Mẹ&Con - Chị Nghi Dung, (Q.4) chia sẻ: “Tết năm ngoái quả thực là “cơn ác mộng” với vợ chồng tôi vì cô con gái 3 tuổi bắt đầu biết… quậy. Ngay sáng mồng 1 Tết, con bé đã khóc toáng lên bởi không được sang nhà hàng xóm chơi như mọi ngày. Ông bà mừng tuổi thì con bé nhất định chỉ lấy tờ tiền màu xanh, nhất quyết không chịu lấy đồng tiền khác màu. Cũng may toàn là người trong gia đình nên không ai xét nét, chứ nếu không mặt mũi vợ chồng tôi không biết để đâu. Những cách độc đáo biến đồ cũ thành mới đón Tết Phòng ngừa các bệnh trẻ hay gặp ngày Tết Muôn chuyện ăn Tết nơi quê chồng vợ

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Cũng gặp rắc rối về chuyện con cái như nhà chị Dung, nhưng trường hợp chị Hoa (Q. Bình Thạnh) có khác đôi chút. Chị Hoa kể: “Con trai tôi 4 tuổi, bình thường đi học cháu là siêu quậy trong lớp nhưng Tết đến, đi chúc Tết cùng ba mẹ cháu lại “câm như hến”. Mẹ từ nhắc nhở sang quát mắng cũng nhất định không chịu mở miệng chúc Tết ông bà, cô dì, chú bác. Tôi cảm thấy rất ngại vô cùng, thế nào mọi người đánh giá là không biết dạy con”.

Quý phụ huynh thân mến, một năm mới nữa đang đến gần. Vào dịp Tết, bé yêu sẽ có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Đây cũng chính là thời điểm chúng dễ “lợi dụng” để bộc lộ sự bướng bỉnh của mình, đẩy ba mẹ rơi vào thế bị động, đôi khi lâm vào tình huống dở khóc dở cười.

Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta nên dạy con ứng xử sao cho đúng chuẩn mực, phép tắc để ngày Tết thêm vui và ý nghĩa. Dưới đây là một số gợi ý của Mẹ&Con, giúp quý phụ huynh dạy bé ứng xử khéo léo trước những tình huống sẽ diễn ra trong ngày Tết. Mời mẹ cùng tham khảo!

Lịch sự khi nhận lì xì
Có thể nói, được nhận lì xì là một trong những lí do khiến trẻ háo hức mong chờ đến ngày Tết. Xuất phát từ truyề thuyết đồng tiền may mắn, vào ngày đầu năm người lớn dành tặng trẻ nhỏ một món tiền tượng trưng với lời chúc khỏe mạnh, học giỏi, hay ăn chóng lớn… Tuy nhiên, do không hiểu được ý nghĩa của việc lì xì ngày Tết nên một số trẻ có suy nghĩ giá trị bên trong phong bì là trên hết, ai cho nhiều thì người đó là người “tốt” và yêu quý bé. Thậm chí, nhiều bé tỏ rõ thái độ “gì mà ít thế!” khi không nhận được số tiền mong muốn.

Một trong những điều đầu tiên ba mẹ cần dạy trẻ, đó là phải nhận phong bì bằng hai tay, nói lời cảm ơn và tuyệt đối không mở phong bao lì xì trước mặt người lớn, ngay sau khi họ vừa trao tặng và đặc biệt là bàn tán về số tiền nhận được.

Mẹ hãy dạy bé rằng, không ai tặng quà cho người mà họ không yêu quý. Chính vì vậy, bé phải cảm thấy hạnh phúc và biết ơn người đã lì xì cho mình, bất kể số tiền đó là bao nhiêu. Tình yêu thương không thể quy đổi thành giá trị vật chất, đây là bài học mà ba mẹ cần uốn nắn con ngay từ khi còn nhỏ.

Mẹo giúp con bạn ngoan ngoãn suốt 3 ngày Tết 5

Được nhận lì xì là một trong những lí do khiến trẻ háo hức mong chờ đến ngày Tết. (Ảnh minh họa)

Song song với điều đó, phụ huynh cần giúp định hướng cho bé cách sử dụng tiền mừng tuổi có ý nghĩa nhất, tránh để bé không nhận thức được, tiêu xài lãng phí. Với số tiền mừng tuổi khá lớn sau Tết, bé có thể dùng nó vào việc mua sắm đồ dùng học tập, ủng hộ đồng bào lũ lụt, góp tiền với anh chị em cùng mua một món đồ trang trí nhà cửa hay chỉ đơn giản là “cho heo ăn”, để dành làm những việc lớn hơn sau này.

Lễ phép trong từng lời chúc Tết
Vào ngày này, ai ai cũng dành cho nhau những câu chúc bình an, tốt lành. Vì thế, sẽ thật thiếu sót nếu bé của bạn cứ “im như thóc” khi được người khác lì xì, dù tuổi đã lớn. Nhiều người cho rằng, “quanh quẩn cũng chỉ là những câu chúc ấy, nói mãi cũng nhàm”. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, việc chúc tết không chỉ thể hiện lòng hiếu kính của trẻ, cách giáo dục của cha mẹ mà qua đó còn giúp bé học được những điều thú vị về phong tục đón Tết cổ truyền.

Trẻ con hay bắt chước và bắt chước rất nhanh, vì vậy ba mẹ đừng lo lắng không thể dạy bé yêu chúc Tết gia đình, họ hàng nhé. Bạn có thể cho bé xem những video clip ca nhạc trẻ em để bé học chúc Tết. Ngoài những câu chúc đơn giản, ba mẹ còn có thể sưu tầm những câu chúc Tết hay và dài hơn trên mạng Internet, kết hợp cử chỉ như vòng tay trước ngực, cúi đầu cung kính sau khi kết thúc… để dạy con ứng xử.

Với cử chỉ đáng yêu bé sẽ để lại ấn tượng đẹp trong mắt mọi người. Đặc biệt, ngày Tết sẽ vui càng vui vì những khoảnh khắc ngộ nghĩnh như thế này của bé.

Từ tốn trong bữa ăn
Tết là dịp cả nhà sum họp. Vì vậy rất có thể sẽ có rất nhiều người tập trung ăn uống ở căn nhà bạn. Việc dạy trẻ lịch sự trong bữa ăn cũng là việc rất quan trọng mà ba mẹ không được quên khi Tết đến xuân về.

Trong khi ăn, điều cấm kị nhất là chạy nhảy lung tung. Trẻ cần phải ngồi vào đúng vị trí của mình, trước khi ăn nên mời người lớn dùng cơm theo thứ tự. Khi ăn, lấy đủ số thức ăn cần dùng và không được bỏ thừa. Không dùng muỗng, đũa đang ăn dở múc vào dĩa thức ăn chung trên bàn, gắp thức ăn phải gắp trọn miếng, không được xới tung lên. Ăn uống nhẹ nhàng, từ tốn, không vừa ăn vừa nói chuyện, nô đùa. Ngoài ra, còn một số phép tắc mà ba mẹ cần dạy bé tránh làm phiền người lớn như khi ho phải quay ra ngoài hoặc dùng tay che miệng…

Mẹo giúp con bạn ngoan ngoãn suốt 3 ngày Tết 6

Nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, cũng là cách người ngoài nhìn vào để đánh giá phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Nhẹ nhàng khi chơi với bạn
Cùng ba mẹ đi chúc Tết đầu năm, ắt hẳn bé sẽ được tới nhà các cô, các bác có anh chị em hoặc bạn bè nhỏ tuổi giống như mình. Đầu năm mới, nhiều gia đình rất kiêng tiếng khóc trẻ con. Chính vì vậy, trong trường hợp bé nhất quyết giành đồ chơi với bạn bè, anh chị và lăn đùng ra khóc, thậm chí đánh nhau với bạn nếu không được đáp ứng khiến ba mẹ vô cùng khó xử.
Ba mẹ nên xử trí thế nào trong tình huống này? Sẽ tốt hơn nếu bé yêu của bạn biết nhường nhịn đồ chơi cho em nhỏ hoặc nếu không hãy dàn xếp, thỏa thuận để chúng có thể chơi chung đồ chơi với nhau.

Nếu bé vẫn khăng khăng muốn sở hữu món đồ chơi đó một mình, tốt nhất là ba mẹ nên cách ly chúng ngay lập tức. Thái độ nghiêm khắc của ba mẹ phải nghiêm túc, dứt khoát, cương quyết nói không với bé, dù chúng mè nheo, giận dỗi thế nào đi chăng nữa. Một lát sau, khi thấy mình không còn là trung tâm của sự chú ý, những đòi hỏi của mình là vô lý nên không được đáp ứng, chúng sẽ tự động ngoan ngoãn trở lại.

Tiếp đãi khách đến chơi nhà
Khi người lớn tới chơi nhà, phép lịch sự tối thiểu của chủ nhà đó là chào hỏi. Đối với những đứa trẻ chỉ tầm 2 tuổi, cũng không hề quá khó khăn trong việc cúi đầu chào hỏi người lớn những câu đơn giản như “Con chào ông bà”, “Cháu chào các cô, các bác”. Điều này là một trong những quy tắc xã giao không chỉ Tết mà ngày thường ba mẹ đã cần trang bị, dạy con ứng xử.

Sau màn chào hỏi, ba mẹ hãy dạy con thêm cách tiếp khách cơ bản như: Mang nước, trái cây, mứt, bánh kẹo bày lên bàn mời khách. Ngoài ra, trẻ cần phải biết rằng sẽ rất “bất lịch sự” nếu khách đến chơi nhà mà bé liên tục xen ngang, nô đùa ầm ĩ… Phụ huynh cần kiên quyết với thói xấu này của trẻ. Bạn cũng có thể hướng dẫn cho con biết cách ra hiệu, nếu muốn nói điều gì với ba mẹ.

Sau cùng là khi tiễn khách ra về, một lần nữa để thể hiện mình là chủ nhà lịch sự, hiếu khách, ba mẹ hãy dạy con những câu tạm biệt để ấn tượng tốt đẹp còn đọng lại mãi như: “Ông bà đi đường cẩn thận ạ”, “Lần sau cô chú lại tới nhà con chơi nhé”. Ba mẹ lưu ý tuyệt đối không nhận xét sau khi khách ra về vì điều này khiến trẻ rất dễ học đòi, nói xấu sau lưng người khác đấy.

Tags:

Bài viết liên quan