Mẹ&Con - Chuyện kể rằng: Hoàng đế Napoleon (Pháp) tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân, đã hỏi: “Các bà sinh con ra, các bà nghĩ phải dạy con khi nào?”. Một bà mau mắn thưa: “Tôi nghĩ phải dạy con từ thuở lên ba”. Hoàng đế trả lời: “Không phải”. Một bà khác lên tiếng: “Người ta nói dạy con khi chúng còn trong lòng mẹ”. Hoàng đế vẫn trả lời: “Không phải”. Những điểm yếu của trẻ được cha mẹ quá nuông chiều, bao bọc Kim Hiền - bà mẹ cưng con bậc nhất showbiz Nuông chiều quá mức, con cưng chậm nói

Chuyện kể rằng: Hoàng đế Napoleon (Pháp) tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân, đã hỏi: “Các bà sinh con ra, các bà nghĩ phải dạy con khi nào?”. Một bà mau mắn thưa: “Tôi nghĩ phải dạy con từ thuở lên ba”. Hoàng đế trả lời: “Không phải”. Một bà khác lên tiếng: “Người ta nói dạy con khi chúng còn trong lòng mẹ”. Hoàng đế vẫn trả lời: “Không phải”. Các bà không biết trả lời sao, một bà lên tiếng: “Xin hoàng đế cho biết là phải dạy con khi nào?”. “Phải dạy con 20 năm trước khi nó sinh ra!”, hoàng đế đáp.

Mọi người ngỡ ngàng. Thì ra dạy con 20 năm trước, có nghĩa là dạy cha mẹ nó trước. Cha mẹ tốt thì con cái mới tốt. Trong thời đại này, cha mẹ cần phải được dạy nhiều không kém gì con cái.

“Thương cho ngọt cho bùi”

Cha mẹ nào chẳng yêu con? Nhà “có điều kiện”, ít con, hiếm muộn, chiều con “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” đã đành, nhà nghèo, đông con, lao động vất vả cũng tự nguyện biến mình thành Oshin để “hầu” con. Không chỉ bố mẹ chiều con, mà ông bà nội ngoại họ hàng hai bên cũngthi nhau chiều cháu: nào cậu “con đầu cháu sớm”, nào bé “sinh sau đẻ muộn”.

Vì yêu con, cha mẹ thường cho con quá nhiều thứ. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đến quần áo, đồ chơi. Từ trường lớp, sách vở tới tình yêu vô bờ. Lắm lúc họ cho con cái quá nhiều tự do và quyền hạn.

Hầu hết những “cậu ấm cô chiêu” này được cả nhà làm hộ, làm thay, bênh vực, đáp ứng mọi nhu cầu dù là vô lý nhất… Được yêu chiều, bao bọc khiến những đứa trẻ mất đi cơ hội lớn lên và trưởng thành.

chieu con

Mẫu số chung của những đứa con được cưng chiều thái quá ấy là gì?

 Hội chứng “bám bố mẹ”:

Trẻ nhút nhát, hay sợ hãi, lệ thuộc, khó thích nghi với môi trường mới và hòa đồng với những người xung quanh. Bị bố mẹ biến thành đứa trẻ cá biệt trong mắt bạn bè và thầy cô giáo. Khi đến trường chúng thường lúng túng khi cần quyết định, không biết cách tiêu dùng, thiếu tế nhị trong giao tế, tinh thần trách nhiệm không cao. Chúng không được giáo dục để có đủ năng lực, tự lo cho đời mình khi khôn lớn.

Hội chứng “của con, của con”:

Không biết  nhường nhịn, chia sẻ với người khác. Ứng xử với bạn bè thì hiếu thắng, chơi trội, hay ăn vạ. Tính tình cau có, khó bảo, ích kỷ, ỷ lại, vô lễ.

Hội chứng “em chã”:

Khi lớn lên thường không có tính tự lập, yếu ớt và thiếu tin tưởng ở chính mình. Không biết làm gì, thậm chí không thể kiểm soát nổi những cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng chấp nhận thất bại trước sức ép của cuộc sống. Bước vào đời không toàn vẹn về nhân cách, nặng thì trở thành kẻ trây lười hư hỏng, thiếu tự chủ, nhẹ cũng là những con “gà công nghiệp” không biết làm gì kể cả tự phục vụ mình.

Hội chứng “ông trời con”:

Cái tôi rất cao, muốn gì là đòi bằng được, tính cá nhân mạnh đến nỗi bỏ qua những suy nghĩ và cảm xúc của người khác và chỉ biết đến sự thỏa mãn của bản thân. Dần dần trở nên xa cách xã hội, có thể không coi mình là một thành viên trong cộng đông. Khi lập gia đình, khả năng làm cha mẹ yếu vì không biết cách quản lý dạy dỗ con cái và cũng thiếu trách nhiệm nếu con hoang đàng. Lúc thất bại thì quay ngược lại trách cha mẹ.

