Bé nhà tôi năm nay 3 tuổi, đã đi nhà trẻ. Theo nhận xét của cô giáo thì bé rất ngoan, biết nghe lời cô và hòa đồng với bạn. Tôi và ông xã rất bận, ai cũng đi làm từ sáng sớm đến chiều tối nên những lúc rảnh rất muốn dành thời gian cho con. Khi đi mua sắm, dự tiệc hoặc bất cứ nơi nào có thể, vợ chồng tôi đều cho con đi cùng. Ngặt một nỗi, đi với ba mẹ, con lại rất hư, hay đòi nọ đòi kia, nếu không chiều theo thì bé sẽ “ăn vạ” ngay bằng cách nằm lăn ra khóc… Nhiều lúc giữa tiệc cưới mà con cũng giở thói “ăn vạ” như thế làm cả hai vợ chồng ê mặt với bạn bè. Từ trước nay, vợ chồng tôi chỉ có một biện pháp duy nhất là chiều theo ý con. Nhưng đôi khi con đòi những thứ rất “trời ơi” không thể nào chiều theo được. Vả lại, chiều mãi sợ con sẽ hư mất. Không biết phải làm sao để bé bỏ thói “ăn vạ” giữa đám đông như thế!
Thu Mai (Q.1)
Chị Thu Mai thân mến!
Có hai khía cạnh có thể liên quan đến vấn đề của chị và gia đình, đó là thời gian dành cho con và phương cách tương tác (nhất là giáo dục) con. Ở khía cạnh thứ nhất, đây là vấn đề “nóng” của rất nhiều gia đình trẻ (nhất là những gia đình sống ở thành thị) gặp phải khi mà cả bố mẹ đều phải đi làm bận rộn bên ngoài và thời gian còn lại cho con rất ít ỏi. Trong các lý thuyết hoặc những hướng dẫn cho các bậc cha mẹ, chưa ai xem cách chiều theo ý con liên tục là một phương cách giáo dục cả, mà đúng hơn đó chỉ là một cách đối phó dễ nhất, đơn giản nhất với những “phiền phức” nhất định mà đứa con đòi hỏi từ nhu cầu của nó.
Cụ thể hơn đối với vấn đề ăn vạ của con, sau đây là một vài gợi ý để anh chị suy nghĩ và tìm hướng giải quyết:
– Anh chị có thể nói rõ với con là bố mẹ muốn con thôi ăn vạ theo cách đó và tiếp đó có thể tách con ra khỏi đám đông (ra khỏi phòng, đến một nơi vắng hơn…). Khi đã tách khỏi đám đông anh chị có thể ôn tồn và nhẹ nhàng nói chuyện, hỏi xem con muốn điều gì, sau đó kiên trì giải thích tại sao bố mẹ không thể đáp ứng. Tuyệt đối không “bù đắp” bằng việc đáp ứng một yêu cầu “trời ơi” khác nào đó của con. Sau đó đưa ra yêu cầu khi nào con hoàn toàn thoải mái thì sẽ đưa vào lại nơi tiệc tùng…
– Nhận thức rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ đứa trẻ nào, với bất kỳ gia đình nào nếu từ nhỏ người lớn đã vô tình hình thành nơi con trẻ thói quen có thể ăn vạ để đạt được mong muốn bất chấp phải trái. Có lẽ không đến mức những người xung quanh sẽ “lên án” hay coi thường gia đình anh chị vì để con ăn vạ như vậy (hơn nữa nếu anh chị nhanh chóng mang con ra ngoài thì có thể tránh được sự e ngại này!)
– Bất cứ hành vi nào nơi một đứa trẻ cũng có thể được tăng cường hoặc loại bỏ nếu biết kiên trì và nhất là phải được bố mẹ người lớn thể hiện một cách dứt khoát và nhất quán từ đầu đến cuối. Cụ thể là cho mọi trường hợp, anh chị phải vững vàng để nhất quán “không đáp ứng mọi trường hợp ăn vạ”. Thỉnh thoảng anh chị có thể còn phải “cắn răng chịu đựng” để chứng kiến sự tự hành hạ (ăn vạ) của đứa con với tinh thần nhất quyết không thua cuộc. Dần dần con anh chị sẽ học được rằng ăn vạ là “chiêu” không mang lại hiệu quả và sẽ bỏ. Chúc anh chị thành công.
Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Minh Uy (Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM)