Nếu quý vị có một nàng dâu, mà khi nàng dâu ấy làm sai, mẹ chồng nói, con dâu không thừa nhận còn cãi tay đôi với những lời trịch thượng, thiếu tôn trọng vì ý nghĩ mẹ chồng là người dưng, thì quý vị có chấp nhận được không?
Tôi nghĩ khi mẹ chồng lên phòng nói chuyện với con dâu, chắc bà ấy cũng chỉ ra những sai sót để con dâu sửa nhưng thay vì lắng nghe thì cô ta lại cãi chày cãi cối, cho nên bà mới giận đến mức mời con dâu ra khỏi nhà.
Khi bà nói chuyện với thông gia, họ cũng phải thấy rõ lỗi của con gái mình nên mới bảo cho họ thời gian giáo dục lại cô con gái. Và con dâu cuối cùng cũng biết mình đã sai nên mới chịu nhận lỗi để được trở về. Tất cả những việc đó không nói lên sự xa cách giữa mẹ chồng – nàng dâu, mà cho chúng ta thấy muốn cải thiện mối quan hệ này, điều quan trọng là phải biết dẹp bỏ cái tôi của mình, biết nghĩ đến người khác thì mới dung hòa được.
Như cô con dâu tôi, mới cưới về đã chê mẹ chồng “Nấu ăn dở ẹc, không bằng một góc mẹ ở nhà”. Cô ta nói với con trai tôi như thế sau mỗi bữa ăn, và con trai tôi đã đề nghị mẹ xem lại cách chế biến của mình sao cho phù hợp với khẩu vị vợ nó, nếu không chắc là hai vợ chồng xin ăn riêng.
Tôi rất giận, song tôi nghĩ con dâu mình còn trẻ người non dạ, nên tôi gọi con dâu vào bếp và nói với cô ta: “Mẹ chưa biết khẩu vị của con, mẹ cũng không phải là một bà nội trợ giỏi vì mẹ còn bận kiếm tiền lo cho cả nhà này. Con có gì không bằng lòng thì cứ nói với mẹ, không phải mắng vốn chồng! Mẹ cũng không thích con so sánh mẹ với bất kỳ ai khác! Từ mai, mẹ đi chợ rồi chúng ta cùng vào bếp”.
Con dâu tôi lập tức giãy lên, rằng: “Con không quen làm bếp, con không biết nấu ăn. Con đã nói với chồng con chuyện này rồi, anh ấy bảo mẹ sẽ làm hết!”. Tôi nghiêm giọng: “Không biết thì học, mẹ sẽ dạy con cách làm, còn việc nêm nếm sẽ tùy theo khẩu vị của con. Nếu con không bằng lòng thì mẹ nấu thế nào, phải ăn thế ấy không được chê. Và không nấu ăn thì phải rửa bát”.
Chỉ có thế mà con dâu tôi khóc lu loa rồi nài nỉ chồng nó xin tôi cho cả hai về bên vợ ở. Dĩ nhiên là tôi không bằng lòng. Tôi giải thích cho con dâu hiểu mình đã gả về nhà người khác thì không được hở chút là đòi về nhà mẹ ruột, phải học cư xử cho phải phép, chuyện gì không biết thì phải hỏi. Con dâu như con gái, nhưng muốn được mẹ chồng thương thì ít ra cũng phải để mẹ thấy mình hết lòng với mẹ, yêu quý nhà chồng.
Tôi hỏi thẳng cháu rằng ngoài việc nấu ăn chưa vừa miệng con dâu thì tôi còn gì sai sót nữa? Con dâu tôi im lặng, thút thít khóc rồi sau đó nói xin lỗi và xin tôi cho cháu cơ hội để sửa sai. Đương nhiên là tôi rất nhẹ lòng. Từ đó, khi có thời gian, mẹ chồng – nàng dâu cùng đi chợ, cùng nấu nướng… Sau hai năm tôi yên tâm giao việc quản lý nhà cửa, bếp núc lại cho con dâu và để cháu tự quyền quyết định.
Giờ thì tôi có một cháu nội 3 tuổi, kháu khỉnh dễ thương. Tôi cho phép hai vợ chồng ra riêng nhưng con dâu tôi lại muốn sống cùng mẹ chồng. Cô ấy bảo: “Thôi, sống với mẹ dù sao cũng đỡ vất vả hơn, mẹ giúp con trông cháu và thỉnh thoảng còn giúp con xử lý ông chồng lắm tật. Con không ở riêng đâu!”.
Bởi vậy mới nói, mối quan hệ mẹ chồng – con dâu thực tế là người dưng, nếu mình thật sự biết thương dâu thì con dâu cũng sẽ thương mình, nhưng đó là tôi nói những nàng dâu tử tế, biết suy nghĩ… Chứ nếu gặp con dâu ngang tàng hoặc thiếu hiểu biết và có lối sống ích kỷ thì mẹ chồng dù cố gắng cỡ nào cũng chào thua!