Mẹ&Con – Những dấu vết rạn nứt giữa vợ chồng bạn ngày một lớn hơn. Bạn như muốn phát điên, lúc nào cũng chỉ ám ảnh với ý nghĩ: Chẳng lẽ phải kết thúc sao? Ly hôn lúc này có phải là cách tốt? Bình tĩnh đã! Hãy luôn ghi nhớ rằng xây mới khó, chứ “phá” thì dễ biết bao nhiêu.

Đứng chông chênh trên bờ vực thẳm của hôn nhân lúc này mà “thoát” được, vượt qua được để giữ lại mái ấm của mình cho bản thân và cho bé yêu, mới là chuyện cần làm – dù khó!

Đừng vội nghĩ đến từ “ly hôn”!

Ngẫm lại thử cuộc sống hôn nhân của mình, chắc chắn chỉ có một tỷ lệ rất rất rất hiếm hoi người hoàn toàn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện “chia tay”. Mặn nồng là thế, yêu thương là thế, nhưng đùng một cái, có những nguyên nhân nảy sinh và bạn không giải quyết nổi, nó cứ thế cuốn bạn đi, cuốn bạn đi như một cơn lốc. Để rồi đến lúc bước chân bạn dừng lại được, thì bạn đã thấy mình… mấp mé đứng trên bờ vực của hôn nhân!

Diệu Nhi – một người vợ tuổi “băm” nhớ lại: “Khoảng thời gian đó thật khủng khiếp. Tôi ghen đến mức muốn kiệt sức, đêm đêm mất ngủ. Tôi cự cãi điên cuồng với chồng và anh bỏ nhà đi sang nhà cô nhân tình kia. Tôi gọi điện, anh tắt máy. Trong tôi lúc đó chỉ còn cảm giác tổn thương và… căm thù. Yêu thương cạn kiệt. Tờ giấy ly hôn đã sẵn sàng. Tôi chỉ muốn giải thoát cho mình khỏi cơn sốc kinh hoàng này. Nhưng may mà bạn thân của tôi ở bên kịp lúc!”.

Vâng, khoan phân tích đến chuyện người bạn thân đã… làm gì, chỉ loáng thoáng nghe những mô tả này thôi, bạn đã nhận ra “bóng mình” trong đó! Có những thời điểm, vì một nguyên nhân nào đó, bạn cảm thấy như hôn nhân của mình đã đến bước cuối cùng. Trải lòng lên vài diễn đàn, bạn nhận được đầy ắp những lời khuyên: “Thôi, giải tán đi! Thật không thể hình dung nổi…”, “Sao lại có thể tiếp tục như thế chứ?”, “Chia tay đi em ạ, sống như thế này có khác gì địa ngục…”.

Nhưng bạn biết không, lời khuyên của chuyên gia tâm lý lại là: “Đừng (vội) nghe những gì… người ngoài nói!”. Người ngoài cuộc, nhất là những người lạ chỉ nghe tâm sự một chiều rất khó hiểu hết vấn đề của bạn. Tâm lý đã bất ổn, nghe thêm những lời khuyên “chịu hết nổi” như thế, bạn có thể càng bị thôi thúc nghĩ đến chuyện ly hôn. Song thực tế ly hôn trong lúc mất bình tĩnh thế này chỉ là sự trốn tránh nhất thời thôi, và khi bình tĩnh lại, có thể bạn sẽ phải hối tiếc vì quyết định của mình.

Không phải là tất cả, nhưng có một tỷ lệ khá lớn các đôi vợ chồng sau khi “giải tán” đã nói… giá như! Có những trường hợp, ly hôn là cách ổn thỏa nhất để chấm dứt những bất đồng, những nỗi đau. Nhưng bạn nghĩ lại mà xem, không phải chỉ có hai vợ chồng! Bé yêu bao giờ cũng chính là “nạn nhân” tội nghiệp nhất của cảnh gia đình chia ly.

Và không ít người, chỉ sau vài năm đã hối tiếc nhìn lại chặng đường mình đã qua, chia sẻ chân thành với chuyên viên tư vấn: “Phải chi ngày đó tôi chín chắn hơn, bình tĩnh hơn…”, “Phải chi tôi được quay ngược lại thời gian, có lẽ tôi đã xử trí tốt hơn, bởi vì tôi vẫn còn yêu vợ / chồng mình lắm!”.

Rõ ràng, khi đứng trên bờ vực của hôn nhân, cách tốt nhất không phải lúc nào cũng là… buông tay nhảy xuống!

Thoat bo vuc tham

(Ảnh minh họa)

Làm sao để “yêu lại từ đầu”?

Trở lại câu chuyện của chị Diệu Nhi, người vợ được nhắc đến ở phần trên. Vào thời điểm đang điên cuồng với những cơn ghen dẫn đến hàng loạt cư xử thiếu kiềm chế, chị may mắn thổ lộ được hết nỗi lòng với một người bạn thân. Người bạn thân chỉ đưa ra một lời khuyên duy nhất: Khuyên chị hãy bình tĩnh, không xúc phạm chồng, không gọi điện nhắn tin, không làm ầm lên với hai gia đình nữa.

