Gói và luộc bánh chưng cần rất nhiều công đoạn và mất khoảng thời gian từ 8-10 tiếng. Tuy nhiên, chỉ với 1 cục pin vào nồi bánh thì chỉ cần khoảng 1 tiếng là bánh đã chín. Trong môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên bánh rất mau chín. Tuy nhiên, thủy ngân, thạch tín, chì… trong pin thôi ra sẽ gây nguy hiểm cho não, tim mạch, thận và ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản.
Cách nhận biết bánh chưng luộc bằng pin
Vỏ lá bên ngoài: Bánh chưng luộc bằng pin thường có vỏ lá bên ngoài màu ánh tím. Đối với bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống, thời gian luộc khoảng 8 – 10 giờ thì lá sẽ bị ngả màu vàng sẫm hoặc xanh vàng.
Vỏ bánh chưng: Bánh chưng luộc bằng pin thường có vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn so với bánh chưng luộc thông thường. Đối với bánh chưng luộc bình thường, vỏ bánh sẽ có màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng, nếp không trong như bánh chưng luộc bằng pin.
Nhân bên trong: Bánh luộc bằng pin bị ép chín nhanh nên không được rền, độ dẻo và thơm kém, không có mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc truyền thống.
Bên cạnh những cách nhận biết trên, bạn nên kiểm tra thật kĩ vỏ bánh trước khi mua. Nếu phát hiện vỏ bánh có chút đen, cầm không chắc tay thì có khả năng là do nấu chín quá nhanh bằng pin độc hại.
Nhận biết bánh chưng luộc bằng pin. (Ảnh minh họa)
Cách nhận biết bánh chưng nhuộm phẩm màu
Theo phương pháp truyền thống, để bánh chưng xanh hơn có thể nhuộm gạo nếp bằng nước lá riềng (hoặc lá nếp) giã nhỏ. Với cách nhuộm này, bánh không chỉ có màu xanh tự nhiên từ trong ra ngoài mà còn thơm, để nửa tháng cũng không sợ chua. Nhiều người dân còn dùng cốm, gấc đỏ, nếp cẩm tím, mật ong… để làm các loại bánh chưng ngũ sắc trưng ban thờ cho đẹp.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ sở làm bánh dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm bánh như Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)… Bánh được nhuộm bằng phẩm màu hóa học sẽ cho màu đẹp như ý, không bay màu trong quá trình chế biến, lại lâu hỏng. Tuy nhiên, lạm dụng phẩm màu công nghiệp hoặc dùng phẩm màu không rõ xuất xứ dễ gây ngộ độc, ung thư và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác cho sức khỏe con người.
Không khó để phân biệt bánh chưng nhuộm phẩm màu độc hại. Phẩm màu khiến lớp lá dong trở nên xanh ngắt, sáng bóng, đều màu, cũng không bị xuống màu. Nếu trộn phẩm màu vào gạo nếp, vỏ bánh sẽ sẫm màu và đồng nhất. Đặc biệt, bánh nhuộm màu hóa học ngửi không thơm mùi lá dong, lá riềng. Còn bánh chưng nhuộm lá riềng tự nhiên, có những hạt gạo lốm đốm xanh nhạt, xanh vàng, không đều màu, thơm mùi lá riềng nhưng không nồng.
Ngoài cách nhận biết bánh chưng luộc bằng pin và nhuộm phẩm màu hóa học trên đây, bạn có thể tìm mua bánh chưng ở những nơi uy tín hoặc nếu có thời gian, bạn nên tự gói bánh tại nhà để vừa có thể vui vẻ quây quần bên gia đình, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết nhé!