Mẹ&Con - Sinh con đã khó, nuôi dưỡng con còn khó hơn gấp vạn lần. Thấu hiểu những nỗi lo của các bậc phụ huynh, Mẹ&Con sẽ mách bạn những nguyên tắc cực kỳ quan trọng để đảm bảo con luôn an toàn trong mọi tình huống. Dạy con đừng gian lận Dạy con bản lĩnh trước lời khen chê Dạy con ứng phó trước thảm họa

Khi bị lạc
Khi bị lạc, điều tối quan trọng là bạn dạy bé phải bình tĩnh. Tuyệt đối không được khóc lóc, gào thét, chạy lung tung mà hãy đứng yên ngay vị tri đó, vì bố mẹ sẽ nhanh chóng quay lại tìm.

Nếu một lúc sau vẫn chưa thấy người thân quay lại, bé hãy nhìn xung quanh và chọn những người mặc đồng phục đáng tin cậy như chú bảo vệ, cô nhân viên bán hàng… và đến nhờ họ giúp đỡ. Bé có thể nhờ gọi loa thông báo cho người nhà, mượn điện thoại để gọi cho bố mẹ. Trong thời gian chờ được đón, bé tuyệt đối không được đi theo người lạ, dù họ hứa sẽ đưa bé về nhà hay bảo rằng biết rõ bố mẹ bé.

Ngoài ra, bạn cần chú ý dạy con ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ, số điện thoại nhà và địa chỉ để dùng khi cần thiết. Một mẹo nhỏ cho bố mẹ là có thể chuẩn bị một chiếc còi cho trong túi hoặc đeo vào cổ bé. Khi bị lạc, trẻ có thể thổi còi để ba mẹ nghe thấy và nhanh chóng định hướng nơi bé đang đứng.

Người lạ tới trường đón bé
Lợi dụng mạng xã hội, sơ hở của người lớn, kẻ gian có thể dễ dàng có được thông tin, nhận diện được bé và mạo danh để đón ở trường.

Để con không rơi vào tình huống nguy hiểm, bạn cần dạy bé rằng khi thấy người lạ đến đón, hãy nhanh chóng báo ngay cho cô giáo, bác bảo vệ… nhờ liên lạc với bố mẹ để xác minh. Tuyệt đối không tin vào những thông tin họ bịa ra như “bố mẹ cháu đang gặp tai nạn”, “bố mẹ đang chờ cháu ở đầu đường”… Thậm chí khi họ có thể cung cấp thông tin của gia đình bé cũng không vội tin.

Một vài lưu ý có thể không bao giờ thừa là các bậc phụ huynh nên hạn chế chia sẻ hình ảnh và thông tin quan trọng có liên quan đến bé như địa chỉ trường học, lớp học… Thêm vào đó, các thành viên trong gia đình nên đặt cho nhau một “mật khẩu” để trong một số tình huống khẩn cấp đó chính là cách bảo vệ con hữu hiệu khỏi những chiêu lừa của người lạ.

Đột nhiên có người cho quà
Có vô vàn rủi ro từ những món quà “trên trời rơi xuống” này như bánh kẹo tẩm thuốc mê, ma túy… trong khi các con của chúng ta lại quá non nớt, thậm chí là ngây thơ tin rằng đó là biểu hiện của tình yêu thương.

Trong tình huống này, bố mẹ nên dành thời gian quan tâm con nhiều hơn. Khi thấy trẻ thích một món đồ chơi nào đó, bạn có thể tùy theo khả năng kinh tế của mình mà chọn mua hoặc cùng con tạo thói quen “bỏ ống” để mua vào những dịp đặc biệt, khi con đạt điểm cao trong kỳ thi học kỳ… Nếu không vì quá thiếu thốn, trẻ sẽ tránh được rủi ro bị người khác dụ dỗ.

Những nguyên tắc dạy con tự vệ mọi phụ huynh cần biết 4

Bên cạnh đó, bố mẹ cần thường xuyên nhắc nhở con về những nguy hiểm có thể xảy ra khi con nhận quà của người lạ. Đó có thể là hậu quả con bị bắt cóc, làm bị thương, không gặp được bố mẹ nữa…

Hãy dạy con rằng khi có người cho quà, con hãy từ chối một cách khéo léo bằng cách nói “Con không được phép nhận quà của người lạ” hoặc “Ở nhà con đã có quà này rồi”. Nếu người lạ vẫn cố ép con, tốt nhất là con nên vùng chạy đi và hét thật to để gây chú ý với những người xung quanh.

Khi bị lạm dụng tình dục
Nếu chẳng may bị lạm dụng nơi có người qua lại, bé hãy dũng cảm hô lên thật to để mọi người nghe thấy và đến giải cứu. Những người xấu dù có ghê gớm đến mấy cũng không dám ra tay ở nơi đông người. Đồng thời, vạch mặt kẻ gian là việc nên làm, con không có gì phải xấu hổ. Bằng cách này, con có thể tự cứu được mình và giúp nhiều bạn khác tránh được nguy hiểm.

Ngược lại, trong trường hợp con đang ở nơi vắng vẻ, hãy chú ý quan sát xung quanh xem có sự giúp đỡ nào hay không và hô hoán lên. Quan sát kỹ để thấy chớp lấy cơ hội kẻ gian không chú ý và chạy thật nhanh ra khỏi nơi đó. Nếu chẳng may không thể thoát thân, con hãy báo lại với người thân, bố mẹ để kẻ ác phải chịu sự trừng trị của pháp luật.

