Làm mẹ đơn thân không hề đơn giản, cũng chẳng lúc nào là dễ dàng. Bạn phải gánh lấy trách nhiệm và vai trò của cả cha và mẹ khi chăm sóc con cái, vừa phải chu toàn cùng lúc công việc ngoài xã hội và bếp núc gia đình. Vì lẽ đó, một sự chuẩn bị tâm lý chu đáo luôn là việc cần làm trước khi quyết định trở thành một “single mom”.
Trước khi quyết định sinh và nuôi dạy con một mình, Tạp chí Mẹ và Con muốn bạn cân nhắc 6 điều sau đây:
Sẵn sàng về kinh tế
Đa số các bà mẹ đơn thân thường gặp khủng hoảng khi đối mặt với những vấn đề về kinh tế. Nếu như người đàn ông trở thành trụ cột gia đình, đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho “miếng cơm manh áo” của tất cả các thành viên trong gia đình, thì giờ đây, tất cả những gánh nặng ấy sẽ đặt hết lên vai bạn. Chỉ còn một nguồn tiền duy nhất từ bạn, nhưng lại phải trả tất cả mọi chi tiêu, tiền sinh hoạt, hóa đơn thanh toán trong nhà… trong khi đó, giá cả thị trường lại không từng tăng vọt theo thời gian.
Trên thực tế, trước khi quyết định sự độc lập cho mình, không ít mẹ đơn thân đã nghĩ đến vấn đề này. Thế nhưng, chỉ khi đã bước vào thực tế và đối mặt với sự thật về kinh tế, bản thân cũng khó tránh khỏi những cú sốc tinh thần ghê gớm. Để không rơi vào tình trạng khủng hoảng, bạn nên xây dựng kế hoạch chi tiêu cụ thể cho bản thân trong thời gian sắp tới, những khoảng chi phí có thể phát sinh bất ngờ…
Cuộc sống của mẹ đơn thân, nó sẽ giúp bạn nhìn thấy đâu là những bất trắc có thể gặp phải trong cuộc sống của các mẹ con. Có được sự chuẩn bị từ trước, bạn sẽ biết mình có bao nhiêu khả năng để đói mặt với điều gì trong tương lai không xa. Điều cần thiết bạn có thể làm lúc này là đón nhận sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè để được san sẻ bớt gánh nặng, áp lực kinh tế này, tránh làm tổn hại sâu sắc đến tinh thần.
Mẹ đơn thân sẵn sàng nuôi dạy con một mình
Lúc này, bạn sẽ vừa đóng vai trò là bố, vừa là mẹ của các con. Có những chuyện nuôi dạy con cái mà người mẹ không thể làm tốt hơn bố, nhưng bạn buộc phải làm. Cứ như thế, bạn sẽ phải trở nên cứng rắn và kiên định hơn rất nhiều trong những quy tắc đã đặt ra và thống nhất với con từ trước. Vì nếu không, bạn sẽ dễ dàng gặp phải thất bại ngay từ lúc bắt đầu với vai trò mới này.
Khi là một người mẹ đơn thân, bạn nên dành cho bé nhiều thời gian hơn thay vì với suy nghĩ bù đắp vật chất. Nếu bạn chỉ tập trung kiếm tiền, không thường xuyên trò chuyện với con, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của con, chúng sẽ không cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, bạn cũng sẽ không thể hiểu được những chuyển biến tâm sinh lý của trẻ trong mỗi giai đoạn khác nhau là như thế nào.
Nếu như có nhiều thời gian cho con hơn, bạn sẽ hiểu được con đang có những vấn đề khó khăn nào, con có cảm thấy thiếu thốn hay không, cần tâm sự với mẹ điều gì. Biết rằng việc vừa phải chăm sóc con, vừa phải dạy dỗ rồi kiếm tiền rất vất vả và khó khăn, nhưng bạn sẽ không muốn công sức, tâm tư của mình lại tạo nên những khoảng cách vô hình giữa hai mẹ con đâu, đúng không nào?
Luôn nghĩ thông suốt và xua tan áp lực
Để có thể mạnh mẽ, con người không thể cứ mãi chìm đắm trong sự đau buồn và tiêu cực được. Vì thế, khi trở thành mẹ đơn thân, bạn buộc phải tìm cách để xua tan đi những áp lực mà bản thân gặp phải.
Như đã nói, có thể vì những lý do riêng, người trong cuộc buộc phải chọn giải pháp ly thân để xây dựng một cuộc sống mới ý nghĩa hơn. Trường hợp khác, có những người phải chịu nỗi đau mất mát khi người bạn đời chẳng may qua đời.
Lại có những người lựa chọn sống một mình với thiên chức làm mẹ mà không cần người đàn ông bên cạnh… Dù tất cả những trường hợp trên đều không giống nhau, nhưng điểm chung nhất của cuộc sống của mẹ đơn thân là đều phải sống trong sự trống trải, chịu áp lực một mình mà không thể chia sẻ cùng với những nỗi lòng khó nguôi ngoai.
Họ có thể phải chịu đựng rất nhiều lời phán xét dữ dội, những bình phẩm mỉa mai, soi mói từ người đời tạo nên những dằn xé, đau khổ trong tâm hồn rất nhiều. Chưa hết, những áp lực từ mọi phía buộc người phụ nữ – người mẹ, người cha của những đứa nhỏ phải chèo lái một gia đình dù nhỏ nhưng lại không hề đơn giản.
