Mẹ&Con - Khi được bác sĩ chỉ định sinh mổ và gây tê tủy sống, nhiều mẹ bầu bắt đầu lo lắng....

Gây tê tủy sống là một thủ thuật tiêm thuốc tê vào khoang dịch não tủy (khoang dưới nhện) để gây tê trục thần kinh trung ương, ức chế toàn bộ cảm giác và vận động từ vị trí khoanh tủy bị ức chế trở xuống dưới. Trong một vài trường hợp nhất định khi sinh mổ, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định gây tê theo hình thức này để giảm đau trong lúc sinh. Không ít các bà mẹ sau khi sinh con thường cho rằng vì từng bị tiêm thuốc tê vào khoang dịch não tủy nên đã dẫn đến tình trạng đau mỏi lưng, trí nhớ giảm sút. Vậy điều này có đúng hay không? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về kỹ thuật giảm đau khi sinh này cũng như tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống bạn nhé!

gây tê tủy sống

Phương pháp gây tê tủy sống là gì?

Màng cứng, màng nhện và màng mềm là 3 lớp màng bao bọc xung quanh tủy sống của chúng ta. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây tê vào khoang nằm giữa màng nhện và màng mềm của cột sống (khoang dưới nhện). Lúc này, thuốc tê sẽ bắt đầu làm tê liệt dẫn truyền thần kinh từ vùng tủy sống trở xuống dưới, khiến người bệnh không có cảm giác đau ở các khu vực nhất định trên cơ thể để bác sĩ có thể dễ dàng tiến hành phẫu thuật.

Khi tiêm thuốc gây tê, bệnh nhân có thể vẫn trong trạng thái tỉnh táo hoặc đã được gây mê/sử dụng thuốc an thần trước đó. Khi sinh em bé, mẹ bầu sẽ được gây tê trước khi sinh mổ. Lúc này, mẹ hoàn toàn tỉnh táo, nhịp tim và huyết áp điều hòa ổn định trong quá trình mổ lấy thai. Vì vậy, phương pháp gây tê tủy sống được đánh giá là phương pháp gây tê vùng giúp xác suất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh nằm ở mức thấp nhất.

Gây tê tủy sống khi phẫu thuật lấy thai có đau không?

Để tiến hành sinh mổ, bác sĩ sẽ lấy một cây kim mảnh để tiêm thuốc gây tê cho sản phụ. Trong lúc thực hiện gây tê, sản phụ có thể cảm thấy đau, nhói khi bác sĩ bắt đầu thực hiện thao tác tiêm thuốc vào. Tuy nhiên sau khi thuốc gây tê phát huy tác dụng, mẹ bầu sẽ không còn cảm giác đau đớn nữa nên quá trình sinh nở có thể diễn ra nhẹ nhàng và dễ chịu hơn. Đặc biệt, mẹ bầu còn có thể nhìn thấy con ngay giây phút thiêng liêng con chào đời.

Sau khi sinh em bé, thuốc tê hết tác dụng, cảm giác chung của hầu hết các mẹ bỉm lúc này là vô cùng đau đớn. Cảm giác đau này thường kéo dài trong vòng 4-5 ngày khiến nhiều mẹ bỉm gặp khó khăn trong việc cử động, mẹ chỉ có thể nằm yên trên giường.

gây tê tuỷ sống có đau không

Tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống – sự hy sinh của người mẹ

Nhìn chung, gây tê tủy sống vẫn có một số ưu điểm nhưng không phải ai cũng nên chọn phương pháp này bởi bạn có thể gặp phải những biến chứng khi hậu phẫu. Một số tác dụng phụ của phương pháp gây tê khi sinh có thể kể đến như:

Những biến chứng xuất hiện ngay lập tức sau khi sinh

Sau khi tiêm thuốc gây tê để tiến hành phẫu thuật lấy bé, nhiều mẹ bầu sẽ gặp phải tình huống chóng mặt, nôn ói, khó thở, nhức đầu, vị trí tiêm đau buốt trong suốt 30-60 phút. Đây là những biến chứng có thể thấy ngay lập tức kể từ lúc tiêm thuốc gây tê. Một số sản phụ sau khi được gây tê có thể bị ngứa, suy hô hấp nhẹ, cảm thấy ớn lạnh, người uể oải không còn chút sức lực nào.

Trong một số trường hợp xấu hơn, mẹ bầu có thể bị rối loạn nhịp tim, co giật, hôn mê. Ngoài ra, sản phụ khi được gây tê tuỷ sống còn có thể đối mặt với tình trạng nhiễm trùng và dẫn đến biến chứng viêm màng não, khiến hệ thần kinh bị tổn thương vĩnh viễn, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, sản phụ còn có thể bị ngộ độc thuốc gây tê, xuất hiện độc tính trên hệ thần kinh trung ương và tim.

