và nghiêm ngặt hơn với con, vì chỉ ít lâu nữa thôi, con bạn sẽ vào môi trường “lớp 1”. Ở đây, tính kỷ luật sẽ cao hơn ở môi trường mẫu giáo của bé hiện tại rất nhiều. 

BS. Lê Phương Thúy
(Chuyên khoa Tâm lý Trẻ em) 

Tags:

Bài viết liên quan