Trẻ em là những sinh linh mỏng manh và nhạy cảm với mọi biến động trong cuộc sống. Một tai nạn nhỏ, một cuốn phim kinh dị, hay thậm chí chỉ là một câu chuyện kể trước giấc ngủ cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn đối với tâm lý của trẻ.
Nhưng làm thế nào để phân biệt giữa những biểu hiện bình thường và dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Sang chấn tâm lý là gì?
Sang chấn tâm lý hay rối loạn sau chấn thương tâm lý là một tình trạng sức khỏe tâm thần phát sinh sau khi một cá nhân trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đáng sợ, đe dọa tính mạng hoặc gây tổn thương nghiêm trọng, tác động mạnh mẽ đến mặt tâm lý. Có thể hiểu đây là một trạng thái sốc tâm lý hoặc tổn thương tâm lý. Các sự kiện này có thể là bị tai nạn giao thông, tấn công tình dục, bị bạo hành gia đình, chứng kiến người thân đột ngột qua đời,…
Với trẻ nhỏ, việc bị sang chấn tâm lý sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, đôi khi bố mẹ thường dễ nhầm lẫn dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý với biểu hiện sợ sệt, e dè hay một cảm xúc hoảng sợ nhất thời của con, từ đó bỏ qua thời điểm tốt để “chữa lành” cho những tổn thương của trẻ.
Dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý
Trẻ em khi bị sang chấn tâm lý có thể biểu hiện thông qua nhiều dấu hiệu khác nhau, và mỗi trẻ sẽ phản ứng theo cách riêng của mình. Các dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý có thể “bộc phát” trên một hoặc nhiều khía cạnh, bao gồm khía cạnh thể chất, nhận thức, cảm xúc, và hành vi:
Về thể chất
Về mặt thể chất, dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý thường là:
- Mất ngủ hoặc có vấn đề về giấc ngủ như ác mộng, giấc ngủ không sâu, thức dậy giữa đêm.
- Đau đầu thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Mệt mỏi uể oải, có cảm giác bị giảm năng lượng, không đủ năng lượng cho các hoạt động thường ngày.
- Cơ thể căng thẳng, dễ bị giật mình với những tiếng động lớn hoặc bất ngờ.
- Có các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn hoặc tiêu chảy.
- Cảm giác đau rát hoặc khó chịu ở những nơi trên cơ thể mà không có nguyên nhân thể chất.
Về nhận thức
Bên cạnh những dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý thường về thể chất, trẻ cũng dễ có những biểu hiện khác lạ về mặt nhận thức, chẳng hạn như:
- Khó tập trung hoặc dễ bị sao nhãng trong các suy nghĩ không rõ rệt.
- Liên tục nghĩ về chuyện đã gây sang chấn tâm lý cho trẻ và dù có cố gắng cách mấy thì trẻ cũng không thể ngừng nghĩ về những vấn đề này.
- Trí nhớ kém, không nhớ rõ chi tiết liên quan đến sự kiện khiến trẻ bị sang chấn.
- Quan niệm biến dạng về sự kiện trẻ vừa trải qua hoặc cảm thấy mọi thứ không có thật.
- Suy nghĩ tiêu cực về bản thân, người khác hoặc tương lai.
Về cảm xúc
Trẻ bị sang chấn tâm lý thường có biểu hiện rõ rệt về mặt cảm xúc. Theo đó, những dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy khi quan sát cảm xúc của trẻ bao gồm:
- Sợ hãi một cách không cần thiết hoặc quá mức.
- Buồn bã, cảm giác trống rỗng hoặc tuyệt vọng.
- Giận dữ hoặc cáu gắt một cách bất ngờ và thậm chí là vô lý, không rõ nguyên nhân.
- Ngạc nhiên hoặc giật mình một cách quá mức với những kích thích bình thường.
