Mẹ và Con - Thuốc tránh thai là một trong những biện pháp ngừa thai phổ biến hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều chị em chưa hiểu hết về tác dụng phụ và cách dùng để mang lại hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe. Và đây là những thông tin rất hữu ích!

Ngày nay, thuốc tránh thai đã có nhiều cải tiến với công nghệ và thành phần lành tính hơn. Thế nhưng thuốc tránh thai sử dụng hàng ngày vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Vậy làm thế nào để đảm bảo hiệu quả ngừa thai mà vẫn an toàn cho sức khỏe. Mời bạn cùng tìm hiểu với Mẹ và Con nhé! 

Tác dụng phụ của thuốc ngừa thai nếu dùng sai cách

Buồn nôn

Đây được xem làm một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc ngừa thai. Phụ nữ thường cảm thấy buồn nôn đến 3 tháng kể từ khi bắt đầu dùng thuốc. Triệu chứng này có thể tệ hơn nếu như chị em sử dụng thuốc khi đói bụng. Chính vì vậy, bạn nên sử dụng thuốc sau khi ăn. Các bạn cũng đừng quá lo lắng nhé, vì buồn nôn sẽ giảm dần sau 3 tháng sử dụng thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai gây đau ngực

Tác dụng phụ này có thể tồn tại một thời gian với các biểu hiện thường gặp như ngực sưng lên và đau khi bạn chạm vào, đối với vài trường hợp thậm chí có thể đau nhức dữ dội. Để giảm đau, bạn có thể mặc các loại áo ngực mềm, hạn chế lượng muối sử dụng trong chế độ ăn và giảm tiêu thụ cả những thực phẩm có caffeine như: cà phê, sô cô la…

Tâm trạng thay đổi thất thường

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc kiểm soát sự sản sinh nội tiết tố trong cơ thể của phụ nữ có thể ảnh hưởng đến độ dày một số khu vực của não, đặc biệt là các bộ phận chịu trách nhiệm về cảm xúc. Chính vì vậy, khi dùng thuốc tránh thai có thể xảy ra tình trạng thay đổi tâm trạng, nếu kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm.

Gây đau nửa đầu

Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp đau nửa đầu sau khi dùng thuốc ngừa thai. Mức độ đau cũng rất đa dạng, tùy vào tỷ lệ thay đổi hormone của thuốc. Những cơn đau này thường sẽ giảm dần khi cơ thể đã bắt đầu quen với thuốc. Thông thường khi chị em uống khoảng 1 – 2 tháng sẽ không còn đau nửa đầu nữa, nếu tình trạng vẫn còn kéo dài bạn nên đến gặp bác sĩ cùng loại thuốc mình đang uống.

uống thuốc tránh thai

Tăng cân không kiểm soát

Tăng cân là một tác dụng phụ phổ biến khác của việc sử dụng thuốc tránh thai. Nguyên nhân gây ra tác dụng phụ này là do sự lưu giữ chất lỏng trong các khu vực của cơ thể như hông và ngực. Tăng nồng độ estrogen trong cơ thể cũng có thể làm thay đổi kích thước và sự phân bố của các tế bào mỡ trong cơ thể. Từ đó, mỡ sẽ tích trữ ở nhiều vị trí trên cơ thể.

Sưng phù một số vùng 

Nhiều chị em sau khi dùng thuốc ngừa thai thường sẽ bị phù nề ở nhiều vị trí như: mắt cá, hông, chân và ngực… đây là một trong những biểu hiện của việc cơ thể đã giữ nước quá nhiều.

Giảm ham muốn tình dục

Tình trạng giảm ham muốn tình dục là một trong tác hại của thuốc ngừa thai. Điều này có thể là do ảnh hưởng của các triệu chứng khác như đau ngực hoặc đau đầu. Bên cạnh đó, thuốc ngừa thai cũng gây ra tình trạng khô âm đạo khiến cho chuyện “chăn gối” trở nên không thoải mái. Nhiều chị em vì tác dụng phụ này mà trở nên ngại khi gần gũi với chồng. Trong trường hợp bạn thấy đau vùng xương chậu sau khi quan hệ, hãy mang thuốc đến gặp bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất.

