Kể từ năm 2019 một chủng virus mới xuất hiện từ phía Đông địa cầu đã gây ra không ít những hậu quả nặng nề. Hiện nay vấn đề miễn dịch bảo vệ cộng đồng và vắc-xin đang được ngày càng được mọi người chú ý. Có ý kiến còn cho rằng việc “đã mắc” COVID19 còn giúp bạn “bất tử” trước dịch bệnh này và “ai rồi cũng thành F0”. Thực hư câu chuyện này thế nào? Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
Mắc bệnh COVID19 nguy hiểm ở đâu?
Kể từ lúc “vẫy tay chào thế giới” tính tới thời điểm tháng 1 năm 2022, theo báo cáo của WHO, COVID-19 đã gây ra hơn 5,5 triệu “cuộc chia ly” ở khắp các lục địa. Còn riêng ở Việt Nam, tính đến hôm nay số lượng ca trở nặng và phải về “bằng cổng sau bệnh viện” đã lên đến 34.964 ca bệnh.
Phần lớn những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nặng mà cần phải dùng đến các phương pháp hồi sức nâng cao, đều có những tấm phim x-quang phổi không hề “đẹp”. Tuy nhiên, các rối loạn chủ yếu của SAR-CoV 2 gây ra cho cơ thể bạn không chỉ riêng ở phổi mà còn ở hầu hết những hệ cơ quan trọng yếu của cơ thể như tim, gan, thận… và làm nặng các bệnh lý mạn tính sẵn có.
Không dừng lại ở đó, SARS-CoV 2 còn thay đổi bộ gen liên tục. Cụ thể là sự xuất hiện của biến chủng Omicron vốn đã thay đổi rất nhiều từ chủng beta (tháng 12/2019) và delta (đợt bùng phát dịch gần nhất), góp phần tạo thêm “công ăn việc làm” cho các bác sĩ chống dịch. Và mới hơn nữa là tại cộng hòa Síp (Cyprus) vừa ghi nhận các ca bệnh nhiễm biến thể Deltacron – một phối hợp giữa chủng Delta và Omicron.
Miễn dịch do vắc-xin và do đã mắc bệnh COVID19: Ai lợi hại hơn?
Dạo gần đây có rất nhiều cuộc bàn tán xoay quanh câu chuyện “bất tử” nhờ vào quá trình miễn dịch tự nhiên. Nhưng bạn biết không, sự thật là không có lời đảm bảo nào với việc miễn nhiễm với loại siêu vi này cả. Kể cả khi bạn đã mắc bệnh COVID19 trước đây, thì thực tế tại các bệnh viện điều trị COVID19 vẫn ghi nhận nhiều trường hợp tái nhiễm, thậm chí là có bệnh nhân ở mức trung bình đến nặng.
Vậy câu hỏi đặt ra… Liệu miễn dịch tự nhiên có thực sự có nhiều ưu điểm hơn miễn dịch do vắc-xin COVID19? Khi đặt câu hỏi này cho hiệp hội miễn dịch Anh Quốc, các chuyên gia đều thống nhất cho rằng:
Nếu hệ miễn dịch của bạn chưa từng gặp COVID19 lần nào, bạn nên được tiêm vắc xin!
Với hệ miễn dịch tự nhiên, bạn có thể chỉ mắc thể nhẹ trong gần 80%, tuy nhiên tỉ lệ tiến triển nặng gây đe dọa tính mạng lại rất cao (20%). Đồng thời khả năng lây lan cho người gần bạn là cực kỳ lớn.
Khác biệt một chút, với hệ miễn dịch do vắc xin, tỉ lệ bệnh chuyển nặng giảm đi hơn 50% so với hệ miễn dịch tự nhiên. Lý do đằng sau kết quả này là hệ miễn dịch của bạn đã được nhận một lượng kích thích vừa đủ và có kiểm soát. Điều này tạo điều kiện cho sự sinh kháng thể mà không phải “chịu đựng” toàn bộ nguy cơ do bệnh gây ra.
Loại miễn dịch nào có đáp ứng mạnh hơn khi bạn gặp SARS-CoV 2 trong tương lai?
Dù là tiêm vắc-xin hay mắc bệnh COVID-19, bạn đều sẽ có kháng thể sau đó. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, lượng kháng thể sinh ra sau khi bạn mắc bệnh có thể tồn tại ít nhất 6 tháng trong máu.