- Cảm giác tách biệt khỏi mọi người xung quanh, cảm thấy mình như đang ở một cuộc sống khác, không liên quan đến mọi thứ ở thực tại.
Về hành vi
Ở một đứa trẻ bị sang chấn tâm lý, ngoài những biểu hiện về cảm xúc hoặc thể chất, nhận thức, trẻ cũng có những biểu hiện khác thường về hành vi. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý thông qua một số biểu hiện về hành vi ở trẻ như:
- Tránh né mọi thứ liên quan đến sự kiện gây sang chấn tâm lý cho trẻ, chẳng hạn như không đến địa điểm mà trẻ bị tai nạn giao thông, không tiếp xúc với người đã bạo hành trẻ.
- Có hành vi tự hại bản thân hoặc tỏ ra quá mức quan tâm đến cái chết.
- Bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ như tức giận, la hét hoặc khóc mà không có lý do rõ ràng.
- Phụ thuộc vào một người thân nào đó mà trẻ tin tưởng, luôn ở bên cạnh người thân và không muốn rời xa họ.
- Có sự thay đổi rõ rệt về tính cách chỉ trong một thời gian ngắn.
Những dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý có thể rõ rệt hoặc không, tùy theo mức độ sang chấn của trẻ. Và không phải đứa trẻ nào cũng có toàn bộ các biểu hiện trên mà đôi khi trẻ chỉ có vài biểu hiện nhỏ như hay hoảng sợ, bộc lộ cảm xúc tức giận, quấn quít quá mức với bố mẹ hoặc người thân,…
Sang chấn tâm lý ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em?
Sang chấn tâm lý có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với trẻ em. Cụ thể, sang chấn tâm lý có thể làm chậm sự phát triển của trẻ. Trẻ có thể chậm biết đi, chậm nói, không thể tiếp thu bài học,… như các bạn cùng trang lứa. Trẻ em bị sang chấn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ và giữ nguyên tình trạng cảm xúc ổn định trong môi trường học tập. Điều này có thể dẫn đến kết quả học tập kém và tình trạng bỏ học.
Hơn nữa, những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý thường cảm thấy khó khăn trong việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ với bạn bè và những người xung quanh. Trẻ có thể trở nên cô lập, tránh né hoặc quá phụ thuộc vào người khác. Sang chấn tâm lý cũng có thể gây ra các rối loạn cảm xúc như trầm cảm, rối loạn lo âu,….
Trẻ em có thể trở nên dễ bị kích thích, buồn bã, hoặc thậm chí có suy nghĩ tự tử. Những đứa trẻ này cũng dễ có các hành vi gây hại cho bản thân như tự hại, sử dụng chất kích thích hoặc trở nên bạo lực hơn. Trẻ cũng có thể tái hiện lại sự kiện gây sang chấn tâm lý qua trò chơi hoặc qua hành vi thực hiện với người khác.
Trẻ bị sang chấn tâm lý có thể có cách nhìn nhận về bản thân chưa phù hợp, luôn trong trạng thái kém tự tin và cảm giác bản thân mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp.
Và mặc dù chủ yếu là một tình trạng tâm lý, sang chấn cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất đối với trẻ như đau đầu, đau bụng và các vấn đề tiêu hóa. Việc nhận biết dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý sẽ giúp bạn có thể can thiệp kịp thời, tránh gây những tác động nghiêm trọng với trẻ.
Sang chấn tâm lý không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng qua hành động hoặc lời nói của trẻ. Đôi khi, dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý chỉ là một phút giây cáu gắt, một sự thay đổi bất thường trong hành vi hay thậm chí là sự im lặng đột ngột. Cha mẹ cần trở thành những “nhà tâm lý học” trong gia đình, luôn quan sát, lắng nghe và sẵn lòng hỗ trợ con cái. Qua đó, mỗi gia đình sẽ trở thành một nơi trú ẩn tinh thần, nơi trẻ có thể tự tin vượt qua mọi sóng gió của cuộc sống.