Mẹ&Con – Nếu con bạn mặc dù còn nhỏ, nhưng lại có vẻ biểu lộ tính khí thất thường thì bạn cần phải chú ý và có những cách phản ứng đúng đắn.

Có lẽ mẹ không biết phải phản ứng ra sao, khi lần đầu tiên thấy con tuôn ra những lời lẽ như “Con ghét mẹ” hoặc “Mặc kệ con”? Tại sao con bạn lại có thể bày tỏ tính khí thất thường và thốt ra những lời lẽ bực dọc như thế, dù chúng mới chỉ ở độ tuổi tiểu học?

Tiến sĩ Cathy Mavrola, nhà tâm lí học trẻ em tại Bệnh viện Nhi La Rabida, Chicago (Mỹ) giải thích: Trẻ ở lứa tuổi này gặp khó khăn trong việc dùng từ thích hợp để mô tả cảm giác của mình, nên có thể sẽ tuôn ra những điều vừa nảy ra trong đầu. Đó có thể là những từ ngữ sai lạc, hoặc bắt chước những cụm từ chúng nghe được ở đâu đó.

Thật không may, cộng với sự phát triển tính tự lập và nhu cầu cần khẳng định bản thân cũng như thử thách các giới hạn, điều này nghĩa là chúng có thể dùng những lời lẽ làm người khác muộn phiền hoặc tổn thương. Dưới đây là những tình huống thường gặp, khi trẻ bỗng dưng biểu lộ tính khí thất thường qua một số câu nói sau:

“Con ghét mẹ!”

Có nghĩa:

Không, con bạn không thực sự ghét bạn đâu. Những gì trẻ muốn nói là: “Con đang bực”, “Con đang đói,” hoặc “Con đang thấy sao sao” – Tiến sĩ Mavrolas giải thích.

Cái “sao sao” đó có thể liên quan, hoặc cũng có thể chẳng liên quan gì đến bạn nhưng trẻ lại hướng mọi cảm giác của mình về phía bạn, vì  bạn là một mục tiêu an toàn đối với chúng.

Bạn nên:

Theo Tiến sĩ y khoa Kurt Klinepeter, phó giáo sư lĩnh vực nghiên cứu về phát triển và hành vi trẻ em tại Trung tâm Y khoa Wake Forest Baptist ở Winston-Salem (North Carolina, Mĩ):

Thay vì phản ứng theo cảm tính, bạn hãy giúp trẻ tìm những lời nói khác để bày tỏ cảm nghĩ, như vậy trẻ sẽ không tự động nói “Con ghét mẹ” nữa. Và sau khi cho trẻ thời gian nguôi dịu lại, hãy giải thích rằng “ghét” là từ có thể làm người khác tổn thương.

Cách xử trí khi trẻ bộc lộ tính khí thất thường 4
Trẻ cũng có nỗi lòng riêng của mình. (Ảnh minh họa)

“Thật không công bằng!”

Có nghĩa:

Con bạn cảm thấy bị lừa dối điều gì đó. Theo tiến sĩ Mavrolas, ở lứa tuổi này trẻ muốn mọi thứ phải thật công bằng nên chúng có xu hướng suy nghĩ theo những khía cạnh “công bằng” và “không công bằng”.

Nếu bạn không đưa cho con số bánh mà chúng thấy mình xứng đáng được thưởng, hoặc nếu trẻ thấy bạn mình được vui chơi thoả thích hơn, trẻ sẽ cho rằng mình bị đối xử tệ.

Bạn nên:

Hãy cưỡng lại thôi thúc muốn nói những câu kiểu như “Cuộc đời vốn dĩ không công bằng” – Tiến sĩ Mavrolas khuyến nghị nên thừa nhận những điều trẻ nói khi chúng bộc lộ tính khí thất thường. “Nhưng sau đó cần phải kiên quyết: Mẹ biết con cảm thấy không công bằng, nhưng con không được ăn bánh nữa. Vì ăn nhiều, bụng no làm sao ăn cơm tối được?”.

 “Không ai thích con hết!”

Có nghĩa:

Theo tiến sĩ Nancy S. Buck, nhà tâm lí học về phát triển và là tác giả cuốn How to Be a Great Parent: Trẻ có thể trẻ bị xa lánh trong những hoạt động vui chơi, hoặc gặp rắc rối với một trong số những đứa bạn của mình. Hòa nhập là điều rất quan trọng với trẻ đến tuổi đi học, nếu con bạn cảm thấy bị bỏ rơi, chúng sẽ nghĩ rằng cả thế giới ghét bỏ mình và điều này là nguyên nhân khiến chúng biểu lộ tính khí thất thường.