Tuy nhiên, tùy theo cơ địa từng người mà lượng kháng thể này tồn tại đủ lâu hay đủ mạnh để bảo vệ bạn khi “vô tình” “Cô-vi” lại đến chơi. Trong đó có 2 lý do khiến lượng kháng thể này không đảm bảo sức khỏe cho bạn:
- Tuổi tác là một nguyên nhân (Ở người lớn tuổi, sự lão hóa đã làm hệ miễn dịch không tạo ra đủ kháng thể, hoặc ở trẻ em khi các tế bào sinh miễn dịch chưa hoàn chỉnh để tạo ra đủ lượng kháng thể sau quá trình hồi phục)
- Các tình trạng bệnh lý nền gây giảm đề kháng: Bệnh mạn tính của tim, gan, thận, tiểu đường, dùng thuốc corticosteroid lâu dài,…
Hầu hết các khuyến cáo hiện nay, đều khuyên bệnh nhân đã mắc bệnh COVID-19 nên tiêm bổ sung vắc-xin để đảm bảo đội quân kháng thể trong người luôn ở trạng thái sẵn sàng.
Bạn sẽ được bảo vệ trong bao lâu?
Đây là một vấn đề có rất ít nghiên cứu, nhưng dựa trên những gì đã nghiên cứu được, thì các chuyên gia thấy rằng, miễn dịch tự nhiên sẽ giảm dần theo thời gian. Nhất là khi bạn mắc bệnh thể nhẹ.
Riêng báo cáo của các quốc gia đã tiêm 2 mũi hoặc 3 mũi vắc-xin thì tỉ lệ bệnh nhiễm mới giảm đi rõ như ban ngày.
Hệ miễn dịch nào sẽ bảo vệ bạn trước các biến chủng mới?
Đây là một ưu điểm khiến khả năng bảo vệ do vắc-xin trở nên đắt giá. Với đáp ứng miễn dịch tự nhiên, cơ thể của bạn sẽ “học hỏi” con virus được tạo ra thế nào. Các kháng thể tạo ra sẽ đánh vào những đặc điểm mà cơ thể nhận ra được. Thế nhưng khi gặp một biến chủng mới, cơ thể bạn không thể nhận ra sự khác biệt này. Và tình trạng bệnh của bạn sẽ diễn tiến như chưa từng có cuộc chạm trán nào trước đây.
Trái ngược hoàn toàn, các đặc điểm được chọn lựa khi thiết kế vắc-xin là những đặc điểm chung của 1 họ virus. Vì thế khi gặp một biến chủng mới mà không quá khác biệt với loại vắc-xin bạn dùng, thì cơ thể của bạn vẫn có thể tự bảo vệ khỏi biến chủng mới. Hiện nay các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho hay, những biến thể mới của SARS-CoV 2 tuy nhiều nhưng bạn vẫn có thể được bảo vệ bởi vắc-xin hiện có.
Một khi đã mắc COVID19 – cơ thể bạn đã không còn “ngon” như trước
Gần đây nhất từ Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022, trích lời Phó giám đốc bệnh viện Gia Định: “Một số thống kê ghi nhận khoảng 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính của bệnh, trong đó 20% người bệnh phải tái nhập viện, 80% người bệnh phải theo dõi chăm sóc trong vòng hai tháng sau xuất viện”. Đúng vậy, mối quan tâm của ngành y tế các quốc gia đều hướng đến các biểu hiện “hậu COVID” hay hội chứng COVID kéo dài (long-COVID).
Có rất nhiều quan điểm cho rằng, việc mắc các biểu hiện hậu COVID-19 chỉ xảy ra ở người có sức đề kháng chưa được tốt. Tuy nhiên bằng chứng trên bệnh nhân thật thì không ủng hộ điều đó. Các nghiên cứu của các quốc gia đều có kết quả cho thấy biểu hiện kéo dài sau khi mắc COVID19 lại gặp nhiều ở
- Người trẻ tuổi (⅕ số bệnh nhân có độ tuổi từ 18 – 34 tuổi)
- Mắc bệnh nhẹ (không nhập viện, không triệu chứng)
Như vậy có nghĩa là kể cả khi bạn không bị nặng, thì điều đó không đồng nghĩa với việc phổi và các cơ quan trong cơ thể bạn không bị tổn thương. Do đó tốt nhất là không nên đương đầu trực tiếp với loại virus này.
Những nguy cơ chưa lường trước khi trẻ em mắc COVID19
Hệ miễn dịch của trẻ em hoạt động một cách khác biệt với người lớn. Hầu như những nguyên tắc y khoa cho các bé đều phải được xây dựng riêng và nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi công bố. Vì trẻ em không phải là đối tượng được đem vào làm nghiên cứu một cách thường quy.
Các kết quả mới nhất của Dịch vu Y tế Quốc gia Anh Quốc về vắc-xin trên trẻ em tuổi từ 12-15 đã được chứng minh là an toàn khi sử dụng. Cũng vì kết quả này mà Việt Nam cũng đang triển khai những chiến lược mới trong tiêm phòng vắc-xin COVID19 cho trẻ.
