Sau vượt cạn thành công, nhiều mẹ phải đối mặt với những cơn đau lưng diễn ra thường xuyên. Đau lưng sau sinh có thể dai dẳng, cơn đau diễn ra ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Nguyên nhân gây đau lưng sau sinh
Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, nội tiết tố bên trong cơ thể người mẹ thay đổi làm nới lỏng các khớp, các dây chằng nối với xương chậu và cột sống khiến lưng bị đau. Đặc biệt, sức nặng của thai nhi trong bụng mẹ làm cho lưng bị kéo về phía trước cũng là nguyên nhân làm bà bầu có cảm giác đau lưng, mỏi lưng.
Sau khi mẹ vượt cạn thành công thì vẫn gặp tình trạng đau lưng sau sinh do các nội tiết tố vẫn chưa kịp cân bằng trở lại trạng thái trước khi mang thai. Bên cạnh đó, dây chằng và cơ giãn nở để hỗ trợ cho quá trình sinh sản cũng là một lý do khiến tình trạng đau lưng thêm trầm trọng.
Căng thẳng, mệt mỏi cũng là một lý do khiến các cơ bị căng hơn, đặc biệt là cơ lưng, dẫn đến những cơn đau lưng sau sinh. Ngoài ra, sau sinh, mẹ cũng có nguy cơ bị loãng xương khiến xương khớp đau nhức.
Quá trình viêm do các khớp, dây chằng liên quan đến vùng khung chậu và cột sống thắt lưng lỏng lẻo có thể dẫn đến viêm. Lúc này, cơ thể sẽ báo động bằng những cơn đau ở vùng lưng của mẹ.
Với những mẹ bỉm sau sinh không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, phải chăm con và làm việc nhà thì tình trạng đau lưng sau sinh không những không giảm bớt mà còn nặng thêm. Hơn nữa, cho con bú sai cách, bị nhiễm lạnh, giãn dây chằng,… cũng là một nguyên nhân đau lưng sau sinh.
Xem thêm:
- Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng nguy hiểm thế nào?
- Gác nỗi lo ngực xệ sau sinh với 8 bí quyết này
Gây tê vùng cột sống có gây đau lưng sau sinh?
Gây tê màng cứng và gây tê tủy sống được cho là những nguyên nhân khiến phụ nữ có cảm giác đau, mỏi lưng liên tục sau sinh. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm.
Gây tê tủy sống hoặc màng cứng sẽ đưa thuốc tê có tác dụng giảm đau trực tiếp vào khoang ngoài màng cứng hoặc khoang tủy sống. Từ đó ức chế quá trình dẫn truyền cảm giác đau từ tủy sống về não bộ. Biến chứng của phương pháp gây tê tủy sống hoặc gây tê màng cứng thường xảy ra ngay lập tức sau khi sử dụng thuốc, bao gồm hạ huyết áp, run, ngứa, đau lưng tại vị trí chọc kim, đau đầu,… Tuy nhiên, biến chứng này sẽ hết ngay trong một vài ngày đầu tiên, khi vết kim được liền sẹo.
Việc đau lưng sau sinh là một biến chứng rất hiếm xảy ra nếu tiêm thuốc gây tê màng cứng hay gây tê tủy sống. Trường hợp đau lưng sau nhiều năm vượt cạn thành công càng không phải là biến chứng của việc gây tê trong quá trình sinh.
Cách chữa đau lưng sau sinh
Nếu vẫn bị chứng đau lưng bám dai dẳng đến thời kỳ sau sinh, mẹ hãy tham khảo một vài bí quyết nhỏ dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con để đẩy lùi đau lưng sau sinh nhanh chóng nhé:
Tập thể dục
Mặc dù thời điểm sau sinh mẹ khá mệt mỏi và gặp khó khăn trong việc di chuyển, nhưng đây lại là lúc cơ thể cần sự vận động nhẹ nhàng để làm giảm tình trạng đau lưng sau sinh.
Tập thể dục đều đặn với các động tác đơn giản, nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bài tập chuyên cho phần lưng… là cách rất cần thiết để làm săn chắc cơ và tăng cường tuần hoàn máu, giúp mẹ giảm bớt triệu chứng khó chịu ở lưng hiệu quả. Mẹ có thể duy trì việc tập luyện mỗi ngày 15-20 phút để cơ thể dần làm quen với các vận động mẹ nhé.
Bên cạnh đó, mẹ đau lưng sau sinh nên tránh ngồi nhiều để xương cốt không phải chịu nhiều áp lực dẫn đến đau lưng nặng thêm.