Khi người lạ hoặc trộm vào nhà
Khi ở nhà một mình, nếu có người lạ tới nhà yêu cầu mở cửa, bạn hãy dạy bé từ chối khéo bằng những câu nói như: “Cháu không có chìa khóa”, “Bố mẹ cháu qua nhà hàng xóm sẽ về ngay”… Nếu như những người lạ vẫn không ngừng ép buộc bé mở cửa, hãy chạy vào nhà gọi điện thoại cho bố mẹ hoặc hô to để hàng xóm chạy sang.

Nếu vừa về đến nơi đã thấy trong nhà có người lạ hoặc nhà cửa bừa bộn bất thường, bạn hãy dạy bé không nên vào nhà ngay nên chạy sang nhà hàng xóm, họ hàng gần đó nhờ họ cùng vào với mình. Với những bé lớn hơn, hãy dạy cho bé nhớ biển số xe hoặc đặc điểm nhận dạng của kẻ lạ mặt đột nhập để hỗ trợ cảnh sát truy tìm tung tích tội phạm.

Khi bị chấn thương và các bước sơ cứu đơn giản
Trẻ em rất dễ bị tai nạn, dù khi ra ngoài hay ở nhà một mình cũng không tránh khỏi những trò nghịch ngợm dẫn đến đứt tay, bỏng, bong gân, trật khớp hay… ê mông vì bị chó cắn.

Vì lẽ đó, bố mẹ nên dạy cho bé nhận biết đâu là những đồ vật, con vật có thể gây ra nguy hiểm, cách phòng tránh cũng như các bước sơ cứu cần thiết. Bé cũng cần được biết đâu là vết xây xát nhỏ, thế nào là chấn thương nguy hiểm để xử lý tình huống tốt nhất.

Những nguyên tắc dạy con tự vệ mọi phụ huynh cần biết 5

Đơn cử như khi bị bỏng, con hãy xối nước vào vết thương lâu hơn thông thường để làm cho da dịu lại. Nếu bị chảy máu, con cần làm sạch vết thương ngay và băng tạm bằng băng keo cá nhân. Với các vết bầm nhẹ do va chạm, té ngã, bé có thể chườm lạnh nhanh để mạch máu co lại, giảm sưng, giảm chảy máu…

Những kiến thức sơ cứu cơ bản này không chỉ giúp trẻ chăm sóc bản thân tốt hơn mà trong nhiều trường hợp còn có thể cứu nguy cho người khác nữa đấy.

Khi bé ở nhà một mình và cảm thấy bất an
Khi nguy hiểm cận kề bố mẹ mới dạy bé cách tự vệ là đã quá muộn. Vì thế, trong gia đình phải luôn có một danh sách số điện thoại quan trọng như: bố mẹ, người thân, họ hàng, cảnh sát, cứu hỏa, cấp cứu… ở những nơi có tầm nhìn thuận lợi. Để hỗ trợ con nhanh nhất, bố mẹ có thể hướng dẫn bé cách gọi điện, cài đặt quay số nhanh trên điện thoại…

Trong trường hợp ở nhà một và mình cảm thấy bất an, bất cứ khi nào bé cũng có thể gọi điện trò chuyện hay yêu cầu sự giúp đỡ của những người cảm thấy tin tưởng. Nếu không có chuyện đáng tiếc xảy ra, việc giữ liên lạc này cũng có tác dụng trấn an, giúp bé yêu yên tâm hơn rất nhiều.

Có thể mẹ chưa biết

Luật bàn tay – Vòng tròn giao tiếp của trẻ

– Ngón cái: Ôm. Với người thân trong gia đình, bé có thể thoải mái thể hiện tình cảm bằng cách ôm hôn.
– Ngón trỏ: Nắm tay. Với thầy cô, họ hàng, bạn bè cùng lớp, nắm tay là một cách thể hiện tình cảm thân thiết, quý mến.
– Ngón giữa: Bắt tay. Với người quen, khi gặp bé có thể bắt tay thay cho lời chào lịch sự, nhã nhặn.
– Ngón áp út: Vẫy tay. Với người lạ, bé không nên quá thân mật mà chỉ cần chào hỏi xã gia bằng cách vẫy tay.
– Ngón út: Xua tay. Với những người có cử chỉ hoặc hành động khiến bé cảm thấy lo lắng, bất an hãy nói không bằng cách xua tay, thậm chí bỏ chạy ra chỗ khác và hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Quy tắc quần lót (PANTS rules)

Cha mẹ hãy dạy con rằng: “Khi con đã mặc đồ lót, khu vực này chỉ dành riêng cho con và không ai được phép chạm vào. Hãy chia sẻ cho ba mẹ những điều làm con buồn và cảm thấy sợ hãi, bất an”. Ngoài ra, PANTS còn là từ viết tắt của 5 khái niệm:
– Private: Riêng tư
– Always remember your body belongs to you: Cơ thể con thuộc về con
– No means no: Không là không
– Talk: Nói về những điều khiến con buồn
– Speak up: Lên tiếng khi con cảm thấy bất an

Tags:

Bài viết liên quan