Gặp một vài vấn đề về da

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể do thuốc tránh thai gây ra, có thể dẫn đến các vấn đề về da như mụn trứng cá, nám và khô da… Sau khi bạn ngưng dùng thuốc một thời gian, da sẽ quay trở lại như cũ, 

Kích ứng âm đạo

Như đã nói ở trên, do sự thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể nên việc tiết dịch sẽ không còn hiệu quả như trước dẫn đến tình trạng khô,  ngứa và khó chịu ở khu vực âm đạo…

Hình thành máu đông trong cơ thể

Tuy đây là một tác dụng phụ không phổ biến nhưng lại rất nghiêm trọng của việc uống thuốc ngừa  thai. Phụ nữ trên 35 tuổi thường xuyên hút thuốc hoặc thừa cân có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn khi dùng thuốc. Các triệu chứng của cục máu đông hình thành ở tim hoặc phổi bao gồm đau ngực và khó thở. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Vậy uống thuốc tránh thai như thế nào cho an toàn?

Đối với vỉ 21 viên

Cách uống vỉ đầu tiên: 1 viên/ngày, từ ngày thứ 1 của chu kỳ kinh nguyệt, liên tục suốt 21 ngày; nếu kinh nguyệt đã xảy ra trong vòng 5 ngày: uống viên đầu tiên vào ngày thứ 5 và tiếp tục 1 viên/ngày cho đến hết vỉ thuốc, dùng kèm bao cao su hoặc kiêng quan hệ trong 7 ngày đầu uống thuốc. Vì 7 ngày đầu này thuốc chưa phát huy hết công dụng, nên tỷ lệ rất cao là vẫn có thai sau khi quan hệ.

Cách uống vỉ kế tiếp: Nghỉ 7 ngày sau khi uống hết vỉ đầu tiên, bắt đầu uống vỉ thứ 2 cho dù kinh nguyệt xuất hiện vào ngày nào.

Đối với vỉ 28 viên

Đối với vỉ 28 viên, ngoài 21 viên chứa hormon tránh thai còn có thêm 7 viên giả dược chứa đường hoặc sắt… chứ không chứa thành phần hormon. Sở dĩ có thêm 7 viên giả dược nhằm giúp người dùng uống thuốc liên tục, tránh quên thuốc.

Cách sử dụng cũng giống như loại vỉ 21 viên: Uống viên thứ nhất vào ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, mỗi ngày 1 viên cho đến hết 28 viên của vỉ thứ nhất thì chuyển sang uống vỉ thứ hai… và cứ tiếp tục uống hết vỉ này thì sang vỉ khác.

Lưu ý “vàng” khi uống thuốc tránh thai hàng ngày

Mặc dù không quy định giờ uống thuốc tối ưu cho bất cứ loại thuốc nào. Tuy nhiên, nên uống vào một thời điểm cố định trong ngày để tránh quên thuốc. Tốt nhất, nên uống thuốc vào buổi sáng, để trong trường hợp quên thuốc thì có thể uống bù một viên vào buổi chiều hoặc tối cùng ngày. Thuốc có thể uống cùng hoặc xa bữa ăn và cần nuốt nguyên viên, có thể sử dụng đồ uống kèm phù hợp nhưng tốt nhất vẫn là nước ấm.

Nếu bệnh nhân muốn thay đổi giờ uống thuốc, nên bắt đầu thay đổi khi uống một vỉ thuốc mới (luôn thay đổi theo hướng tiến thời gian lên) với khoảng thời gian trì hoãn không vượt quá 12 giờ.

Khi đi du lịch ở nước ngoài và có chênh lệch múi giờ, nên tiếp tục uống thuốc theo múi giờ của nước mình. Trong trường hợp không thể thực hiện được có thể thay đổi giờ uống thuốc, nên uống sớm hơn bình thường và không được uống muộn quá 12 giờ.

tác dụng phụ thuốc tránh thai

Nếu bạn đang điều trị bệnh lý khác hoặc đang sử dụng một số thuốc khác thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc tránh thai, vì một số nhóm thuốc dưới đây khi dùng chung với thuốc tránh thai sẽ gây tương tác thuốc, thay đổi hiệu lực của thuốc tránh thai: Thuốc chống lao (rifampicin), thuốc chống động kinh (hydantoin, phenobarbital, carbamazepin), kháng sinh penicillin, tetracyclin và các dẫn xuất, than hoạt và các chất hấp phụ khác, các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, vitamin C, cimetidin, promethazin, các sulfamid kháng khuẩn, các loại hormon tuyến giáp, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc nhuận tràng.

Chị em hãy “note” ngay những thông tin này vào cẩm nang chăm sóc bản thân ngay nhé. Bên cạnh đó, hãy chia sẻ với người thân bạn bè để mọi người biết cách uống thuốc tránh thai đúng, nhằm hạn chế các nguy cơ gặp tác dụng phụ và đảm bảo kiểm soát được việc sinh nở của mình. Chúc chị em luôn vui khỏe!

Bài viết liên quan