1. Luôn ghi nhớ: “Bé có thể bị tác động bởi ngoại cảnh”
Trẻ con học theo mọi người xung quanh rất nhanh, đặc biệt là bạn bè trang lứa. Vì vậy, mẹ hãy khéo léo dò hỏi và tìm hiểu xem, bé thường chơi với bạn nào (bạn hàng xóm, bạn cùng lớp…) để biết bạn của con mình có tính thích “gây chiến” như: Đánh bạn, giật tóc bạn… hay không. Nếu có, bạn hãy tìm cách để trẻ không tiếp xúc nhiều với bạn này bằng những lời giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu chứ không phải đột nhiên cấm con chơi với bạn ngay lập tức.
2. Lên “dây cót” tinh thần cho bé
Mẹ cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho bé trước ngày bé “chính thức” tiếp nhận em mình. Thời gian mang thai cũng là lúc thích hợp để mẹ trò chuyện với bé về em. Mẹ hãy nói cho bé biết em sẽ giống bé như đúc… Lúc mẹ dắt bé đi lựa đồ cho em, hãy chỉ cho bé thấy hình ảnh của em cũng “tựa tựa” như trên sách, báo… Mẹ hãy cho phép bé được sờ bụng mẹ và nói “Chúc ngủ ngon” với em, tâm sự to nhỏ với em và chỉ cho bé nói những lời căn dặn của người sắp làm anh/chị với em mình: “Em ngoan, đừng đạp để mẹ ngủ nha! Khi nào ra, anh/chị dắt em đi chơi!”. Dần dần, bé sẽ quen với sự hiện diện của em và sẽ không bị “sốc” khi em ra đời.
Làm chị khó lắm phải đâu chuyện đùa? – Ảnh minh họa
3. Tác động về tình cảm
Tâm lý của các bà mẹ là đứa con thứ 2 còn nhỏ nên quy luật tất yếu sẽ là: Đứa lớn nhường cho đứa nhỏ. Thói quen này lặp lại nhiều lần sẽ khiến đứa lớn có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi và càng cư xử thô bạo với em hơn. Vì vậy, thay vì áp dụng quy luật này thì bạn nên sắp xếp thời gian bằng nhau cho các con. Nếu đứa nhỏ mắc lỗi thì mẹ cũng đừng ngai la mắng, đây cũng là cách để xem phản ứng “làm anh, làm chị” của đứa con lớn.
4. Tránh những lời nói có hàm ý “so sánh”
Không chỉ người lớn mà ngay cả đối với trẻ con cũng luôn có tính cạnh tranh, thích hơn thua với bé khác. Nếu chỉ vì trong lúc giận, mẹ lỡ thốt ra: “Sao con không ngoan như em con được vậy?” hay đại loại là những câu có hàm ý so sánh khác, thì mẹ đã vô tình làm tổn thương lòng tự trọng và sự kiêu hãnh của bé. Nhất là đối với bé khi sinh ra đã buộc phải làm anh/chị của em nhỏ, nếu mẹ có ý chê bai bé không bằng em mình, mẹ cũng đã vô tình khiến cho em coi thường anh/chị mình. Và như thế, các cuộc xung đột của 2 bé nhà bạn chỉ còn là vấn đề thời gian.
5. Làm gương cho con
Trẻ con bây giờ rất thông minh và nhạy bén, chúng có thể hiểu được những gì nên và không nên thông qua những lời kể của bố mẹ. Chính vì thế, lối sống và hành động của bố mẹ có sức ảnh hưởng lớn nhất đến suy nghĩ và nhận thức của con cái sau này. Nếu mẹ muốn bé trở nên “mẫu mực” trong mắt em thì trước hết những người lớn trong nhà phải là tấm gương tốt. Bé không thể thôi “đấu đá” với em nếu cả ngày mẹ cứ giành giật đồ đạc với lớn tiếng chửi hàng xóm.
6. Công bằng với cả 2 con
Khi ba mẹ hành xử công bằng với 2 bé như: Chia đều bánh cho 2 bé, la rầy bé lớn thì phải nhắc nhở bé nhỏ không được tái phạm như anh/chị.… Đương nhiên, sẽ chẳng có sự ganh đua hay tranh giành khi cả 2 đều có như nhau. Tuy nhiên, lâu lâu bạn cũng cần tạo ra sân chơi cho 2 bé để cả 2 có dịp so tài cùng nhau, qua đó kích thích trí não tư duy cho trẻ bằng các trò chơi nho nhỏ mà cả gia đình có thể cùng tham gia như: Hát nối chữ, đố vui… Một khi trẻ được yêu thương thì chúng sẽ thể hiện tình yêu với người khác.
Hãy đối xử công bằng với cả 2 con. Một khi trẻ được yêu thương thì chúng sẽ thể hiện tình yêu với người khác – Ảnh minh họa
7. Cho bé thấy bé được “nhiều” hơn em
Như đã nói, bé nào cũng thích ganh đua, thế nên bé lớn cũng sẽ vui khi biết mình có nhiều hơn em. Đơn giản như mẹ mua búp bê cho em gái và mua ô tô đồ chơi cho anh trai thì đừng quên thỏ thẻ với bé lớn: “Ô tô này mắc tiền hơn búp bê của em Na nữa, mẹ phải chọn kĩ lắm mới được chiếc này đấy, em Na không được như vậy đâu!”. Bé nhất định sẽ cảm thấy mình được cưng chiều hơn em nên sẽ tỏ ra phấn khích và thương cảm cho em mình hơn.
