Mẹ&Con - Con tôi 5 tuổi, mới đi học mẫu giáo. Ở nhà, bé rất hay hờn dỗi. Cái gì không vừa ý, không được làm theo là bực bội, khó chịu, khóc lóc ăn vạ và không chịu ăn cơm. Giải mã tiếng khóc của trẻ Trẻ khóc dạ đề 8 lý do khiến bé khóc

Con tôi 5 tuổi, mới đi học mẫu giáo. Ở nhà, bé rất hay hờn dỗi. Cái gì không vừa ý, không được làm theo là bực bội, khó chịu, khóc lóc ăn vạ và không chịu ăn cơm. Tôi rất lạ vì ở nhà cả bố bé và tôi đều không có tính này. Vì cái tính hay hờn của con mà tôi không dám cho bé đi mẫu giáo, tới giờ mới cho đi học. Nhưng đi học rồi thì cô giáo bảo bé vẫn y như cũ. Vào lớp, cái gì bé không thích, đòi hỏi mà không được đáp ứng (ví dụ đòi đồ chơi bạn không cho) là khóc lóc, hờn dỗi ngay. Tôi làm sao để uốn nắn bé?

Lê Hoàng Mỹ An

(Quận 7)

 Ý kiến chuyên gia

Những bé được gia đình nuông chiều, chăm sóc quá mức rất dễ có tính hờn dỗi, khó kiềm chế cảm xúc, khi không vừa ý chuyện gì là khóc lóc, ăn vạ, ném đồ chơi, bỏ cơm… Biểu hiện này của bé chủ yếu để gây sự chú ý từ bố mẹ, cô giáo, người thân. Bé 5 tuổi là đã ý thức được việc hễ mình hờn dỗi là sau đó dễ được chiều theo nên xem đây như một “công cụ” của riêng mình.

Bạn cần lưu ý, theo bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi được Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố hồi tháng 7/2010, khả năng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực là một trong những chỉ số quan trọng cho thấy trẻ có thể phát triển về mặt tình cảm và quan hệ xã hội hay không. Một nghiên cứu theo dõi 1.000 trẻ em từ khi chào đời đến tuổi 30 của Đại học Duke (New Zealand) cũng đã chỉ ra, những trẻ thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc từ 5 tuổi trở lên mà không được uốn nắn kịp thời thì khi đến tuổi trưởng thành dễ mắc những sai lầm như hút thuốc, có thai trong lúc học phổ thông, bỏ học giữa chừng,… Ngoài ra, những đứa trẻ như thế khi ra đời sẽ phải chịu sự thua kém về thu nhập, địa vị xã hội so với các trẻ bình thường.

Bạn có nói một chi tiết năm nay bé mới được cho đi học mẫu giáo. Việc ít tiếp xúc với “xã hội” bên ngoài, chỉ ở nhà, ít có bạn bè, không được uốn nắn trong môi trường tập thể theo tôi cũng là một nguyên nhân góp phần tạo nên trạng thái tâm lý hay hờn dỗi, thiếu kiềm chế của bé. Thông thường, do ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nên khả năng vận động của trẻ bị hạn chế, trẻ không có nhiều cơ hội trải nghiệm được bản thân, dẫn đến những ức chế nhất định trong tâm lý của trẻ.

Khi không được giải tỏa những ức chế thông qua hoạt động múa hát, vui chơi, chạy nhảy với bạn bè, trẻ dần có xu hướng cư xử thiếu kiềm chế, chỉ cần biết la hét, khóc lóc, ném đồ đạc vì cảm thấy rằng đó là cách khiến mọi người chú ý đến mình và chiều chuộng mình.

Để khắc phục những điều này, bạn cần kiên trì cho bé đi học, đừng vội nản mà lại giữ bé ở nhà. Khi trẻ đang có biểu hiện giận dữ, thiếu kiềm chế cảm xúc, cần phải lôi kéo trẻ sang các hoạt động khác. Đối với trẻ 5 tuổi trở lên, cần nhẹ nhàng đặt những câu hỏi để trẻ ý thức được hành động của mình. Nên cho trẻ tiếp xúc với tivi dưới 2 tiếng mỗi ngày, thời gian tiếp xúc với bố mẹ mỗi ngày tối thiểu phải được 2 tiếng. Ngoài giờ học ở trường, bố mẹ nên lựa chọn hình thức giải trí phù hợp cho trẻ, hướng trẻ đến các trò chơi với hình thức chơi mà học, học mà chơi, đặc biệt là các trò chơi dân gian để trẻ tăng khả năng khám phá bản thân.

Trẻ 5 tuổi đã ý thức được rất nhiều việc nên bạn đừng nuông chiều theo những đòi hỏi của trẻ và cần học cách nói dứt khoát với trẻ, ví dụ: “Nếu con ném đồ chơi nữa, mẹ sẽ không mua đồ chơi mới cho con và không cho con đi công viên cuối tuần”. Khi bé tái diễn, giữ đúng “lời hứa” phạt bé. Bạn cần dứt khoát và kiên nhẫn. Nếu bé thấy khóc lóc, đập phá, la hét, hờn dỗi, bỏ cơm, trốn trong phòng… không có tác dụng, trẻ sẽ chấm dứt hành vi đó thôi. 

Tags:

Bài viết liên quan