Mẹ&Con - Tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhiều, và vì sao khi sự việc xảy ra, điều đầu tiên mà các em làm là quay clip và… tung lên mạng chứ không báo cho thầy cô, phụ huynh giải quyết? 78% học sinh từng chịu bạo lực giới tại trường học Nhận biết con có khuynh hướng bạo lực Giáo viên trường không phép bạo hành trẻ tự kỷ

Những clip… giật mình

Clip với tiêu đề “Học sinh lớp 7 đánh nhau” được đăng lên mạng ngày 10/3, khiến rất nhiều người bàng hoàng. Trong clip, nữ sinh là nạn nhân khóc thảm thiết vì bị nhóm bạn nữ đánh đập liên tục, sau đó cầm ghế nhựa đập vào đầu. Cuối clip, một nam sinh cầm cả chồng ghế nhựa cao quẳng vào người nạn nhân. Điều đáng buồn nhất là khi một nữ sinh bị đám đông đánh đập như vậy, nhưng chỉ có tiếng khóc của nạn nhân và tiếng chửi bới, hò reo cổ vũ của đám học trò chung quanh, không hề có ai ngăn cản hành động ấy…

Những điều suy ngẫm từ clip bạo lực học đường 5

Ảnh cắt từ clip học sinh lớp 7 đánh nhau

Trước đó không lâu, một clip khác cũng gây bất bình cho dư luận, khi một nữ sinh cấp 3 ở Quảng Bình đã đánh cô giáo ngay trên bục giảng. Sự việc bắt đầu khi cô giáo gọi nữ sinh lên trả bài. Không những không nghe lời cô, nữ sinh này đã tỏ thái độ bất chất, thách thức và lăng mạ, chửi thề cô giáo. Trước hành động của học sinh, cô giáo đã thông báo sẽ viết tên học sinh vào sổ đầu bài. Trong lúc cô giáo đang hí hoáy viết trên bàn, nữ sinh này đã tiến đến nắm tóc, đánh đập cô giáo trước sự chứng kiến của cả lớp, cho đến khi có nam sinh đứng ra can ngăn…

Thời gian gần đây, không ít những clip tung lên mạng quay lại cảnh đánh nhau, bạo lực của lứa tuổi học trò: trò đánh thầy vì bị thầy phạt, học sinh nam đánh nhau vì mâu thuẫn trong lớp, nữ sinh đánh nhau vì va chạm, ghen tuông, giành giật… Các clip nói trên đều khiến cộng đồng mạng giật mình vì mức độ bạo lực của nó. Nó cho thấy, một bộ phận học trò ngày nay đang có xu hướng bạo lực, thậm chí coi “bạo lực học đường là chuyện nhỏ”.

Lệch chuẩn về đạo đức

Điều đáng nói là trong hầu hết các clip đánh nhau, bạo lực tuổi học trò, đều có một điểm chung đó là sự vô cảm, thậm chí cổ vũ của chung quanh cho hành động bạo lực. Trong rất nhiều clip, không hề thấy có sự can ngăn từ phía các bạn chung quanh, mà hầu hết chỉ có sự la hét, ủng hộ, thậm chí xúi giục tiếp tục đánh nhau. 

Hầu hết các em không có phản ứng cho thấy có đi mời các thầy cô đến để giải quyết sự việc. Nhiều cuộc đánh nhau đầy tính bạo lực, cả đám đông đánh một người nhưng nhà trường, các thầy cô và phụ huynh chỉ được biết sau khi… clip tung lên mạng. Vì cả người tham gia đánh, người xem lẫn nạn nhân đều rất… kín miệng.

Những điều suy ngẫm từ clip bạo lực học đường 6

Ảnh minh họa 

Một khía cạnh khác đáng nói đến, là phản ứng của lứa tuổi học trò về những clip bạo lực nói trên. Không ít cô, cậu học sinh chia sẻ, bình phẩm các clip với lời lẽ ác ý, mang tính chất ủng hộ. Thậm chí, một cô bé cấp 3, được mệnh danh là “hot girl” đã có một phát ngôn khiến dư luận “dậy sóng”. 

Đó là khi clip các nữ sinh mặc áo dài cùng “đánh hội đồng” một nữ sinh khác do ghen tuông chuyện yêu đương tung lên mạng, cô nữ sinh “hot girl” này đã chia sẻ clip nói trên với dòng bình phẩm: “Ai tội thì tội chứ em thì không. Hạng giựt bồ người khác này đáng lẽ khải lột hết đồ đánh bầm giập thả trôi sông mới đáng. Ai đụng vô xã của em, em còn kéo quân đi xử nó gấp mấy lần (!)”. 

Một số cô, cậu bé tuổi học trò thì công khai bày tỏ ý kiến: “Đánh nhau trong lớp hả? Chuyện thường ngày mà, có đánh mới có chuyện coi cho vui, đứa nào méc thầy cô là bị đánh hội đồng luôn (!)”.

Chính vì tâm lý này, khá nhiều bậc phụ huynh, kể cả khi con mình làm những chuyện “tày trời” trên lớp học, nhưng cứ đinh ninh con mình vẫn là đứa trẻ ngoan ngoãn, chỉ biết học hành. Năm 2014, đã có chuyện một gia đình gia giáo, giáo dục con đàng hoàng, nhưng đến khi clip nữ sinh bị đánh ghen, xé áo dài tung lên mạng, cha mẹ mới bàng hoàng phát hiện ra con mình là một trong những thành viên hăng hái tham gia đánh đập bạn nhất. 

Vậy thì, lý do vì sao ngày càng nhiều clip, những hiện tượng bạo lực như thế? Vì các em đang tuổi nổi loạn, có thể làm bất cứ gì để chứng tỏ mình? Hay bởi sự lơ là của thầy cô, bố mẹ, hoặc do sự cổ vũ, ủng hộ của một bộ phận giới trẻ? Có lẽ, để dẫn đến sự lệch chuẩn đạo đức của một số bạn trẻ tuổi học trò hiện nay, không chỉ một nguyên do. Và ở nhiều trường hợp, các biện pháp trừng phạt không những không nêu cao được tác dụng răn đe mà còn đẩy các em trượt xa hơn trong sự bất cần và nổi loạn.

Như vậy, phải làm gì để ngăn chặn từ trong trứng nước những mầm mống suy nghĩ, hành vi bạo lực của các em? Đó là cả một câu hỏi lớn, liên quan đến sự giáo dục có tính chất nền tảng của gia đình, nhà trường và cả một xã hội.
Trân Trân

Tags:

Bài viết liên quan