“Tôi viết một email ngắn cho chồng theo tư vấn của bạn, bảo rằng em đang rất bất ổn và cần lên Đà Lạt nghỉ ngơi ít ngày để ổn định tinh thần, suy nghĩ lại mọi thứ. Bao giờ em về, mình sẽ nói chuyện sau. Rồi bạn tôi kéo tôi đi. Hơn 10 ngày ở Đà Lạt, không điện thoại, không tin nhắn, tôi cố gắng ngủ, nghỉ ngơi, ăn uống và tâm sự với bạn mình. Ngày đầu tôi khóc vật vã, ngày thứ hai giảm dần, ngày thứ ba càng ít hơn…

Lòng tôi bình lặng lại. Tôi cùng bạn ngồi hàng vài tiếng đồng hồ trong quán cà phê, giữa tiếng nhạc nhẹ nhàng, ngồi phân tích lại xem mình còn yêu chồng không, giải pháp nào sẽ tốt nhất lúc này…”, chị chia sẻ.

Tất nhiên, để vượt qua được mọi thứ thì không đơn giản chỉ mười ngày. Chị và chồng còn mất cả một khoảng thời gian rất dài sau đó để chắp nối lại từng mảnh vỡ, để đến giờ còn có một cuộc sống êm đềm bên nhau. Thế nhưng, với chị, mười ngày ấy là một khoảng lặng đáng giá! “Tôi nghĩ vào thời điểm mối quan hệ của cả hai đang cùng cực căng thẳng, đừng đưa ra bất kỳ quyết định nào, cũng đừng vội vã thốt ra từ ly hôn.

Nếu chia tay, hãy chia tay khi bạn đã suy nghĩ thật kỹ, đã cho mình có được những cái nhìn thấu đáo về tình cảm của bản thân, đã suy nghĩ trọn vẹn cho con cũng như cho người bạn đời. Có như thế, mới không nuối tiếc!”.

Chuyên gia tư vấn Trần Thị Minh Hạnh (Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) khuyên nhủ: “Trong lúc gay cấn nhất, điều nên cố gắng làm là giữ bình tĩnh, không vội dồn nhau đến bước đường cùng để rồi đưa ra những quyết định gây nuối tiếc về sau. Đừng nghĩ đến những chuyện khiến bạn tức giận mà hãy nghĩ đến những tình cảm yêu thương đã từng dành cho nhau, suy xét thật sâu xem còn có thể cứu vãn không.

Nếu cần thiết, hãy nhờ bạn thân, người thân, hoặc một chuyên gia tâm lý cùng phân tích với mình. Bình tĩnh và ôn hòa, bạn sẽ giữ được tình huống trong tầm kiểm soát của mình. Luôn nhớ rằng có những trường hợp ly hôn là cách tốt nhất. Nhưng có những trường hợp, nếu vội vàng tìm đến ly hôn như cách né tránh tình trạng tạm thời, bạn sẽ nuối tiếc về sau…”.

Một lời khuyên khác khá hữu ích là thay vì giáp mặt trong lúc không thể kiềm nén, bình tĩnh, bạn có thể viết một email cho người bạn đời của mình (nhưng đừng vội gửi). Ngủ một giấc, thức dậy ngày hôm sau, hãy đọc lại lá thư ấy để “chỉnh sửa” nó lần nữa, bớt đi những lời nói làm tổn thương. Bằng cách này, vợ chồng có thể chia sẻ cho nhau những suy nghĩ chân thật của mình, thay vì chỉ hầm hầm… quát mắng nhau và làm tổn thương nhau thêm.

“Chẳng ai muốn đứng trước bờ vực hôn nhân, nhưng hình như hầu hết các đôi vợ chồng đều có tối thiểu một lần trong đời phải… ở trong tình cảnh này! Xử trí sao vào lúc dầu sôi lửa bỏng đó là một kỹ năng. Với tôi, tôi đã chọn cách nấu những bữa cơm, với các món mà chồng thích. Tôi lặng lẽ làm như thế, suốt một tuần liền.

Chúng tôi không nói gì với nhau, cũng không ăn cơm chung. Nhưng ngày nào anh về, mở lồng bàn cơm, anh cũng có thể cảm nhận rằng tôi vẫn yêu anh. Sau một tuần, chồng tôi bảo tôi: Mình nói chuyện đi em. Và sau cuộc nói chuyện ôn hòa (dù vẫn đầy nước mắt) ấy, chúng tôi làm lành với nhau, nỗ lực đắp lại từng chút từng rạn nứt.

Bây giờ, nhìn các con vui đùa bên bố ngày cuối tuần, nhìn cách anh chăm sóc cho gia đình, tôi thật sự mừng là ngày đó mình đã đủ bình tĩnh để thứ tha. Ly hôn là từ cuối cùng nên nói ra – là chọn lựa cuối cùng, chứ không bao giờ nên là từ đầu tiên bạn thốt ra, trong một lúc quá giận dữ và tổn thương nào đó…”.

Lời chia sẻ chân thành này của một người vợ hẳn đáng để bạn cùng suy ngẫm.

Tags:

Bài viết liên quan