Xuất phát từ tâm lý của cha mẹ:

Bù đắp: Thời đất nước còn khó khăn, hầu hết trẻ em hiểu cảnh nghèo và nỗi vất vả của gia đình nên biết kiềm chế bản thân, biết cảm thông chia sẻ, phấn đấu vươn lên để thoát nghèo. Giờ đây cha mẹ muốn bù đắp cho con khỏi bị thiếu thốn như mình ngày xưa.

Chính bố mẹ ngại thay đổi: Bởi họ hiểu muốn con thay đổi cần phải chờ đợi mà bản thân họ lại không muốn chờ đợi. Thấy con lóng ngóng vụng về là bố mẹ làm luôn cho xong.

Quan niệm sai lầm: Cho rằng đáp ứng mọi đòi hỏi vật chất của con là cách thể hiện tình thương, đem lại hạnh phúc cho con, giúp con tự tin và sống cân bằng.

chieu con

GS TS David J Bredehoft – chủ nhiệm môn Khoa học XH và Hành xử trường ÐH St Paul (Minnedota) – viết trong cuốn sách “Bao nhiêu là đủ”: “Cưng chiều con quá mức không làm cho chúng sung sướng, mà trái lại, chúng rất khổ sở. Trẻ em cần có những phụ huynh nghiêm nghị nhưng dân chủ, hơn là những người chiều chuộng chúng”.

Cha mẹ không biết từ chối những yêu cầu vô lý của con, làm thế không những làm hại con mà còn hại cả mình.Nhiều bậc cha mẹ nuôi dạy con theo công thức “cho những gì nó cần và cho những gì nó thiếu” (dù cái đó chỉ là trước mắt và tạm thời). Khoảng 20% cha mẹ đam mê quyền lực, tiền bạc và sở thích cá nhân đã “bớt xén” thì giờ quan tâm con cái, không coi trọng việc quản lý giáo dục, để chúng sống theo bản năng, buông thả từ nhỏ. Họ giao phó việc chăm sóc, dạy dỗ con mình cho người giúp việc rồi sau đó quản lý con bằng tiền và điện thoại nên nhiều cháu bị cô đơn ngay giữa ngôi nhà của mình… Nhiều đứa trẻ được bố mẹ cho tiêu tiền ngay khi còn nhỏ nên sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền (“thuê” bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho quay cóp trong giờ kiểm tra…). Mỗi khi xảy ra sự cố, chính cha mẹ lại đứng ra dùng tiền sửa sai mọi lỗi lầm của con mà bỏ qua tình trạng đạo đức ngày càng tụt dốc của chúng.

Định hướng sai: Khiến con chỉ tập trung dồn vào một vài hoạt động như chỉ học chữ hoặc học thể thao mà bỏ qua các lĩnh vực khác khiến trẻ khi vào đời trở thành những người thiên lệch, thiếu kỹ năng sống cơ bản ngay cả kỹ năng tự phục vụ. Có nhiều bậc phụ huynh luôn cố tạo cho con một môi trường sống “sạch sẽ”, cách ly, tránh “ô nhiễm”. Đưa đón con đi học, đi đâu phải có bố mẹ theo. Việc nhà đã có người giúp việc, học hành có gia sư kèm cặp. Có những bậc phụ huynh ngày ngày vất vả đưa đón con đi xa để con được học trong ngôi trường tốt. Có những người hy sinh tất cả thì giờ, tiền của, công sức, thú vui để tìm kiếm, kích thích năng khiếu của con. Có người buộc con cái phải ganh đua dữ dội trong học tập, cho dù chúng có muốn hay không và đứa trẻ lớn lên với mục tiêu duy nhất trong đời là phải chiến thắng bằng bất cứ giá nào. Có những bậc cha mẹ để con cái phát triển tự do đầy bản năng nhưng cũng có người lại o ép con trong “kỷ luật sắt” một cách quá đáng.

Chiều con thế nào là vừa?

Trong quá trình nuôi dạy con, bố mẹ hãy luôn sẵn sàng giải thích rõ ràng cho con về những hành vi của trẻ. Kiên quyết phân tích cho trẻ hiểu thế nào là hành động đúng, hành động sai. Bố mẹ cũng cần dứt khoát trước những hành vi, lời nói mà trẻ không được phép làm. Nên khen chê đúng mức, đúng lúc, để trẻ dần dần định hình được các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Chẳng hạn:

– Giới hạn giờ coi tivi và chơi game online của con.

