Mẹ&Con – Nhận biết trẻ nói dối để có hướng xử lý thích hợp và giáo dục con là điều rất quan trọng. Vì thế, cha mẹ hãy xem qua cách nhận biết ngay dưới đây nhé.
Chú ý tiếp xúc bằng mắt
Thông thường đối với trẻ từ 10 tuổi trở xuống, một khi nói dối sẽ rất sợ nhìn vào ánh mắt của cha mẹ nên luôn né tránh khi diễn đạt điều đó.
Đối với những trẻ lớn hơn từ 10 tuổi trở lên, có thể chúng sẽ mở to mắt và giữ tư thế đó để nói chuyện với bạn được trong thời gian dài nhưng lại thường xuyên nháy mắt hoặc có những biểu hiện mắt bất thường khi nhìn bạn. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ đang nói dối đấy.
Quan sát những biểu hiện trên khuôn mặt của bé
Khi trẻ nói dối thường biểu lộ những khoảnh khắc như rất sợ hãi, buồn bã, kinh ngạc hoặc tuyệt vọng. Tuy nhiên những khoảnh khắc ấy được bộc lộ rất ngắn, chỉ từ 1 – 2 giây hay thậm chí ít hơn thế nữa nên bạn cần phải chú ý điều này.
Những cảm xúc bất ngờ khi nói dối ấy có thể được biểu hiện ngay trên khuôn mặt trẻ với sự nhô lên của lông mày, có nếp nhăn ngang trán hay mí mắt mở rộng. Bạn cũng có thể nhận biết điều đó khi thấy ánh mắt trẻ nhìn xuống, mi mắt trên hơi bị sụp hay các góc của môi khép lại.
Không những thế, các nghiên cứu đã chỉ ra sự tương quan giữa một số tín hiệu trên mặt với lời nói dối của trẻ thông qua việc liếm môi khi giao tiếp, hoặc có thể là chạm tay vào mũi hay xoa đầu. Đây là một trong các dấu hiệu dễ nhận biết nhất.
Những dấu hiệu khác
Trẻ có biểu hiện nôn nao
Trong khi nói dối, con bạn sẽ không thể đứng lâu để nói chuyện một cách tự nhiên với bạn mà sẽ liên tục động tay động chân, di chuyển chỗ ngồi cũng như lắc chân qua lại không ngừng.
Nghe cường độ âm thanh trẻ nói
Nếu giọng nói của trẻ to lên, thường cho thấy dấu hiệu của sự sợ hãi, lo lắng. Đây là biểu hiện của nói dối khi con bạn cảm thấy khó chịu hay có cảm giác rằng bị buộc phải nói dối trong trường hợp nào đó.
Trẻ lặp lại câu hỏi
Việc lặp lại câu hỏi của trẻ có thể do bé đang cố gắng kéo dài thời gian để suy nghĩ nhằm tìm ra phương án trả lời hợp lí hoặc cố che giấu đi mọi việc.
Tỏ vẻ lúng túng
Trẻ sẽ luôn cố gắng tránh trả lời những câu hỏi thêm của bạn mà đánh trống lảng sang chuyện khác, bởi có thể lúc đó con chưa suy nghĩ ra câu trả lời thích hợp.
Các cử chỉ kỳ lạ
- Trẻ dùng tay cào cơ thể mình khi nói chuyện.
- Di chuyển ngón tay liên tục không có lý do.
- Cử chỉ cử động lạ, lắc hoặc gật đầu.
- Chuyển vị trí ngồi trên ghế.
Tránh dùng phương pháp điều tra, hỏi tội khi trẻ nói dối
Trong trường hợp trẻ nói dối, điều quan trọng bạn phải duy trì mối quan hệ tin cậy, yêu thương để trẻ hạn chế việc nói dối với bạn.
Bên cạnh đó bạn nên tránh tra hỏi trẻ hoặc gây áp lực cho trẻ. Cách này dẫn đến sự trốn tránh và không khuyến khích con bạn trung thực hơn đâu. Thay vào đó, hãy kể những câu chuyện nhằm khuyến khích trẻ nói thật sẽ tốt hơn nhiều.
Lưu ý, bạn không nên dùng những câu tra hỏi, buộc tội như: “Hãy nói cho mẹ biết, con đang nói dối phải không, con thật sự quá hư hỏng”.
Với những chia sẻ trên, Mẹ&Con mong rằng cha mẹ sẽ biết được khi nào con mình đang nói dối và có hướng giải quyết phù hợp nhé.