Mẹ&Con - “Cai nghiện” điện thoại, máy tính cho con – việc làm tưởng đơn giản nhưng không dễ chút nào. Với những tác hại khủng khiếp mà chúng mang lại, bạn đã sẵn sàng bắt đầu cuộc chiến “cai nghiện” thiết bị công nghệ cho con chưa? Đừng để thiết bị điện tử "cướp" mất đôi mắt bé yêu Đồ chơi công nghệ hạn chế sự phát triển ngôn ngữ của bé Tác hại của việc để trẻ sớm xài đồ công nghệ

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên “Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ em tiếp xúc với thiết bị công nghệ, loại bỏ tivi và các thiết bị điện tử kết nối internet ra khỏi phòng ngủ của con trẻ, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi”. Thế nhưng cũng như “cai nghiện” thuốc lá ở người lớn, “cai nghiện” điện thoại, máy tính ở trẻ em quả thực rất khó khăn khi xã hội càng ngày càng phát triển, ai ai cũng đều kè kè bên mình ít nhất một thiết bị thông minh.

Tắt wifi, không tải trò chơi về máy

Hầu hết những trò chơi trên điện thoại, máy tính hiện nay đều cần kết nối mạng internet. Wifi là mạng truy cập internet không dây phổ biến nhất, vậy nên để “cai nghiện” cho con bạn chỉ cần bí mật ngắt kết nối wifi.

Ngoài ra, không nên tải cùng lúc nhiều trò chơi về máy, chỉ tải một số trò chơi mang tính giáo dục nhất định. Khi cầm điện thoại trên tay, nếu không có trò chơi mình yêu thích, chắc chắn bé sẽ mau chán và trả lại đồ dùng cho cha mẹ.

Giới hạn thời gian chơi

Trẻ con “khủng hoảng tuổi lên 3” thường thích làm ngược lại yêu cầu của người lớn, vậy nên thay vì cấm đoán, cha mẹ hãy giới hạn thời gian chơi cho con.

thiết bị công nghệ

Bé có thể “cai nghiện” thiết bị công nghệ hay không, phần lớn nhờ vào sự chỉ chỉ dạy của bố mẹ – Ảnh minh họa

Phụ huynh có thể đặt ra mốc thời gian cụ thể cho con sử các thiết bị công nghệ như: Xem phim 20 – 60 phút/ngày (tùy thuộc vào lứa tuổi); chỉ sử dụng vào lúc rảnh rỗi, tuyệt đối không sử dụng khi đang học bài, ăn cơm…

Phần lớn các loại điện thoại, máy tính bảng thông minh hiện nay đều có chương trình tự động tắt máy. Cha mẹ hãy cài đặt chế độ này, tránh trường hợp bé “quấn quýt” không muốn rời xa.

Ra điều kiện

Tuy đã đặt ra các mốc thời gian, nhưng không phải ngày nào trẻ cũng có thể sử dụng điện thoại theo lịch. Hãy nghiêm khắc dạy con hiểu rằng muốn làm việc mình thích, trước hết hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ mình được giao. Điều kiện nhắc tới ở đây là: Chỉ giải trí khi đã hoàn thành xong bài tập; có thái độ ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn tuổi; biết nhường nhịn, giúp đỡ bạn bè…

Hãy để khao khát của trẻ biến thành động lực, đừng để chúng ỉ lại vì ngay từ đầu đã đạt được mục đích quá dễ dàng.

Chỉ rõ tác hại của thiết bị công nghệ

Nếu như lời nói suông chỉ có tác dụng 2 phần thì hình ảnh và ví dụ thực tế sẽ có tác dụng gấp 4 – 5 lần. Đối với những trẻ lớn đã hiểu chuyện, cha mẹ hãy chỉ rõ tác hại của thiết bị công nghệ thông qua hình ảnh, video trên internet. Thậm chí một vài trường hợp thực tế ngoài đời như: Lý do tại sao anh A hàng xóm phải đeo cặp kính cận dày cộp, tại sao anh B mắc bệnh béo phì dù mới chỉ học cấp 1… tất cả sẽ là bằng chứng thuyết phục khiến bé sợ hãi, tránh xa “kẻ giết người thầm lặng” bên cạnh mình.

Thu hút con bằng các trò chơi bổ ích

Trẻ con chỉ mê chơi game khi chúng cảm thấy chán, không có việc gì làm, không có trò chơi nào hấp dẫn… Cha mẹ muốn tách con ra khỏi thế giới ảo, hãy thu hút chúng bằng các trò chơi bổ ích như: Trò chơi mô hình, xây nhà, đu quay, phi ngựa… Khi cảm thấy thích thú và hòa mình vào những trò chơi này, bé sẽ dần quên đi sự hiện diện của những chiếc điện thoại, máy tính trong đầu.

Thu hút con bằng các trò chơi bổ ích

Vui chơi với bạn bè là cách tốt nhất giúp bé “nguôi” đi nỗi nhớ thiết bị điện tử công nghệ – Ảnh minh họa

Hoạt động thể chất không những đem lại cho trẻ tinh thần thoải, nó còn giúp chúng khỏe mạnh, năng động, giao tiếp tốt và học được tính kiên nhẫn, sáng tạo giàu lòng nhân ái.

Dành thời gian chơi cùng con

Vì mải kiếm tiền, lo mưu sinh nhiều bố mẹ bỏ mặc con cái thích làm gì thì làm. Đây là một trong những lý do khiến con trẻ cảm thấy buồn, chơi game để giết thời gian. Để giúp trẻ dần thoát khỏi thiết bị công nghệ, ba mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi cùng con hơn. Những trò chơi như: Cùng nấu ăn, cùng dọn dẹp, cùng trồng cây, cùng chạy bộ… sẽ gắn kết tình cảm gia đình, đồng thời cũng giúp cha mẹ quản lý trẻ tốt hơn.

Tuy có rất nhiều phương pháp được đưa ra, nhưng dù áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa, thì cha mẹ vẫn phải là tấm gương sáng cho con noi theo. Sẽ không có đứa trẻ nào chịu ngồi yên, nếu như cha mẹ suốt ngày mải mê “dán mắt” vào màn hình điện thoại, máy tính… Hãy làm đúng những gì mà bạn muốn con bạn làm, trở thành tấm gương tốt cho con không bao giờ là cách giáo dục lỗi thời!

Tags:

Bài viết liên quan