– Bắt trẻ tự dọn phòng thay vì người khác dọn giúp.

– Lập ra một số “luật lệ” để trẻ biết khi vi phạm sẽ lãnh những hậu quả nào.

Không nuông chiều con thái quá không có nghĩa là phải “thương cho roi cho vọt”, nghiêm khắc một cách máy móc, cứng nhắc. Muốn thể hiện sự không đồng ý khi con cái yêu cầu, cha mẹ không cần tỏ thái độ cấm đoán thẳng thừng, mà để trẻ tự đấu tranh, tự kiềm chế những ham muốn, rồi sau đó hướng dẫn con xử lý, rút ra bài học kinh nghiệm. Rèn con tính kỷ luật, độc lập, không dựa dẫm vào người lớn. Tất nhiên phải trong chừng mực để con biết tự lập, chứ đừng biến thành tách biệt và vô cảm với mọi người thì lại thành ra… quá đà.

chieu con

Theo tiến sĩ tâm lý học Joan Freeman, liệu có thể lập một công thức kỳ diệu để đảm bảo cho con cái mình về sau thành người hay chỉ phó mặc chúng cho số mệnh? Ông đã đưa ra đề nghị:

Yêu thương và chăm sóc: 30%

Di truyền: 30%

Khuyến khích và có những gương tốt trong gia đình: 15%

Kỷ luật gắt gao: 10%

Yểm trợ tiền bạc: 10%

Sức khoẻ tốt: 5%.

Tác giả cho rằng: sức khoẻ tốt, dòng giống tốt và có khả năng tài chính luôn giúp cho trẻ dễ thành đạt. Sau đó là tình yêu thương và sự chăm sóc. Quan trọng nhất là phải đặt ra một mục tiêu hướng tới cho trẻ noi theo. Có một điều chắc chắn là thiếu tình thương của người lớn, có thể gây ra những hậu quả xấu cho trẻ, nhiều đứa trẻ phát triển khuynh hướng bạo lực, cô độc hoặc vô cảm vì bị ruồng bỏ và đối xử tàn nhẫn.

Để trẻ tự tin mà không tự cao, biết cho và nhận hợp lý, biết chia sẻ và cảm thông với người khác… đòi hỏi các bậc cha mẹ phải nỗ lực rất nhiều trong cách thể hiện tình cảm đối với chúng, giúp trẻ hiểu biết các biên độ sống, biết thế nào là chừng mực trong mọi nhu cầu sống. Chính các bậc làm cha mẹ phải luôn sáng suốt phân định rõ ràng giữa việc cần, đủ và thừa, để có cách yêu con phù hợp.

GS TS David J Bredehoft – chủ nhiệm môn Khoa học XH và Hành xử trường ÐH St Paul (Minnedota) – viết trong cuốn sách “Bao nhiêu là đủ”: “Cưng chiều con quá mức không làm cho chúng sung sướng, mà trái lại, chúng rất khổ sở. Trẻ em cần có những phụ huynh nghiêm nghị nhưng dân chủ, hơn là những người chiều chuộng chúng”.

chieu con

Theo ông, vấn đề lớn nhất là trẻ được cha mẹ chú ý tới quá nhiều, làm thay những gì đáng lý chúng phải tập để biết làm. Chẳng hạn: các phụ huynh không chỉ đến trường ghi tên cho con, mà còn theo con vào phòng khi nhà trường phỏng vấn trẻ. Vấn đề thứ hai là cha mẹ quá “mềm yếu”, không đặt ra luật lệ buộc trẻ phải tuân theo, không cho chúng tập làm việc nhà.

Cha mẹ nên tự đặt câu hỏi, để biết mình có nuông chiều con quá mức không nhé. Gợi ý cho bạn một số câu hỏi dưới đây:

1. Thái độ của cha mẹ đối với bé có ảnh hưởng tới sự phát triển của bé không?

2. Việc sắm sửa, tiêu pha cho bé có làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ tiền của gia đình mình không?

3. Chiều chuộng bé là cách cha mẹ thể hiện sự yêu thương để thỏa hiệp khi bé đòi hỏi hay vì tương lai của bé?

4. Sự cưng chiều này liệu có gây ảnh hưởng xấu đến bé và người khác, kể cả bạn không?

Khi các câu trả lời đều là “có”, cha mẹ biết ngay là mình cần phải thay đổi!

Theo sự tư vấn của Thạc sĩ – Bác sĩ Lan Hải (Chuyên khoa Tâm lý – Giới tính) 

Tags:

Bài viết liên quan