Không thể phủ nhận mức độ quan trọng của tã giấy trong việc giúp mẹ chăm sóc những thiên thần bé nhỏ. Thế nhưng, phụ thuộc vào chúng quá nhiều sẽ khiến trẻ trở nên thụ động. Chính vì vậy, hướng dẫn cho con ngồi bô từ sớm là giải pháp tốt nhất, giúp các bà mẹ nhàn hạ trong việc chăm con. Thế nhưng, thực tế thì không phải ai cũng dễ dàng làm được điều này.
Nên hướng dẫn cho con ngồi bô như thế nào? mấy tháng thì con có thể ngồi bô…. là thắc mắc của nhiều người. Bài viết này của Mẹ&Con sẽ giúp bạn giải quyết những thắc mắc ấy!
Mẹo giúp mẹ hướng dẫn con ngồi bô đơn giản. (Ảnh minh họa)
Yêu cầu cơ bản khi “đào tạo” bé ngồi bô, đó là con bạn phải biết ngồi một mình. Có rất nhiều người ép con ngồi bô bằng cách giữ chặt hai chân của chúng, cốt để con khỏi cựa quậy và ngồi vững nhưng điều này chỉ làm chúng khó chịu và sợ hãi.
Dấu hiệu cho thấy con muốn ngồi bô: Chúng cảm thấy không thoải mái trong việc đóng bỉm. Khi lỡ “đi to, đi nhỏ” trong bỉm, bé hay khóc nhè và bứt rứt, khó chịu, rên rỉ, khóc lóc thậm chí muốn nhảy cẫng lên và xé toạc chiếc bỉm hoặc chiếc tã đang quấn trên người.
Hãy cứ để con được thoải mái ngồi trong chiếc bô, dù ban đầu chúng ngọ nguậy như thế nào. Dần dần chúng mới có thể thích nghi với sự mới mẻ này. Sự lặp lại và kiên nhẫn chính là chìa khóa “đào tạo” con cái độc lập.
Khi dạy con tập ngồi bô, thay vì quát mắng mẹ hãy ôm và hôn con. Động viên con bằng những lời như “Con làm tốt lắm”, “Đúng rồi”… Ngoài ra, mẹ cũng có thể chọn các hình thức khuyến khích khác như thưởng sticker mỗi lần bé sử dụng bô. Tất cả những điều này sẽ làm chúng hào hứng ngồi bô, và giúp chúng không bị “tai nạn” trong quá trình đi vệ sinh.
Trẻ con thường đi vệ sinh ngay sau buổi sáng khi thức dậy. Lúc này, chúng đã quá mắc tiểu nên sẽ không có sự chọn lựa nếu mẹ bắt phải ngồi bô. Đối với giấc ngủ ngắn, mẹ cũng có thể áp dụng tương tự.
Màu sắc và hình dáng của chiếc bô cũng là mẹo giúp mẹ hướng dẫn cho con ngồi bô nhanh hơn. Bé gái thường thích những chiếc bô màu hồng, có hình con thú… trong khi bé trai thích những chiếc bô hình xe hơi… Mẹ nhớ nhé!
Thực tế thì kiểm soát việc đi vệ sinh không hề dễ dàng gì đối với một đứa trẻ. Dù đã được “huấn luyện” ngồi bô nhiều lần, nhưng có những lúc chúng vẫn quên và… tè dầm ra ngoài là chuyện bình thường. Đừng la mắng trẻ vì điều đó, chúng sẽ bị căng thẳng và dẫn đến nhiều “tai nạn” đi bô ngoài chủ đích.
Mỗi đứa trẻ đều có một khuôn mẫu và thời gian riêng của mình. Đừng lo lắng nếu bé yêu của bạn mất quá nhiều thời gian mới ngồi bô thành thạo. Nó sẽ xảy ra ở một số điểm thích hợp, đừng quá căng thẳng và nóng giận!