Mặc dù câu hỏi COVID19 ảnh hưởng thể nào đến con trẻ còn là một ẩn số lớn. Tuy nhiên nếu COVID19 có thể để lại nhiều ảnh hưởng xấu lên sức khỏe của người trưởng thành, thì chúng ta nên bảo vệ những thiên thần nhỏ của mình trước bệnh dịch này.
“Chủ động” mắc COVID19 để “bất tử”: Nên hay không?
Thời điểm bước vào giai đoạn bình thường mới, ai ai cũng đang quay lại với cuộc sống vội vã trước đây thì trào lưu “Ai rồi cũng thành F0” cũng dần trở nên sôi nổi. Nhiều người đã tin rằng việc nhiễm SARS-CoV 2 sẽ cho “bổ sung” một liều vắc-xin vừa xịn vừa mạnh.
Nhưng điều đó đều được các bác sĩ và chuyên gia miễn dịch học khẳng định là chưa chính xác!
Với những thành quả của y học hiện đại, việc phòng ngừa và nâng cao sức đề kháng của bạn với vắc-xin gần như là một phương châm tối ưu nhất trong thời điểm hiện tại.
Một số phương pháp tăng cường sức đề kháng
Đi đôi với việc dùng vắc-xin để bảo vệ bản thân, bạn có thể nâng cao sức đề kháng với một số mẹo nhỏ sau đây:
Giữ cơ thể tránh xa căng thẳng mệt mỏi
Stress hay căng thẳng là một trong những yếu tố khiến sức đề kháng của bạn bị trì trệ. Khi bạn căng thẳng mệt mỏi, những căng thẳng đó tạo một hiệu ứng lên cơ thể của bạn chúng khiến tim bạn đập nhanh và tinh thần tập trung. Để loại bỏ những căng thẳng này, tuyến thượng thận của bạn sẽ tiết ra cortisol (một loại glucocorticoid). Tuy nhiên ở nồng độ cao lâu dài, cortisol sẽ thực hiện chức năng ức chế miễn dịch của mình.
Một số gợi ý thay đổi lối sống mùa COVID19 để bạn có thể tránh xa căng thẳng bao gồm:
- Tập thể dục trung bình 30 phút mỗi ngày
- Ngủ từ 7-8 giờ mỗi đêm
- Thiền
- Đọc một cuốn sách
- Suy nghĩ tích cực
- Sử dụng một số loại thực phẩm giảm căng thẳng
Một chế độ ăn đa dạng dưỡng chất và vitamin
Chế độ ăn hợp lý giúp cung cấp đủ nguyên liệu cho một cơ thể khỏe mạnh, nhất là trong mùa dịch. Có rất nhiều công thức để tạo nên một mâm cơm đầy đủ dưỡng chất, nhưng bác sĩ sẽ khuyên bạn lưu ý một số thông tin sau:
- Hạn chế béo và đường bột
- Tính lượng Calo bạn ăn vào cẩn thận để tránh béo phì
- Nên có nhiều thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất. Chẳng hạn như Vitamin C (Cam, quýt, kiwi…) Vitamin A (Bí đỏ, cà rốt…)
Ngoài ra sẽ có một số loại thực phẩm như tỏi tươi, gừng, sữa lên men, kombucha, súp gà hấp,… vừa dễ làm vừa có thể giúp bạn tăng sức đề kháng chống lại bệnh lặt vặt và nhiễm trùng.
Tránh các chất kích thích
Một ly rượu vang mỗi ngày giúp thúc đẩy chuyển hóa trong cơ thể. Tuy nhiên với một lượng nhất định thì các chất này mới có ích cho sức khỏe của bạn. Khi dùng quá nhiều thì cồn sẽ gây ức chế hoạt động của bạch cầu và làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể.
“Yêu lành mạnh” cũng làm tăng sức đề kháng
Một số nghiên cứu cho thấy, khi bạn “yêu” một đến hai lần một tuần sẽ giúp tăng cường các immunoglobulin A (IgA) cao hơn khi bạn ít “yêu” hơn. Đồng thời, việc dành thời gian “gần gũi” nhau cũng là một cách để giúp bạn xua tan những căng thẳng, vừa cải thiện giấc ngủ, vừa hâm nóng tình cảm vợ chồng.
Trong những ngày tết khi có nhiều thời gian bên nhau, tại sao không “tăng sức đề kháng” một chút nhỉ?
“Chủ động” mắc bệnh COVID19 có lẽ không phải là một việc nên làm, khi so sánh với những ưu và bất lợi mà việc này mang lại. Thay vì vậy chúng ta có thể tăng cường hệ thống miễn dịch đi đôi với vắc-xin bảo vệ. Với những mẹo nhỏ này hi vọng có thể giúp bạn có thể đón một cái Tết trọn vẹn bên những người thân yêu.