Bế con lên đúng cách
Bế bé lên theo đúng tư thế cũng là cách giúp mẹ ngăn ngừa những tổn thương cho vùng lưng. Muốn nhấc bé lên khỏi nôi, xe đẩy hay bất kỳ một chỗ nào đó, mẹ nên khụy đầu gối xuống, giữ lưng thẳng, bế bé vào sát cơ thể và dùng lực của đôi chân để đứng thẳng lên.
Tương tự như vậy, mẹ có thể áp dụng cách này để nhặt hay xách đồ vật khác lên thay vì phải khom lưng xuống. Điều này nghe lý thuyết có vẻ dễ làm nhưng trong thực tế mẹ rất hay quên đấy. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng thực hiện bất cứ thời điểm nào mẹ nhớ ra để lâu dần chúng có thể trở thành thói quen tốt và giúp tránh được tình trạng đau lưng sau sinh.
Không nâng, vác vật nặng
Trong vòng 8 tuần đầu sau sinh, mẹ không nên nâng, vác vật nặng để không gây áp lực đối với cơ lưng. Nếu phải địu em bé, mẹ nên chọn chiếc địu có quai đeo hai bên và có phần đệm ở vai để hạn chế sự tác động vào cột sống.
Bổ sung canxi
Trong thời gian bầu bí, canxi trong xương của mẹ thường bị rút ra để truyền cho thai nhi giúp hình thành xương khớp. Chính điều này là nguyên nhân khiến mẹ bị loãng xương dẫn đến đau lưng.
Do đó, sau sinh mẹ nên cung cấp lại cho cơ thể canxi thông qua thực phẩm (như đậu, rau bina, cải xanh, cải xoăn, cá, tôm, cua, ếch…) hoặc uống thuốc uống bổ sung canxi theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa tình trạng loãng xương gây ra đau lưng sau sinh.
Nhờ sự hỗ trợ của mọi người
Mẹ bầu sau sinh cần có thời gian để nghỉ ngơi. Tốt nhất mẹ nên nhờ chồng hoặc người thân để hỗ trợ trông con và làm việc nhà, tránh mẹ phải làm việc quá sức trong thời gian đầu vượt cạn để hạn chế những cơn đau lưng sau sinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Xoa bóp lưng
Xoa bóp lưng, vai một cách nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông máu và oxy đến các vùng này làm giảm bớt tình trạng đau lưng sau sinh.
Thêm vào đó, việc mát-xa còn kích thích các tế bào, cơ bắp khôi phục dần khả năng hoạt động làm cơn đau nhức nhanh chóng tan biến. Nếu không thể đến các trung tâm có dịch vụ này, mẹ cũng có thể nhờ người thân trong gia đình làm giúp điều này mỗi ngày trước khi đi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy hay mỗi khi cảm thấy đau.
Chọn đúng tư thế khi cho con bú
Nếu nuôi con mẹ sữa mẹ, trong lúc cho con bú mẹ nên ngồi thẳng lưng, kê một chiếc gối trên đùi, đặt em bé vào đó, gác chân lên hơi cao một chút và có thể lót thêm một chiếc gối sau lưng nếu cần thiết. Với tư thế này, bé có thể nằm sát cơ thể của mẹ giúp mẹ không phải cúi gò người.
Chườm nóng
Mỗi khi đau lưng sau sinh, mẹ có thể sử dụng phương pháp chườm nóng vào vùng bị đau sẽ có tác dụng làm giảm các cơn đau hiệu quả. Bởi độ ấm nóng sẽ giúp thúc đẩy tuần hoàn, giảm bớt chứng co rút cơ bắp và xua tan cơn đau. Mẹ cũng có thể dùng khăn ấm hoặc quấn khăn vào chai nước nóng rồi chườm nhẹ lên lưng khoảng 10 phút/lần, thực hiện nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, mẹ cũng nên tắm nước ấm để giúp tăng tuần máu máu và giảm đau lưng sau sinh.
Trường hợp chườm nóng không thấy hiệu quả giảm đau lưng sau sinh, mẹ có thể đổi qua chườm lạnh mẹ cách dùng chai nước bỏ vào tủ lạnh và lăn nhẹ lên vùng bị đau.
Xem thêm:
Giữ tâm lý thoải mái
Sau sinh, ngoài việc nghỉ ngơi thì mẹ cũng nên cố gắng để thả lỏng cơ thể, thư giãn. Tránh cảm xúc tiêu cực, căng thẳng mệt mỏi để giảm nguy cơ bị đau mỏi lưng sau sinh.
Những cơn đau lưng sau sinh thường kết thúc sau một vài tháng đầu. Mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng,… Nếu cơn đau ngày càng nghiêm trọng hoặc kéo dài không thuyên giảm thì hãy đi khám và tìm cách điều trị phù hợp nhất nhé!