Chính vì thế, khi sống cuộc sống độc lập cùng các con, mẹ đơn thân phải rèn luyện cho mình một tinh thần thép, một cái đầu lạnh để vượt qua tất cả mọi áp lực đang đè nặng lên vai. Đồng thời, bạn cũng phải có một trái tim nóng để dùng tình yêu dành cho các con, biến nó thành động lực và sức mạnh cho chính mình.
Mẹ đơn thân không ngại “ném” trẻ vào cuộc sống
Nếu đã là một người mẹ đơn thân, bạn đừng vì quá thương con phải chịu cảnh “không cha” mà trở nên nuông chiều con bất chấp. Đừng ngại ngùng “ném” con vào cuộc sống. Vì bên cạnh bạn lúc này, người có thể chia sẻ nhiều nhất không ai khác chính là con cái.
Chúng không chỉ là một người bạn nhỏ đồng hành luôn yêu thương, vỗ về bạn mỗi lúc bạn rơi nước mắt, mà còn có thể giúp bạn sắp xếp ổn thỏa những công việc nhà trong khả năng của chúng. Đây cũng sẽ là một phương án để giúp những đứa trẻ của bạn học làm quen với cuộc sống mới, một cuộc sống độc lập.
Do đó, bạn không nên ngần ngại yêu cầu trẻ bắt tay vào phụ bạn những công việc nhà trong khả năng con chỉ vì sợ đụng chạm đến sự tổn thương trong con. Một ngày nào đó, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi nhìn thấy sự trưởng thành của chúng nếu bạn can đảm dạy chúng học cách mạnh mẽ và đi qua những sợ hãi, đớn đau.
Chấp nhận những điều hay, điều dở
Mẹ đơn thân khi quyết định chấp nhận cho các con cùng mình vượt qua cuộc sống độc lập, không có hình bóng của người cha, người chồng che chở, bạn sẽ nhìn thấy con cái đang dần chín chắn hơn và có sự tự lập từ rất sớm so với những bạn bè đồng trang lứa khác. Điều này có thể làm bạn nguôi ngoai phần nào sự tủi thân vì nghĩ chúng đã hiểu chuyện hơn.
Tuy nhiên, khi trẻ chỉ có một người mẹ để chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, đôi khi chúng sẽ không thể tránh những thiệt thòi. Có thể là những điều mà trẻ cho là đúng trong gia đình lại hoàn toàn ngược lại khi chúng mang nó đến trường.
Kết quả là đôi khi trẻ cũng sẽ tự xung đột với những suy nghĩ của chính mình. Hoặc khi bạn trở nên nuông chiều con quá mức vì ý nghĩ bù đắp cho con những thiệt thòi, trẻ sẽ sinh ra nhiều tật xấu, ương bướng hơn và có xu hướng đối đầu, cho rằng bản thân mình luôn đúng.
Lúc này, mẹ sẽ nhận ra rằng, nên tạo lập một ranh giới nhất định giữa mẹ và con, những điều mà con được phép và không ngay từ lúc ban đầu. Đó là một số điều hay, điều dở mà bạn nên chuẩn bị sẵn sàng đón nhận khi quyết định làm mẹ đơn thân.
Tư vấn tâm lý khi có thể
Đừng ngại ngần mà tìm đến một nhà tư vấn tâm lý khi cảm thấy bản thân không ổn. Đặc biệt, tìm đến một nhà tư vấn tâm lý cho cả hai mẹ con trước khi bắt đầu cuộc sống độc lập mới là điều bạn nên làm. Mỗi đứa trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau cho những vấn đề của bố mẹ. Vì thế, bạn cần để chúng được tỏ bày, tâm sự với người có thể cho chúng câu trả lời xác đáng, khách quan nhưng tâm lý nhất, đặc biệt là những chuyện chúng không nói với bố hoặc mẹ của mình.
Mẹ đơn thân – Đừng bao giờ chắc chắn về những suy nghĩ, quyết định của mình và cho đó là điều đúng đắn. Chúng có thể là một sai lầm mà bạn không thể lường trước được, hoặc sai lầm đó chỉ diễn ra với con của bạn. Nếu phải đối không bằng lời nói, chúng sẽ ngấm ngầm vào những hành vi sai lệch hàng ngày, tạo ra một số rắc rối không nhỏ. Vì thế, bạn cần cho trẻ tiếp xúc với người mà chúng có thể giải bày những tâm sự và trao cho chúng những lời khuyên mang tính dẫn lối đầy tích cực.
Bạn thấy đấy, chẳng có gì là dễ dàng khi một mình cả, nhưng đôi khi cuộc sống bắt buộc chúng ta phải làm như thế. Khi chuẩn bị một tâm lý tốt, dự đoán được những trường hợp có thể xảy ra với các mẹ con sẽ giúp cuộc sống bạn sẽ đi vào ổn định nhanh hơn.
Hy vọng với những chia sẻ trên, Mẹ và Con đã gợi ý được cho bạn những điều cần chuẩn bị khi quyết định trở thành một người mẹ đơn thân, sống độc lập cùng các con của mình. Chúc bạn luôn gặp nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống nhé!