Tập đi
Chắc chắn ba mẹ đã chờ đợi ngày này từ rất lâu rồi nhỉ? Nhưng cuộc sống của gia đình sẽ bị “đảo lộn” bắt đầu từ giây phút này – giây phút mà bé không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Trước tiên bé sẽ tập bò, sau đó bước những bước đi chập chững đầu tiên.
Bạn không thể đi theo bé mọi lúc mọi nơi, vậy nên nếu không muốn phải “thở dốc” chạy theo con, hãy kiểm soát bé trong một không gian nhất định để bé không bị thương khi té ngã.
Tập nói
Ban đầu bé sẽ bập bẹ những từ tiêu biểu như “ba ba”, sau đó để truyền đạt nhu cầu của mình cho người khác biết, bé còn truyền đạt bằng cách… khóc nữa cơ. Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, thường một em bé sẽ bập bẹ những từ đầu tiên khi 1 tuổi, nhưng nếu bé nhà bạn đã một tuổi mà vẫn không chịu nói, bạn cũng đừng lo lắng quá vì có thể một thời gian sau thì ngôn ngữ của bé sẽ phát triển rộng hơn.
Ăn uống
Bạn không cần phải mua hay làm quá nhiều thức ăn cho bé, bởi vì ở độ tuổi này bé đã sẵn sàng “thử nghiệm” các loại thức ăn có sẵn trong gia đình. Tuy nhiên, bạn cần “giám sát” chặt chẽ trrong bữa ăn. Để tránh việc bé bị nghẹn, khi nấu ăn ba mẹ nên cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ nhé!
Ở độ tuổi này, bé đã sẵn sàng “thử nghiệm” các loại thức ăn có sẵn trong gia đình – Ảnh minh họa
Khoảng 1 tuổi trở đi, bạn có thể tập cho bé làm quen với các loại thực phẩm như: Mật ong, lòng trắng trứng hay các loại hạt khác nhau…
Cai sữa
1 tuổi cũng chính là lúc bạn có thể bắt đầu cai sữa mẹ và chuyển sang cho bé uống sữa bột rồi đấy. Đối với một số trẻ sơ sinh, việc chuyển từ sữa mẹ sang sữa bột rất dễ, nhưng đối với một số trẻ em khác, đó lại là điều không dễ dàng. Nếu quá khó khăn trong việc cai sữa cho con, bạn có thể trao đổi trực tiếp với các bác sĩ nhi khoa để đưa ra biện pháp thích hợp nhất.
Ngủ
Vào buổi sáng, bé có thể thức dậy từ rất sớm. Đây thực sự là điều rất vất vả cho mẹ. Ban đêm nếu muốn con ngủ lâu, ngủ một mạch tới sáng thì buổi trưa mẹ nên cho bé ngủ ít.
Tay
Việc thao tác với đồ chơi sẽ giúp đôi tay bé khéo léo hơn – Ảnh minh họa.
Không chỉ dừng lại ở việc mút ngón tay hay vuốt tóc mẹ, bàn tay của bé lúc này cũng dường như đang khéo léo hơn trong việc thao tác với đồ chơi. Vì vậy, trong bữa ăn và những lúc chơi trò chơi là cơ hội tuyệt vời để mẹ khuyến khích đôi tay của bé dẻo dai hơn thông qua việc cầm, nắm…
Tham gia các hoạt động
Khi con bạn trải qua sinh nhật đầu tiên, bạn sẽ thấy sau đó bé hào hứng hơn với những hoạt động xung quanh mình. Ví dụ: Khi chuông cửa reo, bé sẽ ngước mắt lên nhìn về phía âm thanh để xem nó là gì. Khi con chó đi vào phòng, bé sẽ cười khúc khích và vỗ tay bày tỏ sự thích thú trong khi rõ ràng cách đây vài tháng còn ngủ say sưa, không thèm để ý tới màn bắn pháo hoa vui nhộn trên bầu trời.
Nhu cầu
Ban đầu, bé luôn ngoan ngoãn “đặt đâu nằm đấy” trong vòng vay của mẹ, nhưng bây giờ bé đã biết bày tỏ cảm xúc hỉ nộ ái ố riêng của mình rồi đấy. Thời điểm này cá tính của bé bắt đầu “nổi loạn” và bộc lộ thông qua những thứ mình thích, những điều mình muốn làm… Ví dụ: Khi nghe âm thanh một bài hát quen thuộc vang lên, bé có thể ngọ nguậy vui sướng. Khi bạn gỡ lấy món đồ bé đang ngậm trên miệng, bé sẽ khóc òa. Thậm chí, bé còn biết được nơi mình đang đứng là nơi nào nữa cơ.
Lo lắng
Lo lắng là một điều hết sức bình thường trong giai đoạn phát triển của bé – Ảnh minh họa
Đây là một điều hết sức bình thường trong giai đoạn phát triển của bé. Khoảng 8 tháng tuổi, nhiều em bé sẽ bắt đầu trải nghiệm cảm giác lo lắng, căng thẳng khi bị tách khỏi cha mẹ. Tất nhiên, khi nhìn thấy con mình như vậy ai cũng cảm thấy không vui, nhưng đừng để những giọt nước mắt của bé ngăn cản hành động của bạn nhé. Miễn là mọi việc kiểm soát được trong tầm tay, mọi chuyện sẽ ổn thôi mà.
Theo Parenting