Khi nào bạn nên đặt “nghi vấn”?
Dưới 3 tuổi, trẻ chưa thể hiện rõ ràng xu hướng giới tính. Do vậy, sẽ là bình thường nếu đôi khi trẻ bắt chước hành vi của cả hai giới. Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bối rối, khi cô con gái 2 tuổi của mình cứ “mê mệt” với mấy chiếc xe hơi mô hình hay cậu nhóc sắp đi mẫu giáo lại nhún nhún múa hát, bắt chước hệt như các “chị” trong clip ca nhạc thiếu nhi. Tuy nhiên, thực tế chuyện này là bình thường và chưa có gì đáng lo. Bạn chỉ cần khéo léo chi phối con, ví dụ bên cạnh các mô hình đồ chơi xe hơi, có thể đặt thêm cho bé gái của mình vài con búp bê, vài món đồ hàng để bé tò mò, khám phá.
Tuy nhiên, chuyện sẽ bắt đầu nghiêm trọng nếu đến khoảng 9-10 tuổi, trẻ vẫn chưa nhận ra và xác định chính xác “bản sắc giới tính” của mình. Nếu một cậu bé 9-10 tuổi chỉ thích chơi với các bạn gái vào giờ ra chơi, thích nhảy dây, thích soi mình trước gương, ăn nói nhẹ nhàng, không thích các trò chơi có phần mạnh bạo… thì đây đã là thời điểm cha mẹ cần thật sự chú tâm. Tương tự, nếu một bé gái ở độ tuổi này vẫn tỏ ra “hùng hổ”, thích cắt tóc ngắn, chạy giỡn huỳnh huỵch, không thích mặc áo đầm hay “điệu” bằng kẹp tóc, vòng tay… thì mẹ nên kín đáo để mắt đến quá trình phát triển của con mình.
Vì sao trẻ “lạc đường” giới tính?
Mẹ cần biết
Tuổi tiền dậy thì và dậy thì là lứa tuổi có nhiều xáo trộn về tâm sinh lý và rất dễ hoang mang về các biểu hiện giới tính của mình. Sự nghi ngờ quá “lộ liễu” của cha mẹ, cộng với cách hành xử thiếu tế nhị sẽ chỉ càng khiến trẻ dấn sâu vào ý nghĩ mình bất thường, từ đó dẫn đến những hành vi lệch lạc về giới tính.
Có thể tạm chia ra hai trường hợp: Trường hợp trẻ thật sự “lạc” (tạm gọi là “bẩm sinh”) và trường hợp trẻ chỉ đang vô tình “lạc” (do nguyên nhân bên ngoài tác động và có thể điều chỉnh cho bé về đúng đường).
Với trường hợp trẻ “lạc thật”, cho đến nay, đây vẫn là một bí ẩn và các nhà tâm lý học trên thế giới đã đưa ra các giả thuyết như: Biến đổi hormone, nhiễm sắc thể, các cơ chế sinh hóa… Tuy nhiên, chưa ai chứng minh được nguyên nhân thật sự là gì.
Riêng về trường hợp trẻ đang “lạc giả”, câu chuyện trở nên dễ hiểu hơn và hàng loạt nguyên nhân đã được đưa ra để cảnh báo cha mẹ. Chẳng hạn như cha mẹ vô tình hay cố ý hạ thấp giá trị giới tính của con; gia đình mong có con trai nên cho con gái ăn mặc, cư xử như con trai hoặc ngược lại; trẻ thiếu vắng hình ảnh người bố hoặc người mẹ (sống với bố hoặc mẹ đơn thân); trẻ gặp vấn đề về tâm lý như chứng kiến cảnh bạo lực gia đình giữa bố và mẹ nên đâm ra “sợ” làm con trai, chỉ muốn mình cư xử mềm mỏng như con gái…
Ngoài ra, có thể là hơi “hiếm”, nhưng vẫn nên nhắc thêm cha mẹ: Trẻ dễ bị “lạc giới” nếu như bị dụ dỗ, bị lạm dụng tình dục đồng giới, bắt chước nhóm bạn, bắt chước hình ảnh từ “thần tượng”. Không ít bé trai hiện nay thích ôm gấu bông, chăm chút điệu đàng quá mức cho ngoại hình, sợ đen da, biết làm dáng từ 11-12 tuổi chỉ vì ảnh hưởng những diễn viên, ca sĩ nam kiểu “yểu điệu” nhan nhản trên không ít kênh truyền hình.
Đối tượng trẻ em nào dễ bị lôi kéo, dụ dỗ “lạc giới”?
Nguy cơ này thường đến với những trẻ có dung mạo đẹp, dễ thương, dậy thì sớm, hoặc trẻ sống trong hoàn cảnh gia đình không êm ấm, trẻ vào đời sớm…
Trường hợp bé trai chỉ sống với mẹ đơn thân cũng cần lưu ý, vì đây là những trẻ thiếu đi cách giáo dục theo kiểu “vững chãi” từ người bố. Nếu người mẹ lơ là, ít quan tâm đến chuyện uốn nắn giới tính của con, trẻ dễ có khuynh hướng sống nội tâm, nhẹ nhàng, cư xử mềm mỏng như mẹ…
Ứng xử với trẻ thế nào?
