Mẹ&Con - Việc dạy bé học toán không nhất thiết chỉ được thực hiện ở trường. Bạn có thể giúp bé nhạy bén với các con số, các phép tính từ rất sớm, đơn giản thông qua những trò chơi. 5 điều bạn nên dạy con gái Bí quyết dạy trẻ của ông bố Mỹ có 12 con vào đại học 5 kỹ năng dạy bé lớn khôn

1. Học toán qua những bài hát

Chưa biết chữ, nhưng bé đã có thể thành thạo hát theo bạn “Xòe bàn tay đếm ngón tay…”, hay “Một con vịt xòe ra hai cái cánh…”. Bạn có thể dạy số đếm cho con từ rất sớm thông qua từng bài hát như thế. Có thể tự “chế” ra cả những bài hát riêng của hai mẹ con, với số đếm tăng dần như: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao…” và cả những bài hát với số lùi “chín chú vịt, tám chú vịt, giờ là bảy chú thôi…”. Nên biết rằng việc học số đếm thông qua bài hát khiến trẻ tiếp thu rất nhanh. Và những số đếm tăng dần, giảm dần như vừa nói ở trên thật ra là một kỹ năng quan trọng để giúp bé hình thành một cách mơ hồ dần khái niệm toán cộng, toán trừ trước cả khi bé thật sự được học và hiểu rõ hơn về nó.

2. Giúp bé làm quen với mặt số

mot-voi-mot-la-hai

 

Bạn không nên “dạy” một cách “nghiêm trọng” mà chỉ vui đùa, chơi với bé thôi. Dạy cho con bằng cách vẽ, viết, cho bé nhận diện mặt số từ 0 đến 9 ở khắp mọi nơi quanh bé: Trên tờ lịch, trong cái đồng hồ, trên chương trình tivi, bảng số nhà, trên món hàng bạn mới mua, trong siêu thị… Không cần ép trẻ, cứ chỉ cho bé một cách tự nhiên. Nhưng bạn sẽ nhận ra bé dần dần nhớ được chính xác mặt số. Một lúc nào đó, khi đang đi ngoài đường thấy biển số xe của một chiếc xe chạy đằng trước, bạn sẽ “hết hồn” khi nghe con bỗng dưng… đọc vanh vách: “Tám – hai – bảy – chín” chẳng hạn.

3. Học toán khi… dọn dẹp đồ chơi!

Hãy dạy cho bé thói quen biết cất dọn đồ chơi sau khi chơi xong. Bạn nên làm cho bé những hộp nhựa có dán nhãn riêng để bé phân loại đồ chơi. Khi sắp xếp đồ chơi theo hình dạng (tròn, vuông, khối…), bé sẽ làm quen được với các dạng hình học. Ngoài ra, bạn còn có thể giúp bé ước lượng, tập đếm số đồ chơi xem đã đủ chưa, có bị thất lạc món gì không, đồng thời biết so sánh hình dáng của đồ chơi với đồ vật thật bên ngoài và trong tranh ảnh.

4. Học toán khi… phụ mẹ làm bếp!

Những sinh hoạt hàng ngày tạo ra rất nhiều cơ hội để bé học toán, nếu bạn biết tận dụng. Này nhé, trong khi nấu ăn bạn có thể giúp bé biết cách đo lường qua số gạo (một lon gạo, hai lon gạo…), đếm số củ cà rốt, số củ khoai tây, hay bảo bé so sánh xem con cá nào to hơn… Khi làm món ăn, bạn cũng nên để bé phân biệt hình dạng của món ăn như miếng bánh sandwich hình vuông, bạn cắt chéo một đường sẽ thành hình tam giác. Lúc dọn bàn ăn, bé sẽ hào hứng “học toán” bằng việc giúp bạn đếm số thành viên trong nhà và lấy đúng số lượng muỗng, đũa. Và nếu bé lấy đúng số lượng vật dụng khi nhà có thêm khách thì bạn có thể mừng vì bé tiếp thu tốt.

5. Trong những chuyến đi chơi

mot-voi-mot-la-hai

Khi cả nhà cùng đi tham quan, dã ngoại, hãy giúp bé chú ý đến những con số lớn trên các biển báo giao thông được viết ở các địa chỉ ngoài đường, số xe… Hay tập cho bé đoán hướng đi của xe phía trước và ước lượng số xe buýt đang đậu tại bến xe. Những chi tiết này sẽ giúp bé bớt nhàm chán hơn suốt cuộc hành trình. Nếu đi vườn thú, bạn hãy cùng đếm với bé số con thú trong chuồng, hay đếm số vỏ sò cùng nhặt được trên biển… Bé cũng thường hay theo bạn đi mua sắm. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không cho trẻ đếm số hàng hóa, so sánh giá của hai món đồ hay chỉ là trả tiền cho một cái bánh bé muốn ăn. Đó là cách để bé học về toán trong thực tế.

6. Những trò chơi “toán học”

Bạn nên tạo ra nhiều biểu tượng toán học để bé vừa chơi vừa học. Những trò chơi thú vị như lò cò, trốn tìm hay đánh ca rô, xếp hình… sẽ giúp bé hình thành các kỹ năng đếm số, định hướng và làm phép tính. Bạn cũng có thể tự nghĩ ra các trò chơi và cùng chơi với con như đếm các bộ phận trên cơ thể, cắt những hình dạng khác nhau, để bé nhắm mắt, cầm và đoán xem đó là hình gì. Bạn cũng có thể tận dụng những trò chơi dân gian để bé cùng chơi với các bạn hàng xóm như năm mười (học bảng cửu chương), ô quan…

7. Đôminô và cờ cá ngựa: Những trò chơi nên khuyến khích!

Trẻ thường rất thích thú khi được bố mẹ chơi cùng. Bạn hãy sớm cho con chơi những trò chơi như đôminô, cờ cá ngựa. Không có gì khiến bé học đếm, nhận diện những thứ “giống nhau” nhanh và thú vị như những trò chơi này. Ban đầu, bé sẽ chưa quen, nhưng dần dần, bé sẽ rất thích thú khi có thể tự mình đếm từng bước của chú ngựa trong trò cờ cá ngựa hay số chấm trên quân cờ đôminô. Bạn xem, chỉ một thời gian ngắn giúp con làm quen với toán học bằng những cách đơn giản thế này thôi, bé yêu của bạn bỗng trở nên rất nhạy với các con số. Không ít bé sẽ biết cách cộng trừ một cách thoải mái, tự nhiên trước cả khi biết mặt chữ hay vào lớp 1. 

Chuyên gia Kỹ năng sống trẻ em Nguyễn Thị Chi Mai 

Tags:

Bài viết liên quan