Khi bị nhiễm trùng đường ruột, chế độ ăn uống cũng cần phải cẩn trọng hơn để tránh tình trạng nhiễm trùng kéo dài và gây nên những ảnh hưởng nguy hiểm với sức khỏe. Vậy khi đường ruột bị nhiễm trùng thì có triệu chứng gì và lúc đó cần xử trí như thế nào, phải ăn gì?
Nhiễm trùng đường ruột là gì ?
Nhiễm trùng đường ruột hay nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm trùng đường tiêu hóa là tình trạng đường ruột bị vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng xâm nhập và gây nhiễm trùng. Bệnh lây chủ yếu qua đường ăn uống. Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột thường do ăn phải thực phẩm, nước uống chứa vi sinh vật gây bệnh (nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng,…).
Biểu hiện thường gặp của người gặp vấn đề nhiễm trùng ở đường tiêu hóa chính là tiêu chảy cấp tính, đi tiêu có phân dạng nước hoặc có dịch nhầy nhớt. Hầu hết chúng ta đều gặp nhiễm trùng đường ruột vài lần trong đời. Trẻ sơ sinh và trẻ em cũng có thể gặp tình trạng này.
Khi bị nhiễm trùng, cơ thể dễ bị mất nước và dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, đừng bỏ qua cách điều trị nhiễm trùng đường ruột cũng như chế độ ăn uống, dinh dưỡng khi mắc bệnh bạn nhé!
Có thể mẹ quan tâm: 8 thực phẩm lợi khuẩn đánh lui bệnh đường tiêu hóa
Triệu chứng nhiễm trùng đường ruột
Làm sao để biết bản thân bị nhiễm trùng đường tiêu hóa? Bạn có thể dựa theo một số dấu hiệu sau:
- Có cảm giác chán ăn, buồn nôn, ăn không thấy ngon miệng.
- Đi ngoài nhiều, phân lỏng. Một số trường hợp có thể bị táo bón.
- Đi ngoài ra máu.
- Có triệu chứng đau bụng, chướng bụng, cảm thấy co thắt ở bụng.
- Gặp hội chứng ruột kích thích.
- Mệt mỏi, khó ngủ.
- Có thể bị nhiễm trùng xoang mũi, ho, nhiễm siêu vi đường hô hấp do vi sinh vật gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
- Do bị mất nước và bị tác động bởi các chất kích thích như nấm men nên người bị nhiễm trùng đường ruột còn có thể cảm thấy đau đầu, đau nửa đầu, ngứa da, bỏng da.
Phác đồ điều trị nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột có nguy hiểm không? Điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa như thế nào? Theo đó, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng ruột sẽ biến mất sau một vài ngày. Do vậy, bạn không cần phải quá lo lắng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là khi bị nhiễm trùng khuẩn đường tiêu hóa, bạn rất dễ bị tiêu chảy dẫn đến mất nước. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ và những người có sức khỏe kém. Do đó, bạn phải uống nhiều nước, bao gồm cả nước lọc và dung dịch bù nước điện giải.
Ngoài ra, một số trường hợp nghiêm trọng sẽ được bác sĩ kê thuốc kháng sinh để có thể điều trị bệnh. Do đó, điều quan trọng là biết được khi nào thì bệnh chuyển biến nặng, cần đến bệnh viện thăm khám và khi nào có thể tự điều trị tại nhà.
Nhiễm trùng đường ruột, khi nào cần đến gặp bác sĩ ?
Với người lớn, nếu có những triệu chứng dưới đây, cần đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe đường ruột:
- Sốt cao
- Đi ngoài ra máu
- Tiêu chảy kéo dài 2-3 ngày hoặc dài hơn
- Có dấu hiệu mất nước (khát nước quá mức, ít đi tiểu, cả ngày không đi tiểu, người nhợt nhạt,…)
Với trường hợp nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh, nên đưa trẻ đi cấp cứu nếu trẻ có biểu hiện đau bụng nặng, sốt cao, bú kém hơn, quấy khóc liên tục hoặc ngủ li bì,… Còn với trường hợp nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em, nếu trẻ tiêu chảy kéo dài, có máu trong phân, có dấu hiệu suy kiệt,… thì cũng không nên chủ quan mà phải đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời can thiệp và có phác đồ điều trị phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng khi bị nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột nên ăn gì?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần nhớ khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm trùng đường tiêu hóa chính là cố gắng uống càng nhiều nước càng tốt. Bên cạnh nước lọc, bạn có thể uống thêm nước ép trái cây hoặc nước ép rau củ, dùng thêm canh,…
Uống quá nhiều nước cùng một lúc có thể làm tăng cảm giác buồn nôn nên bạn có thể chia nhỏ ra, uống thành từng ngụm cách nhau 15-30 phút để dễ uống hơn. Ngoài ra, nếu cảm thấy chán ăn, khó ăn, buồn nôn, bạn nên dùng các loại thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo.
Khi bị nhiễm trùng đường ruột, quan trọng là bạn phải bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cũng như lưu ý chọn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi để tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hơn.
Xem thêm:
- Trẻ em rối loạn tiêu hóa nên ăn gì mau khỏe?
- Cách phòng tránh trẻ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột khi đi du lịch
Có cần kiêng gì khi bị nhiễm trùng đường ruột hay không?
Có! Tuy các chuyên gia khuyến khích nên ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo cơ thể không bị thiếu chất, từ đó phục hồi nhanh hơn nhưng bạn vẫn nên tránh xa một số thực phẩm có ảnh hưởng không tốt đến tình trạng sức khỏe của mình nhé.
Cần lưu ý hạn chế tối đa các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, đồ sống như sashimi, sushi,… Ngoài ra, người bị nhiễm trùng đường ruột nên hạn chế đồ uống có cồn. Caffeine có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, có thể cản trở quá trình phục hồi bệnh của bạn. Ngoài ra, cà phê sẽ kích thích tiêu hóa của bạn và có thể làm bệnh tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, nếu bị nhiễm trùng đường ruột, nên hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đồ chiên rán. Thực phẩm giàu chất béo sẽ khiến bạn khó tiêu, dễ bị tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa hơn. Và bạn cũng không nên ăn thức ăn cay nóng, các món ăn hoặc thức uống có quá nhiều đường vì điều này cũng khiến bạn bị tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Với các trường hợp bị nhiễm trùng đường ruột, ăn uống và nghỉ ngơi đúng cách sẽ giúp niêm mạc ruột nhanh chóng lành lại và phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Ngược lại, không ăn sẽ kéo dài tình trạng tiêu chảy. Vì thế, hãy nghỉ ngơi và xây dựng chế độ dinh dưỡng đúng cách để mau chóng đẩy lùi tình trạng bệnh bạn nhé!