Mẹ&Con - Cái gì con cũng giành phần mình và giành không được thì hét ầm lên rất dữ dội với anh, thậm chí đánh anh. Diễn viên, MC Bình Minh: Nơi đâu bằng gia đình “Sợi dây” tình cảm gia đình bạn bền vững đến đâu? Khi gia đình có hai bé sinh đôi

Tôi có hai bé. Bé đầu lòng là con trai, năm nay được 6 tuổi. Bé sau là con gái, năm nay được gần 4 tuổi. Vì thấy con gái “út ít” hơn nên tôi có phần chiều chuộng con hơn một chút. Thông thường, cái gì tôi cũng hay dạy con trai nhường cho em.

Bé trai lớn rất ngoan và tính hiền, hay chấp nhận những “thiệt thòi” về mình và nhường cho em phần hơn, từ chuyện đồ chơi đến chuyện bánh kẹo, chuyện ba chở đi chơi… Điều tôi lo ngại là hình như con gái tôi lại ngày càng theo đà đó để “ăn hiếp”, “lấn lướt” anh. Cái gì con cũng giành phần mình và giành không được thì hét ầm lên rất dữ dội với anh, thậm chí đánh anh.

Hồi trước, tôi cứ sợ bé lớn sẽ “ăn hiếp” bé nhỏ nên toàn dạy con phải nhường nhịn và tôi đã thành công với điều đó. Nhưng giờ, khi thấy tình thế đổi chiều, tôi chưa biết phải uốn nắn con gái mình ra sao khi con chưa đầy 4 tuổi?

Nguyễn Phiên Anh

(Quận 8)

Ý kiến chuyên gia

Rất may mắn cho bạn là bé lớn không hề có dấu hiệu “ghen tị”, “khó chịu” với em khi thấy mẹ cư xử có phần thiên vị, cứ muốn bé phải nhường cho em. Tuy nhiên, từ bây giờ, bạn nên điều chỉnh lại cách hành xử của mình trong gia đình: Cố gắng công bằng với các con nhiều nhất có thể (lẽ ra sự công bằng này nên được thực hiện ngay từ khi gia đình có thêm thành viên mới 4 năm về trước, bạn ạ!).

Chính sự công bằng của cha mẹ trong đối xử sẽ thấm dần vào trẻ qua từng ngày, giúp trẻ cảm thấy mình cần đối xử với anh/chị/em của mình đúng mực. Hiện tại, con gái bạn vẫn còn đang ở độ tuổi rất dễ uốn nắn và đã có thể “tiếp thu” được những “đúng – sai”. Bạn và anh xã có thể nhắc nhở con một cách mềm mỏng nhưng cương quyết mỗi khi bé có thái độ tranh giành, “lấn lướt” anh.

Ví dụ mua về cho hai con mỗi bé một món đồ chơi. Nếu con gái bạn dù đã có đồ chơi của mình nhưng vẫn muốn… giành cả đồ chơi của anh, bạn hãy chắc rằng mình đóng vai trò “trọng tài” thật tốt: Cương quyết nói với bé rằng điều đó là không được và bé tranh giành như thế là sai. Có thể trong thời gian đầu, bé sẽ làm mình làm mẩy, khóc lóc, la hét… nhưng bạn cần tập cho con từng chút.

Đừng xuề xòa nghĩ lớn lên bé sẽ khác. Bởi lẽ, nếu cứ trưởng thành với thói quen có thể “ăn hiếp” anh thì sự tôn trọng của bé dành cho anh trai sẽ giảm dần, bé thấy mình bằng vai phải lứa, thậm chí xem anh như một bạn “yếu” hơn. Tất nhiên, bạn cũng không cần quá nghiêm khắc với con. Hãy bắt đầu bằng những cách giản đơn như kể cho cả hai anh em nghe những câu chuyện ngụ ngôn với các nhân vật là thỏ anh – thỏ em chẳng hạn. Thông qua từng câu chuyện và trò chơi đóng vai, giúp cả hai con của mình hiểu rõ vai trò của chúng: Làm anh thì yêu thương và bảo vệ em, làm em thì vâng lời anh và lễ phép, kính trọng anh.

Chúc bạn sớm uốn nắn được con và lập lại “trật tự” trong gia đình.

Tags:

Bài viết liên quan