Những biến chứng lâu dài sau sinh

Bên cạnh các biến chứng xảy ra ngay lập tức, tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống còn có thể kéo dài đến nhiều năm liền sau sinh mổ. Điều này đã gây khó khăn cho không ít các bà mẹ sau khi sinh con. Cụ thể:

  • Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng thường thấy của phụ nữ sau khi áp dụng phương pháp tiêm thuốc tê vào khoang dịch não tủy. Điều này được cho là do mạch máu thứ phát và áp lực nội sọ giảm mạnh do thuốc gây tê gây nên. Sau khi sinh xong, mẹ bỉm có thể bị đau đầu liên tục, nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến các bệnh lý thần kinh sọ, tụ máu ngoài màng cứng.
  • Đau lưng: Một tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống mà nhiều chị em gặp phải chính là đau lưng dai dẳng. Bạn có thể cảm thấy đau mỏi nhẹ, âm ỉ, cũng có thể đau dữ dội, đặc biệt là khi phải ngồi hay làm việc nặng trong nhiều giờ liền. Lý giải về biến chứng này, các chuyên gia cho rằng, đau lưng sau khi gây tê để mổ lấy thai có thể là do chấn thương mô trong quá trình kim tiêm đi qua các lớp da, mỡ, cơ và dây chằng.

tác dụng phụ của thuốc gây tê tuỷ sống

  • Liệt thần kinh: Bạn có biết, phương pháp gây tê tại khoang dịch não tủy có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và khiến mẹ bầu gặp chứng liệt thần kinh sọ? Sau khi thuốc tê đi vào cơ thể từ 3-10 ngày, bạn bắt đầu có những triệu chứng như đầu ong ong, nhìn một thành hai, thính lực giảm trầm trọng. Nếu may mắn, triệu chứng này có thể kết thúc trong vài ngày hoặc một tuần. Lâu hơn, bạn có thể chịu đựng cảm giác khó chịu này vài tháng.
  • Tổn thương thần kinh: Nếu bác sĩ xác định điểm gây tê sai, sản phụ có thể bị tổn thương chóp tủy, tủy sống và thần kinh, vô cùng đau đớn và không phục hồi được.
  • Tụ máu cột sống: Một tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống khác chính là tình trạng tụ máu cột sống. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng ở hệ thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong.

Những trường hợp chống chỉ định gây tê tủy sống

Tuy gây tê tại khoang dịch não tủy là một phương pháp giúp quá trình sinh nở trở nên dễ dàng hơn, nhưng không phải ai cũng được đội ngộ bác sĩ chỉ định thực hiện gây tê. Trong một số trường hợp, sản phụ được yêu cầu gây mê thay vì gây tê để tránh để lại các biến chứng. Những đối tượng sau đây không thể áp dụng phương pháp gây tê tủy sống khi phẫu thuật:

  • Đau cột sống
  • Đau đầu
  • Cột sống bị dị tật bất thường
  • Suy dinh dưỡng
  • Có các bệnh tim mạch như suy tim, hẹp khít valve 2 lá, hở valve động mạch chủ nặng, thiếu máu cơ tim
  • Huyết áp không ổn định
  • Dị ứng với thuốc gây tê
  • Người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông
  • Rối loạn đông máu
  • Vùng chọc dò bị nhiễm trùng

đau lưng khi mang thai

Cần làm gì để tránh tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống?

Trước khi gây tê, hãy nói với đội ngũ y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, bạn có đang nằm trong nhóm đối tượng không thể gây tê hay không. Nếu không chắc chắn, bạn có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán trước khi gây tê.

Khi gây tê, sản phụ vẫn có thể trong trạng thái tỉnh táo và biết được chuyện gì đang xảy ra. Vì thế, nếu cảm thấy khó chịu hay đau ở bất cứ đâu, hãy lập tức nói với đội ngũ bác sĩ đang thực hiện gây tê để được kiểm tra ngay lập tức. Khi bác sĩ tiêm, nên nằm im không dịch chuyển để tránh rò rỉ dịch não tủy.

Sau khi sinh, sản phụ nên nghỉ ngơi đầy đủ, không vận động mạnh, ngồi hay đi đứng quá lâu vì lúc này cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục. Có thể vận động nhẹ nhàng, nhờ người nhà xoa bóp để thoải mái hơn. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, áp dụng các phương pháp tập vật lý trị liệu nếu cảm thấy cơ thể bị đau nhức không khỏi.

Nếu có các biến chứng như buồn nôn, khó thở, đau đầu không dứt, nên thông báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị.

sinh em bé

Bất kể phương pháp nào cũng có hai mặt lợi – hại. Vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ nếu bạn muốn chọn phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ để tránh các tác dụng phụ, biến chứng bạn nhé!

Bài viết liên quan