8. Mẹ nói thay lời em
Khi bé lớn có dịp đi chơi xa, mẹ đừng quên hỏi thăm con qua điện thoại và “báo cáo” tình hình của em, thi thoảng dò hỏi: “Anh Bi đi lâu quá, em Na nhớ anh Bi đến nổi không chịu ngủ luôn. Anh Bi có nhớ em Na không nè?”. Cách “thay lời muốn nói” này sẽ khiến bé lớn cảm nhận được mình quan trọng như thế nào với em mình.
9. Khuyến khích bé bảo vệ em
Trong mỗi câu chuyện mẹ hay kể cho bé mỗi đêm trước khi ngủ, mẹ đừng quên nói với bé lớn: “Em Na còn nhỏ lắm, ra ngoài đường thể nào cũng bị bắt nạt. Thế anh Bi có bảo vệ em không nè?”. Như vậy, mẹ đã ngầm nhắc nhở bổn phận làm anh của bé rồi đấy!
10. Chơi chung
Dĩ nhiên cùng nhau chơi chung sẽ dễ xảy ra “chiến tranh” nhưng đó cũng là cách để bọn trẻ hiểu nhau, vun vén yêu thương và học các kỹ năng xã hội. Vì vậy, ba mẹ nên dành thời gian chất lượng để có thể vui chơi cùng con, qua đó nhắc nhở anh phải luôn làm gương cho em, tránh bắt nạt và giành đồ chơi của em.
11.Dạy cho trẻ hiểu “đồ vật ít quan trọng hơn con người”
Đứa trẻ nào cũng mê chơi và chúng quan niệm những gì chúng có thực sự là của chúng, bất kể là đồ chơi, bạn bè hay… chỗ ngồi. Vì vậy, mẹ cần nhiều thời gian gần gũi với con vì khi hiểu rõ tính cách của bé thì việc dạy trẻ làm anh/chị gương mẫu cũng dễ dàng hơn. Đồng thời, mẹ cũng cần dạy cho trẻ hiểu đồ vật ít quan trọng hơn những người đem lại cho chúng về niềm vui, tình yêu thương, nhất là đối với đứa em bé bỏng của mình. Hướng dẫn bé lớn nên chia sẻ thứ gì đó cho em, dành thời gian bên em, như vậy trẻ sẽ không bao giờ bị người khác ghét bỏ.
12. Tạo mối liên kết giữa hai anh em
Mẹ hãy dạy cho trẻ hiểu được sự phụ thuộc vào nhau bằng cách giao cho các con cùng một công việc để làm với nhau và khuyến khích bé lớn hãy giúp đỡ bé nhỏ để hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc trong các trò chơi gia đình, mẹ hãy sắp xếp để các bé cùng về một phe. Những sinh hoạt như vậy sẽ giúp trẻ nhận ra chúng không đơn độc và phải cần nhau.
Hai chị em được mẹ tập cho làm việc nhà – Ảnh minh họa
Mẹ Lâm Thị Kim Thoa (ngụ Q. Gò Vấp)
“Tôi có một con trai 10 tuổi và một con gái 3,5 tuổi. Thú thật, khi mang thai bé thứ hai, tôi thực sự không có nhiều thời gian dành cho đứa con trai đầu của mình. Với bản năng của người làm mẹ, tôi hiểu bé trai của tôi cần có nhiều thời gian để vợ chồng tôi củng cố về mặt tinh thần cho bé, để bé có thể chuẩn bị lên chức làm anh hai một cách tốt nhất. Trong những tháng mang thai, tôi thường trò chuyện của bé, đưa bé đến những nơi công cộng, nhà sách hay công viên, chỉ cho bé thấy hình ảnh thực khi có em, con cũng sẽ vui như thế và hướng cho anh biết sự yêu thương em từ khi còn trong bụng mẹ.
Vợ chồng tôi luôn hướng bé trai về một hình mẫu của một người làm anh. Bé có thể trở nên mạnh mẽ, luôn bênh vực em, bảo vệ em, nhường nhịn và giúp đỡ em, vì thế anh trai sẽ luôn là người hùng trong mắt em gái sau bố. Chúng tôi cũng cho bé thấy, những khi không có bạn bè bên cạnh hoặc ba mẹ quá bận rộn, con có thể ở nhà cùng em, chơi với em và tâm sự cùng em, em gái con sẽ là một người bạn nhỏ luôn trung thành với con dù con là ai, đi đâu và làm gì đi chăng nữa. Tôi nhận thấy việc gia đình dành thời gian để ở cùng nhau, chơi với nhau chính là bí quyết để các con tôi yêu thương nhau nhiều hơn”.
“DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ”
Chuyên viên Tâm lý Trần Thị Hồng Hà (Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam) chia sẻ: “Trẻ con như tờ giấy trắng, nếu ba mẹ không biết cách để dạy bé lớn làm gương cho em thì rất có thể bé lớn sẽ gặp áp lực và xem việc “làm anh/chị gương mẫu” là một gánh nặng chứ không phải là niềm vui, xuất phát từ sự tự nguyện. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải gần gũi với trẻ, tác động vào nhân cách, thói quen, ý thức của trẻ, giúp trẻ nhìn nhận được những vấn đề đúng- sai, tốt xấu… Và quan trọng là các ông bố bà mẹ phải xây dựng được hình ảnh gia đình gương mẫu và chính mình là tấm gương tốt để trẻ quan sát, học hỏi. Bạn không thể cấm bé lớn nghịch điện thoại, không cho phép bé lớn dạy bé nhỏ đánh con mèo nếu cả ngày bạn cứ “ôm” điện thoại, rượt đuổi chó mèo. Bởi bé lớn nhìn thấy ba mẹ làm gì sẽ làm theo, tương tự bé nhỏ sẽ học theo những gì bé lớn làm. Dạy trẻ “làm anh/chị gương mẫu” không khó, cái khó là người lớn chúng ta đã áp dụng đúng phương pháp hay chưa”.