Bạn nên:

Hãy hỏi trẻ chuyện gì xảy ra ở trường khiến chúng buồn như vậy? Khi trẻ thổ lộ, hãy an ủi và thông cảm với những cảm xúc của chúng. “Hãy nói với trẻ những câu như: “Hôm nay Molly đã không chơi chung với con, chắc là con thấy khó chịu lắm?”. Điều đó sẽ giúp trẻ rất nhiều.

Không cần phải sắp đặt một buổi để chúng có thể chơi chung, cũng như không cần nói chuyện với phụ huynh của Molly. Tốt nhất hãy để con bạn có cơ hội tự giải quyết.

Tuy nhiên, nếu chúng gặp quá nhiều khó khăn trong việc kết bạn hoặc thường xuyên than vãn rằng không ai ưa chúng? Lúc này bạn nên chia sẻ với giáo viên để tìm ra giải pháp tốt hơn. Hãy giúp trẻ hòa nhập vào những hoạt động mà trong đó, con bạn có thể gặp những đứa trẻ khác cùng sở thích.

“Mặc kệ con!”

Có nghĩa:

Có lẽ trẻ không muốn bạn lượn lờ trước mắt chúng, để chúng có thể hoàn tất trò chơi ghép hình. Hoặc cũng có thể trẻ cảm thấy bị làm phiền, khi bạn càm ràm về chuyện dọn dẹp phòng riêng trong lúc chúng đang chơi. Mặc dù biểu hiện tính khí thất thường, nhưng như vậy không có nghĩa là con bạn không yêu bạn.

Cách xử trí khi trẻ bộc lộ tính khí thất thường 5
Mặc dù biểu hiện tính khí thất thường, nhưng như vậy không có nghĩa là con bạn không yêu mẹ. (Ảnh minh họa)

Bạn nên:

“Trẻ muốn có không gian vui chơi là chuyện không có gì sai trái. Bạn chỉ cần dạy chúng cách dùng lời lẽ lễ độ hơn mà thôi” – Tiến sĩ Mavrolas nói. Hãy nói với chúng rằng những câu nói như “Mặc kệ con” hoặc “Mẹ đi chỗ khác đi” là không được.

Thay vào đó, trẻ nên nói “Con cần ở một mình chút” hoặc “Cho con thêm 10 phút nữa, rồi con làm liền”. Nếu con bạn tỏ ra lễ phép khi yêu cầu không gian riêng, hãy khen ngợi chúng bất cứ khi nào có thể.

“Con ghét chính mình!”

Có nghĩa:

“Những câu nói dạng này thường không phải là dấu hiệu thiếu lòng tự tôn, chỉ đơn giản là con bạn đang buồn bực gì đó về chính bản thân vì lí do nào đó” – Theo tiến sĩ Buck.

Có thể trẻ đang buồn bực về chuyện trong khi bạn cùng lớp có thể làm được điều gì đó, còn mình thì không? Hoặc trẻ vừa vô ý làm hư một món đồ chơi ưa thích chẳng hạn.

Bạn nên:

Không có gì phải lo, nếu chuyện này thi thoảng mới xảy ra. Thay vì bắt bẻ lời lẽ của con, bạn chỉ cần nói đơn giản: “Nghe giọng con có vẻ bực bội. Có chuyện gì vậy con?” Điều này sẽ giúp xoa dịu chúng lúc tính khí thất thường.

Nếu trẻ không đáp lại thì hãy cho chúng thời gian. Nếu trẻ thổ lộ, hãy giải thích với trẻ rằng đôi khi chúng ta có cảm giác thất vọng về bản thân mình. Hoặc nói với chúng rằng mỗi người đều có sở trường sở đoản riêng (và hỏi xem chúng giỏi những gì). Dạy trẻ nói cho thấu đáo những điều thất vọng của mình, việc này giúp chúng có tư thế chuẩn bị tốt hơn, nhằm đối phó với trở ngại kế tiếp trên đường đời.

Không phải lúc nào trẻ bộc lộ tính khí thất thường cũng là điều không tốt. Hãy lắng nghe, vì như thế bạn sẽ hiểu được con mình và hóa giải những điều chúng đang gặp phải!

Bài viết liên quan