Mẹ và Con - Khi bắt đầu một công việc nào đó ai cũng mong muốn mình sẽ gắn bó lâu dài để có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khiến bạn muốn "nhảy việc". Câu hỏi được đặt ra là "Thể hiện lý do nghỉ việc nào cho phù hợp?"...

Khi nhận được đơn xin nghỉ việc của bất kỳ nhân viên nào, các cấp quản lý cũng mong muốn biết lý do nghỉ việc của nhân viên có thuyết phục hay không? Hơn nữa, khi nộp đơn xin việc ở một công ty mới nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá cao những ứng viên được sự đánh giá tích cực từ công ty cũ. Vậy làm thế nào để có thể rời khỏi công ty cũ một cách thật chuyên nghiệp? Mời bạn cùng tìm hiểu câu trả lời từ Mẹ và Con!

Học thêm để nâng cao trình độ

Dù sếp bạn có khó khăn đến mấy nhưng khi nhận được lý do nghỉ việc nhằm nâng cao trình độ, trau dồi và tìm hiểu những kiến thức mới về nghề cũng sẽ vui vẻ ký duyệt cho bạn nghỉ việc.

Đây là một lý do thật sự phù hợp trong tình trạng bạn xin nghỉ vì lý do khó nói. Với lý do này bạn cũng đang chừa “đường lui” cho mình, vì bất kỳ quản lý nào cũng yêu thích có được những nhân viên ham học hỏi, có chí cầu tiến. Theo đó, bạn có thể ghi vào đơn nghỉ phép của mình như sau:

“Trong 3 – 6 tháng sắp tới, tôi sẽ bắt đầu khoá học “…” tại trường Đại học ABC. Vì vậy, tôi không thể sắp xếp thời gian để tiếp tục thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc của mình tại công ty XYZ. Tôi mong rằng quý công ty sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tôi được bàn giao công việc cũng như hướng dẫn người thay thế công việc của tôi.”

Những lý do nghỉ việc thể hiện sự chuyên nghiệp, không mất lòng sếp 4

Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp

Tất cả mọi người khi xác định “đầu quân” cho công ty nào cũng sẽ đặt ra mục tiêu nghề nghiệp phù hợp nhằm có được động lực làm việc cũng như định hướng phát triển nghề nghiệp cho bản thân. Tuy nhiên trong quá trình làm việc nhiều yếu tố tác động, hay bạn cảm nhận rằng bản thân mình có thể thành công hơn khi làm việc ở công ty khác thì lý do nghỉ việc do thay đổi mục tiêu nghề nghiệp hoàn toàn chính đáng.

Bạn cũng có thể yên tâm vì đây là lý do về quyền lợi cá nhân và không ảnh hưởng đến công ty, nên bạn có thể chia sẻ thoải mái với sếp và phòng nhân sự. Bạn có thể soạn sẵn nội dung nghỉ việc như sau:

“Trong thời gian qua, tôi đã có sự suy nghĩ về những định hướng nghề nghiệp của bản thân. Với năng lực và khả năng của mình, tôi cảm thấy mình không thật sự phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp đã đặt ra. Tôi đã có những định hướng mới cho việc phát triển nghề nghiệp thích hợp hơn với mình. Vì vậy, kính mong công ty hỗ trợ để tôi được bàn giao công việc cũng như hướng dẫn người thay thế công việc của tôi”

Lý do khách quan

Đây cũng là một trong những lý do sẽ dễ dàng được chấp thuận, nếu đang gặp những lý do như: gia đình, sức khỏe cá nhân, hay những dự định trong tương lai mà không thể đảm bảo được chất lượng công việc thì hãy mạnh dạn chia sẻ với quản lý nhé.

Tuỳ theo những lý do khách quan ảnh hưởng đến bạn mà bạn hãy trình bày khéo léo trong đơn xin nghỉ việc như:

  • Do bắt buộc phải chuyển nơi ở mới quá xa chỗ làm hiện tại.
  • Do phải kết hôn, thời gian bên nhà chồng/vợ không cho phép.
  • Do kế hoạch sinh nở trong thời gian dài.
  • Do bố, mẹ, người thân cần người chăm sóc và không có thời gian cho công việc.

