1. Quan sát cử chỉ, hành động
Tâm lý chung của những kẻ… nói dối (kể cả người lớn và con nít) đều giống nhau. Đó là xuất hiện những cử chỉ và hành động “mờ ám”, lén lút, không dám làm việc một cách “quang minh chính đại” trước mặt mọi người, thậm chí còn “giật mình thon thót” nếu chẳng may bị người khác bắt gặp, sau đó sẽ tuôn một tràng dài những lời giải thích nhằm biện minh mình vô tội dù… không ai đề cập tới. Ví dụ như buổi trưa mẹ thấy bé cúi lưng rón rén vặn tay nắm cửa bước ra ngoài thì không hẳn là bé có nhu cầu đi vệ sinh đâu nhé, rất có thể là bé nhà bạn đang “âm mưu” trốn ngủ trưa ra ngoài chơi với đám đầu ngõ đấy.
2. Tìm hiểu nguyên nhân
Nguyên nhân khiến bé phải nói dối là gì nhỉ? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không thành thật của bé mà điển hình chính là việc bé… sợ bị ba mẹ đánh đòn.
Ở tuổi lên 2, bộ não của bé đã bắt đầu hình thành và ghi nhớ những cung bậc cảm xúc hỷ nộ ái ố khác nhau, biết việc gì đúng, việc gì sai, biết sợ hãi cha mẹ… Đương nhiên là một đứa trẻ thì lúc nào cũng muốn được ba mẹ cưng chiều nên đôi khi mắc lỗi, trẻ sẽ hình thành suy nghĩ trong đầu “Bây giờ nói thật sẽ bị la mắng, chỉ có nói dối mới làm cho ba mẹ không biết. Nếu không biết, ba mẹ sẽ không đánh đòn mình”
Ngoài ra, đối với những đứa trẻ quá năng động hoặc quá trầm ngâm thì việc nói dối để thu hút sự chú ý của người khác cũng không còn xa lạ. Trẻ năng động, hay được mọi người ngưỡng mộ, tung hô một khi đã tiêu xài hết tài năng ở lĩnh vực sở trường (Ví dụ như bé hát rất hay, ở buổi văn nghệ khai giảng mọi người ai cũng thích thú khi bé biểu diễn nhưng kết thúc buổi văn nghệ đó mọi người không còn dành nhiều sự chú ý cho bé) thì bé có cảm giác bị tổn thương nên sẽ thêm vào những câu nói dối để mọi người chú ý đến mình nhiều hơn.
Trẻ nói dối vì… học cách nói dối của người khác? Vâng, có thể nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nói dối vì bắt chước người khác lắm chứ? Giả sử khi ba… xin mẹ đi uống bia nhưng mẹ không muốn cho ba di nhậu, mẹ sẽ nói “Mẹ đau bụng lắm ba ở nhà đi”. Bé nghe nhiều lần sẽ dẫn đến hành vi bắt chước. Bắt chước người lớn và nói dối “con đau bụng lắm” khi làm biếng ăn cơm, buổi sáng thức dậy không muốn đi học sẽ biện minh lý do “hôm nay con nhức đầu”.
3. Mở rộng con tim lắng nghe, phân tích tác hại của việc nói dối
Không phải lời nói thật nào cũng đúng và câu nói dối nào cũng sai. Ví dụ như trong trường hợp bé biết mẹ thích ăn món canh rau ngót nên trong bữa cơm nhăn mặt giả bộ: “Con chẳng thích ăn canh rau ngót đâu” cốt để nhường cho mẹ yêu thì lời nói dối này quả là dễ thương nhất quả đất phải không nào? Tục ngữ có câu “Không có lửa thì làm sao có khói?” không chỉ áp dụng với người lớn chúng ta đâu mà còn áp dụng cả với “người nhỏ” nữa đấy nhé. Nếu bé nói “Hôm nay trên lớp bạn tự nhiên đánh con”, bạn có tin lời bé ngay không hay sẽ tỉ tê trò chuyện tìm ra nguyên nhân của vụ “ẩu đả” nào? “Con có làm bạn đau trước không? Nếu không tại sao bạn lại làm đau con”? Có một người mẹ biết mở rộng trái tim mình, chịu lắng nghe tâm tư nguyện vọng ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển tâm sinh lý của con. Trẻ tìm thấy đúng đối tượng, được trò chuyện giải tỏa được nỗi bức xúc sẽ cảm thấy thoải mái tinh thần và lần sau đảm bảo sẽ có những lời nói, hành động tích cực hơn.
Ngoài ra, sau đó mẹ cũng cần phân tích cho con thấy tác hại của việc nói dối. Khéo léo đưa những bài thơ, câu chuyện như “Chú bé nói dối bị cáo ăn thịt đàn cừu” cùng trí tưởng tượng của con cũng sẽ khiến bé ghi nhớ và không “tái phạm” lần sau.
Nếu mức độ “nói hươu nói vượn” của con bạn đi quá xa kèm theo hậu quả không nhẹ thì lúc này mẹ cần mạnh tay hơn nữa đưa ra cách giải quyết phù hợp.
4. Đưa ra cách giải quyết phù hợp
Muốn dạy con không nói dối, điều quan trọng nhất chính là ba mẹ phải làm tấm gương sáng cho con noi theo. Ba mẹ không nói dối, con nhìn, ghi nhớ và học tập theo ba mẹ không nói dối.
Dù sao đi nữa thì con bạn cũng chỉ là một đứa trẻ, việc đánh mắng hay mạt sát con không hề là cách giải quyết phù hợp. Đánh xong rồi con sẽ quên, đánh nhiều trẻ sẽ lì đòn, lặp đi lặp lại trong một thời gian trẻ sẽ không sợ nữa. Tỏ ra thông cảm, tác động vào tư duy của trẻ qua những câu chuyện, những lời khuyên sẽ làm bé tự suy nghĩ điều chỉnh hành vi sai trái của mình.
Đưa ra một số “hình phạt” nhẹ, phù hợp cho việc bé nói dối. Có thể cho bé ngồi im một mình trên ghế sô pha nếu bé biện minh cho việc mải chơi làm biếng ăn cơm: “Con đau bụng, con không thích ăn cơm đâu”. “Ok, nếu con đau bụng thì hãy ngồi yên một chỗ, khi nào hết đau ăn cơm cũng được”. Khi “âm mưu” không được như ý muốn, lần sau ắt hẳn bé sẽ dần thôi trò nói dối ngay.
Kim Hương