Mẹ và Con - Khi nhiệt độ xuống thấp, nhiều trẻ thường bị ho, sổ mũi, nóng sốt do viêm họng. Phải làm sao để điều trị cảm lạnh cho bé yêu thật an toàn khi Tết đang đến gần?

Những ngày qua, nền nhiệt sáng và đêm trên toàn quốc đều đột ngột giảm xuống khiến thời tiết trở lạnh. Nhiều bé có biểu hiện ho, cảm, sổ mũi và sốt cao khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu mẹo điều trị cảm lạnh cho bé yêu bạn nhé!

điều trị cảm lạnh

Triệu chứng cơ bản của cảm lạnh

Dấu hiệu đầu tiên của cảm lạnh thông thường ở bé là mũi bị nghẹt hoặc chảy nước mũi, nước mũi lúc đầu trong nhưng sau đặc lại và chuyển sang màu vàng hoặc xanh. Một số triệu chứng khác của cảm lạnh ở trẻ nhỏ có thể bao gồm: sốt, hắt hơi, ho kéo dài, chán ăn, cáu gắt, làm nũng, khó ngủ, khó ăn…

Cảm lạnh sẽ để lại những biến chứng gì?

Cảm lạnh nếu không chữa kịp thời và đúng cách có thể gây một số biến chứng khác, trong đó cũng có bệnh mạn tính. Khi trẻ bị cảm lạnh, biến chứng phổ biến nhất là viêm tai giữa. Do cấu tạo màng nhĩ của tai trẻ sơ sinh thường ngắn, rộng và nằm ngang nên vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào tai. Thêm vào đó, khi bị cảm lạnh, trẻ thường bị ho có đờm, sổ mũi nhiều khiến tai bị ẩm ướt nên vi khuẩn càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Cảm lạnh có thể gây thở khò khè ngay cả khi con không bị hen suyễn. Nếu trẻ bị hen suyễn thì cảm lạnh sẽ khiến bệnh trở nặng hơn. Biến chứng cuối cùng là viêm xoang, có thể thành mãn tính nếu không phát hiện và điều trị sớm. Viêm xoang xuất hiện là do cảm lạnh không được giải quyết triệt để dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp trong xoang.

Khi nào nên đưa bé đi khám bác sĩ

Khi điều trị cảm lạnh cho con, khi nào thì cần phải đưa con đến khám bác sĩ là vấn đề khá nhiều bố mẹ quan tâm. Hệ thống miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa thực sự hoàn thiện nên nếu các triệu chứng cảm lạnh không giảm hoặc không khỏi trong vòng 10-14 ngày thì bạn nên đưa bé đi khám. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, nếu bé cũng có những dấu hiệu kể trên thì phải đi thăm khám bác sĩ sớm, đặc biệt khi bị sốt vì có thể trẻ không phải bị cảm lạnh mà còn những bệnh khác nữa.

triệu chứng cảm lạnh

Nếu em bé của bạn trên 3 tháng tuổi trở nên, khi gặp những dấu hiệu sau thì bố mẹ cần đưa con tới cơ sở y tế sớm:

  • Số lần thay tã giảm hơn so với bình thường
  • Sốt cao hơn 38 độ C
  • Có triệu chứng bị đau tai hoặc khó chịu bất thường
  • Mắt đỏ hoặc có dịch tiết mắt màu vàng hoặc xanh
  • Khó thở
  • Ho dai dẳng
  • Có nước mũi dày, màu xanh lá cây trong nhiều ngày
  • Tiếng khóc bất thường hoặc khóc không ngừng
  • Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì
  • Ho đến nỗi gây nôn hoặc thay đổi màu da, ho ra đờm có máu
  • Khó thở hoặc có triệu chứng xanh tím quanh môi hoặc đầu ngón tay

trẻ bị sốt

Một số lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ

Đây không phải là bệnh do virus gây ra nên gần như không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng. Đó chính là lý do tại sao khi con bị ho, sổ mũi thì các bác sĩ thường “đuổi” mẹ về nhà và khuyên sử dụng các biện pháp như hút chất nhầy mũi, giữ không khí ẩm, cơ thể ấm là mấy ngày sau bé tự khỏi. Thêm vào đó, bố mẹ cũng không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh bởi có thể dẫn tới những biến chứng không mong muốn, thậm chí gây tử vong. Các loại thuốc không kê đơn thường nên tránh sử dụng ở trẻ sơ sinh, nhưng nếu bé bị sốt thì có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt cho bé theo đúng hướng dẫn sử dụng.