Những lý do nghỉ việc thể hiện sự chuyên nghiệp, không mất lòng sếp 5

Bạn có thể trình bày vào đơn nghỉ việc như sau: “Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình, tôi phải trở về quê để sắp xếp và ổn định cuộc sống. Thời điểm hiện tại tôi không thể đảm bảo được chất lượng công việc và sẽ ảnh hưởng đến công việc chung của công ty. Kính mong quý công ty chấp thuận đơn xin nghỉ việc của tôi và tạo điều kiện thuận lợi để tôi được bàn giao công việc.”

Những lưu ý quan trọng khi xin nghỉ việc

Quy trình xin nghỉ việc chuyên nghiệp

Sau khi đã có được lý do xin nghỉ việc hợp lý, thì việc kế tiếp các bạn cần làm là thực hiện đúng quy trình xin nghỉ gồm:

  • Làm đơn xin nghỉ việc
  • Trao đổi với sếp quản lý trực tiếp về lý do nghỉ việc của bạn
  • Thực hiện bàn giao công việc, bàn giao những tài sản công ty mà bạn đang đảm nhiệm cho những người sau
  • Làm việc có trách nhiệm trong những ngày cuối

Trao đổi về những dự án, công việc bạn đang đảm nhiệm

Trước khi nghỉ việc, chắc chắn bạn sẽ có những công việc chưa hoàn thành. Nếu không thực hiện nhanh chóng sẽ ảnh hưởng đến công ty và những đồng nghiệp cùng “team”. Vì thế, khi thực hiện bàn giao công việc, bạn cần trao đổi rõ ràng về tiến độ dự án bạn đang thực hiện, cũng như những điểm cần lưu ý khi thực hiện dự án đó.

Hãy thể hiện bạn là người có thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như sự nhiệt tình đối với đồng nghiệp qua việc cố gắng giữ thông tin liên lạc và hỗ trợ hết mình các vấn đề xảy ra trong công việc trong giai đoạn đồng nghiệp tiếp nhận lại công việc mà bạn bàn giao.

Cảm ơn với các đồng nghiệp trong công ty

Thời gian gắn bó với công ty của bạn dù ngắn hay dài nhưng mỗi vị trí công việc mà bạn đảm nhận đều sẽ mang đến cho bạn những kinh nghiệm, những trải nghiệm hữu ích và cơ hội trau dồi, hoàn thiện kỹ năng nghề. Vì thế, lời cảm ơn đến sếp và những người đồng nghiệp cũ là một việc bạn nên làm.

Không nên thể hiện cảm xúc cá nhân vào đơn xin nghỉ

Bạn hãy nhớ rằng, dù không còn làm việc tại công ty nữa nhưng việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp cũ là điều nên làm vì có thể đó sẽ trở thành những mối quan hệ hợp tác trong tương lai hoặc là việc bạn sẽ nhận được những đánh giá tích cực khi nơi ứng tuyển mới của bạn cần tham khảo thông tin về bạn.

Những lý do nghỉ việc thể hiện sự chuyên nghiệp, không mất lòng sếp 6

Do đó, cho dù bạn có bất mãn gì với công việc, với cấp trên hay với đồng nghiệp thì cũng không nên đề cập đến trong lý do xin nghỉ việc. Hãy luôn biết kiềm chế cảm xúc bản thân, luôn có thái độ tích cực và thể hiện sự chuyên nghiệp của mình khi xin thôi việc.

Tạp chí Mẹ và Con hy vọng với những gợi ý về lý do nghỉ việc trên đây sẽ giúp bạn đỡ bối rối khi muốn tìm công việc mới nhưng vẫn tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp và cấp trên. Chúc bạn thành công trên hành trình mới của mình! 

Bài viết liên quan