Nếu trẻ còn bé, nên nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời điều chỉnh cách thức ứng xử với trẻ, của trẻ cho phù hợp với giới tính mà trẻ có.
Với trẻ lớn hơn, lời khuyên dành cho bố mẹ là không nên sốc khi phát hiện ra sự lệch lạc giới tính của trẻ mà nên bình tĩnh tìm cách gần gũi, trò chuyện với trẻ. Bằng tình yêu thương chân thật, bố mẹ có thể giúp con nhận ra sự lệch lạc và từ đó con sẽ tự điều chỉnh. Trong trường hợp này, bố mẹ cũng nên đưa con đi đến gặp chuyên gia tâm lý sớm nhất có thể.
Khi có sự nghi ngờ giới tính con mình, bố mẹ cũng cần lưu ý không nên la mắng, cấm đoán và có những lời nói tổn thương trẻ. Việc cố gắng tách trẻ một cách thô bạo khỏi những gì trẻ yêu thích, quen thuộc để “ép” trẻ cư xử, sinh hoạt, vui chơi, ăn mặc theo ý người lớn có thể chỉ khiến tình trạng càng tồi tệ hơn. Trước khi đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý, bản thân bố mẹ nên tranh thủ tiếp xúc trước với các chuyên gia, để hiểu trẻ hơn và để có được những ứng xử chừng mực nhất, phù hợp nhất với con mình.
10 “ghi nhớ” cho cha mẹ
1/ Không đặt tên dễ gây nhầm lẫn về giới tính cho con, dù là tên thật hay tên ở nhà (ví dụ đặt tên Cúc cho một bé trai, đặt tên Hoàng cho một bé gái). Quan niệm xưa, nhiều người thường đặt tên thế này với những đứa trẻ “khó nuôi”, nhất là bé trai. Tuy nhiên, điều đó dễ khiến mọi người chọc ghẹo và khiến con mặc cảm, hoang mang về “giới tính” của mình.
2/ Không cho rằng con còn quá nhỏ, chưa ý thức được về “mắc cỡ”, “giới tính” mà cho bé mặc lại quần áo cũ của anh/chị (người có giới tính trái ngược với bé) nhằm… tiết kiệm. Nên nhớ, sự phân biệt “con trai”, “con gái” đến với bé sớm hơn bạn tưởng.
3/ Không vì những lý do tâm linh (sợ con “khó nuôi”), mà cho bé trai để tóc, mang vòng… như bé gái.
4/ Không vì những kỳ vọng của bố mẹ (quá thích con trai, quá thích con gái…), mà để một bé gái ăn mặc theo kiểu bé trai và ngược lại.
5/ Có sự lưu ý về giới tính của bé khi bé là “thành viên duy nhất” giữa rất nhiều thành viên khác mang giới tính trái ngược trong gia đình (ví dụ bé trai duy nhất trong gia đình rất nhiều chị em gái, bé gái duy nhất trong gia đình rất nhiều anh em trai).
6/ Hướng bé gái chơi với nhóm bạn gái, hướng bé trai chơi với nhóm con trai ngay từ nhỏ. Hạn chế để bé gái suốt ngày theo các bạn trai đá cầu, đá bóng… hoặc các bé trai lại “quấn quýt” với nhóm bạn gái trong các trò chơi bán hàng, búp bê.
7/ Chia sẻ và nhắc nhở con những vấn đề về giới tính ngay từ nhỏ. Ví dụ: “Con là con trai mà. Con trai thì mạnh mẽ và không khóc nhè!”, “Bạn ấy là con gái, con nên xách vật nặng dùm bạn ấy!”…
8/ Làm gương cho con về “giới tính” từ chính hình ảnh của cha mẹ: Cách ăn mặc, cư xử, nói năng… Bé sẽ “học” ở bạn nhiều hơn bạn tưởng.
9/ Không chủ quan khi nhận ra ở con những bất thường về giới tính. Không nên nghĩ: “Con nít mà! Kệ nó, lớn lên nó sẽ thay đổi!”. Nếu bạn linh cảm thấy ở con những biểu hiện khác lạ về giới tính, nên trao đổi sớm với chuyên gia tâm lý.
10/ Luôn nhẹ nhàng, thoải mái, vui vẻ khi trao đổi với con về giới tính. Tạo cho con cảm giác tin cậy và gần gũi. Không nên quát tháo, la mắng, đánh đòn, khiến trẻ sợ hãi hoặc mặc cảm khi trẻ vô tình có một biểu hiện nho nhỏ nào đó chưa phù hợp với giới tính của mình. Sự uốn nắn nên bắt đầu từ những chuyện trò ân cần.