Thuốc hạ sốt

Sốt là một phản ứng tự nhiên của trẻ nhỏ đối với virus. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm sự khó chịu liên quan tới sốt nhưng không tiêu diệt được virus cảm lạnh. Nếu không biết dùng với liều lượng nào cho từng độ tuổi, bố mẹ nên xin ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng. Không cho con uống thuốc nếu bé bị mất nước hoặc nôn liên tục.

thuốc hạ sốt

Thuốc ho và cảm lạnh

Đối với trẻ dưới 2 tuổi không nên dùng các loại thuốc ho và điều trị cảm lạnh không kê đơn bởi những loại thuốc này không điều trị nguyên nhân gây cảm lạnh, không làm bệnh nhanh khỏi mà còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh nên cung cấp nhiều nước, chất lỏng để tránh bị mất nước. Trường hợp trẻ còn đang bú sữa thì mẹ nên để bé uống nhiều sữa mẹ bởi đây là nguồn cung cấp kháng thể rất tốt để bảo vệ con khỏi những virus gây bệnh.

Vệ sinh mũi

Vệ sinh mũi cũng là việc rất quan trọng giúp bé thoải mái hơn, giảm nguy cơ mắc các biến chứng khi bị cảm lạnh. Vì thế, bố mẹ cần vệ sinh mũi cho bé thường xuyên khi điều trị cảm lạnh cho trẻ.

Bố mẹ có thể dùng bóng hút dịch mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặt trẻ nằm ngửa ra, nhỏ 2-6 giọt nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi. Bóp xẹp quả bóng đẩy không khí ra rồi nhẹ nhàng đưa đầu hút của quả bóng vào mũi trẻ, thả tay để nước mũi bị hút vào trong bóng. Bóp dịch ra giấy hoặc chậu sau mỗi lần vệ sinh để tránh đẩy ngược vào mũi bé khi lặp lại quá trình này. Lần lượt hút từng bên cho tới khi thấy nước trong là sạch rồi. Bố mẹ cần rửa sạch dụng cụ và tay người làm trước và sau khi vệ sinh mũi cho bé. Mỗi ngày có thể làm 2-3 lần hoặc nhiều hơn tùy vào tình trạng tiết dịch mũi của con.

Dùng dây hút mũi là cách vệ sinh tương tự như bóng hút, chỉ khác là người lớn sẽ dùng miệng để hút thông qua một đầu dây. Tuy nhiên, trong quá trình vệ sinh mũi cho trẻ tuyệt đối không thổi hơi vào dây vì sẽ làm vi khuẩn bay ngược lại vào trong mũi con.

Nếu bé đã lớn biết tự xì mũi thì bố mẹ có thể dùng chai xịt phun sương để lấy dịch nhầy cho con. Nếu bé còn nhỏ, bố mẹ hãy cuộn giấy ăn thành bấc sâu kèn và nhẹ nhàng thấm bớt nước, kéo dịch nhầy ra. Ngày có thể làm 4-6 lần tùy vào tình trạng sổ mũi của bé.

Bơm rửa mũi là phương pháp vệ sinh mũi, điều trị cảm lạnh gây tranh cãi nhất vì có thể gây ra viêm tai giữa cho trẻ. Nếu trẻ hợp tác hoặc ít phản kháng, hoảng sợ và bố mẹ làm đúng cách thì hoàn toàn có thể dùng phương pháp này. Ngược lại, nếu trẻ thường la khóc giãy đạp mạnh thì không nên dùng cách bơm rửa mũi này vì có thể làm chấn thương tâm lý cũng như nước tràn vào tai trẻ.

Nên làm ẩm không khí thường xuyên khi trời trở lạnh để giảm nghẹt mũi cho bé. Thay nước hàng ngày và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để vệ sinh thiết bị, bảo vệ sức khỏe cho bé.

vệ sinh mũi

Trị ho cho trẻ nhỏ với bài thuốc dân gian

Đối với trẻ nhỏ, muốn điều trị cảm lạnh không được sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc ho để trị ho kéo dài thì bố mẹ có thể tìm đến những bài thuốc dân gian từ quả lê. Lê có tính mát, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, thanh tâm giáng hỏa, dưỡng huyết, sinh tân dịch, nhuận trường, tiêu độc. Sử dụng loại quả này để trị ho cho trẻ vừa an toàn vừa hiệu quả. Một số bài thuốc từ lê mà bố mẹ có thể tham khảo như lê hấp mật ong, lê hấp gừng và đường phèn, lê hấp đường phèn và kỷ tử, lê hấp kỷ tử, táo tàu và đường phèn. Tuy nhiên, những bài thuốc này không phù hợp trị ho, cảm lạnh cho trẻ dưới 1 tuổi nên bố mẹ cần tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng nhé!

Thời tiết trở lạnh vào sáng và tối, đặc biệt nhiệt độ xuống thấp tại miền Bắc khiến nhiều trẻ nhỏ dễ bị cảm lạnh, ho, sổ mũi và sốt nhẹ. Do đó, bố mẹ cần hết sức lưu ý những triệu chứng trong quá trình điều trị cảm lạnh để đưa con đi bệnh viện kịp thời. Đồng thời, cần vệ sinh mũi trẻ thường xuyên, giữ ấm cơ thể, thấm mồ hôi ngay lập tức để tránh trẻ nhiễm lạnh và giảm các triệu chứng do virus tấn công nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.