Mẹ&Con – Bắt chước không chỉ đơn thuần là một hành động lặp lại. Đó còn là bước đệm để bé phát triển các kỹ năng và rất cần sự giúp đỡ của ba mẹ.

Với trẻ em, “bắt chước” là điều được khuyến khích, thậm chí người lớn còn tỏ ra thích thú khi trẻ có thể bắt chước giống y một thứ gì đó. Nguyên nhân vì bắt chước chính là điểm then chốt trong quá trình phát triển của bé, là cách học cơ bản nhất, và đối tượng được bé “chọn” để bắt chước không ai khác chính là cha mẹ. Bạn thấy sao khi nhất cử nhất động của bạn đều được cục cưng ghi nhớ và làm theo y chang?

Khả năng bắt chước bẩm sinh

Ngay từ khi ở trong bụng mẹ, bé đã “sao chép” lại những hành động và âm thanh mẹ truyền tới (mẹ xoa bụng, bé cũng bắt chước bằng cách đạp bụng mẹ). Khi ra đời, khả năng bắt chước của bé được thể hiện qua lời nói, hành động. Bạn có nhận thấy khi mình thì thầm trò chuyện với con, bé sẽ đáp lại bằng những âm thanh không rõ ràng, hay như hành động le lưỡi trêu đùa của bạn cũng được bé nhiệt tình đáp lại.

Giai đoạn còn ẵm ngửa, trẻ không thể phân biệt được đâu là mẹ, đâu là chính mình, nên thường vô thức lặp lại chính xác những gì mà bạn làm. Nhưng khi lớn hơn một chút, trẻ sẽ có những bước phát triển về khả năng bắt chước, không còn là phản ứng một cách tự động nữa. Khi được khoảng 2 tuổi, trẻ bộc lộ ý muốn làm theo những gì cha mẹ làm nhưng chưa thể, như là nói chuyện điện thoại, nấu ăn, cho em bé ăn. Đây là một bước tiến quan trọng trong nhận thức của trẻ, bé bắt đầu hiểu ra rằng hành động bắt chước của mình mang một ý nghĩa nào đó.

Bạn cần biết rằng khả năng bắt chước là nền tảng để phát triển các kỹ năng cơ bản của trẻ. Cách bé lặp đi lặp lại một điều gì đó bạn nói là để phát triển kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ. Hay như hành động bắt chước mẹ xoay nắm cửa đóng mở cũng là giúp bé phát triển kỹ năng vận động. Thật khó cho một đứa trẻ 1 tuổi có thể ngồi nghe mẹ giảng giải về cách đóng mở cửa nhưng việc quan sát và làm theo lại dễ dàng với bé hơn rất nhiều.

Một lợi ích nữa của việc bắt chước là góp phần phát triển trí nhớ và khả năng tưởng tượng, sáng tạo của trẻ. Nếu là bé gái thì việc bắt chước mẹ gọt, rửa rau củ quả là một điều vô cùng thích thú. Bạn xem, bé sẽ làm y như vậy để nấu một nồi canh cho chú gấu bông của bé ăn đấy. Ở đây, não bộ của trẻ được kích thích tối đa, vừa phải vận động trí nhớ để xem mẹ đã từng làm như thế nào, vừa tự sáng tạo ra một cách làm của riêng mình.

Tre bat chuoc

Ảnh minh họa

Trong độ tuổi khoảng 18 tháng, trẻ sẽ mở rộng đối tượng bắt chước: đó là bạn bè của bé. Bạn hãy để ý một nhóm các bé đang tuổi tập đi khi cùng ngồi chơi với nhau. Các nhóc tì làm quen với nhau chủ yếu bằng cách bắt chước nhau. Không như các bé lớn hơn có thể nói “Tụi mình chơi bóng đi” để rủ nhau chơi thì trẻ đang tập đi chỉ có thể dùng động tác và biểu hiện trên khuôn mặt để “nói chuyện”. Ví dụ, nếu một cu cậu nào đó hứng chí bắt đầu nhún nhảy trên tấm đệm, những trẻ khác thử làm theo và thấy rằng thật vui. Một bé khác “sáng tạo” vừa nhảy vừa cầm đồ chơi, mấy bé khác lập tức làm theo. Thông qua hành động bắt chước người khác, trẻ đang dần hình thành ngôn ngữ của mình.

trẻ chơi

Ảnh minh họa

Phát huy lợi ích từ việc bắt chước

Vai trò của mẹ trong việc phát huy khả năng bắt chước của bé là vô cùng quan trọng. Có nhiều cách để mẹ đồng hành cùng bé trong giai đoạn quan trọng này.

Cách đơn giản nhất là hát những bài mà động tác múa và lời bài hát liên quan với nhau, như là Bé tập đếm, Một con vịt, v.v. để giúp bé phát triển kỹ năng nhận thức và điều khiển hành động của mình. Những động tác bắt chước khi mẹ hát của bé chắc chắn rất ngộ nghĩnh và không giống cái gì nhưng hãy khen bé để con có động lực tiếp tục làm theo.

Mẹ cũng có thể giúp bé phát triển kỹ năng tự chăm sóc bản thân bằng cách để bé nhìn mẹ đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo vào mỗi buổi sáng và động viên bé đứng cạnh làm theo. Cũng có một vài ý tưởng thú vị khác như là: sắm cho bé bộ đồ chơi làm vườn, nấu ăn, quần áo để bé làm theo hoạt động mỗi ngày của mẹ hoặc bố.

Khi bé phát triển ngôn ngữ nói của mình, mẹ hãy động viên bé tự sáng tạo câu chuyện của riêng mình. Khi bé bắt chước mẹ nấu canh, hãy hỏi bé xem bé thích bỏ gì vào nồi canh, bé làm món canh này cho ai, v.v.. Cứ thế, bạn hãy thêm thật nhiều câu hỏi và trò chuyện cùng con để khả năng sáng tạo của bé được phát triển tối đa.

Trẻ tìm hiểu

Ảnh minh họa

Điểm ghi nhớ cuối cùng dành cho mẹ là bé đã bắt chước bạn nhiều rồi, vậy tại sao không “lật ngược” tình thế, bạn trở thành người “bắt chước” bé. Điều này sẽ giúp bé hình thành sự tự tin và sau đó cảm nhận được giá trị của bản thân.

Tags:

Bài viết liên quan