Mẹ&Con - Chuẩn bị cho con một gói quà nhỏ xong, chưa kịp bảo con thay quần áo để đi sinh nhật bạn, chị Hoàng Yến (Quận Gò Vấp) đã tái mặt khi nghe cậu nhóc mới 7 tuổi của mình phụng phịu: “Thôi con không đi sinh nhật bạn Toàn đâu mẹ. Nhà bạn ấy giàu lắm, bạn ấy cũng chỉ thích chơi với ai giàu thôi, không thích chơi với con…”. Giúp con chọn bạn – dễ mà không dễ Tiêu chuẩn chọn bạn gái thú vị của con trai “Sợi dây” tình cảm gia đình bạn bền vững đến đâu?

Nhỏ xíu đã biết… phân biệt?

Kết thúc buổi tư vấn về tâm lý trẻ em tổ chức cho các bà mẹ ở một nhà văn hóa, chuyên gia tư vấn vẫn nán lại để giải đáp thêm vài thắc mắc riêng của phụ huynh. Một người mẹ áo quần có vẻ hơi lam lũ rụt rè len lỏi vào hỏi ngay: “Chị ơi, có thể chỉ giúp em cách nào để con gái em đừng mặc cảm khi đi học nữa không?”.

Hỏi tới, chị Quỳnh – người mẹ trẻ có con đang học lớp 2 nhỏ nhẹ: “Nhà nghèo nên em phải đi bán ngoài chợ. Con gái em học lớp 2. Cháu học giỏi và ngoan lắm nhưng dạo gần đây cháu có vẻ rất buồn. Khi hỏi han con, cháu tâm sự với em rằng các bạn trên lớp hay trêu ghẹo, không thèm chơi với cháu vì nói rằng cháu là đồ… nhà nghèo(!). Em thương con quá!”.

lam-sao-de-con-khong-co-tam-ly-phan-biet-ban-giau-ban-ngheo

Không phải chỉ có các bà mẹ “nghèo” mới bận tâm đến chuyện trẻ con phân biệt này, ngay đến các bà mẹ “giàu” cũng… lo không kém! Chị Hồng Anh (Quận 7) tìm đến trung tâm tư vấn một buổi sáng đầu tuần. Chị lo lắng: “Gia đình chúng tôi nhờ trời cũng ăn nên làm ra, có điều kiện cho cháu học trường Quốc tế, đi học có xe hơi đưa đón. Nhưng thật sự hiện nay, tôi bắt đầu lo ngại không biết mình bảo bọc, cho con cuộc sống đầy đủ, sung sướng như thế quá sớm có… tốt không. Cháu chơi với bạn ở trường chỉ toàn các bạn cũng thuộc dạng con nhà giàu. Thế là nhất định cháu chỉ chịu làm quen và chơi với những ai… cùng đẳng cấp(!) như thế. Khi tôi đưa con đi sinh hoạt nhà thiếu nhi, gặp các bạn bố mẹ đưa đón bằng xe đạp hay xe máy, cháu cứ tỏ ra cái vẻ khủng khỉnh khiến tôi rất bực mình. Tôi cố uốn nắn, muốn cháu hòa đồng thì cháu lại vùng vằng không nghe. Cô giáo ở nhà thiếu nhi mắng vốn rằng trong lớp cháu chỉ chịu chơi riêng với vài bạn thôi. Cô xếp cho cháu hát chung với một bé rất dễ thương nhưng cách ăn mặc giản dị, ba mẹ là công nhân viên bình thường, thế là cháu nhất định… không chịu hát cùng!!!”.

Chừng 10-20 năm trước, có lẽ phụ huynh nghe những chuyện này thật xa lạ, vì có chăng cũng chỉ một tỷ lệ rất ít bé “nhà giàu”, hơi cách biệt với bạn bè. Nhưng giờ thì khác! Tâm lý phân biệt giàu nghèo, chỉ chơi với bạn giàu, coi thường bạn nghèo… xuất hiện rất rõ ở trẻ, đến mức nhiều bậc phụ huynh “phát hoảng”. Không ít bà mẹ trẻ thú thật, họ lúng túng vô cùng khi sau một thời gian “hòa nhập” với những cộng đồng trẻ em gia đình khá giả khác, con mình trở nên… đổi tính! “Mới học cấp 1 nhé, lớp 5 thôi mà con dám vòi vĩnh tôi mua cho… điện thoại di động. Tôi không cho thì bé vùng vằng, khóc lóc, bảo rằng lớp con bạn nào cũng có hết! Áo quần cháu mặc phải đúng ý cháu, đúng… mốt giống như bạn bè. Hễ thấy bé nào khác ăn mặc đơn sơ, giản dị hơn, con còn dám vênh mặt lên nhận xét: Con bé kia thật… quê mùa(!). Tôi choáng váng trước những thay đổi của con. Tôi cho cháu đi học ở những trung tâm ngoại ngữ cao cấp, ở trường Quốc tế đâu phải để con học kiểu phân biệt giàu nghèo quá trớn thế!”, chị Lam Linh (Quận 2) chia sẻ những e ngại của mình rất thẳng thắn.

Không chơi với bạn vì bạn mang cặp xấu, mặc quần áo xấu. Không chịu về quê chơi với các em họ vì “nhà mấy đứa đó không có máy lạnh như nhà mình”. Mẹ tổ chức tiệc, mời bạn bè của lớp bé đến nhà chơi, bé cũng chỉ chịu dẫn các bạn “giàu” lên phòng chơi của mình và bảo các bạn “nghèo”… ở dưới đất chơi đi!!! Những câu chuyện này hoàn toàn không phải chuyện “viễn tưởng”. Nó là tâm sự thật của không ít phụ huynh, cả giàu lẫn nghèo, băn khoăn về sự phát triển nhân cách của con mình.

Làm gì để bé không “ỷ giàu”?

 

Khi chưa có đủ nhận thức, cách đối xử của trẻ con với người xung quanh thường dựa theo vào hành động của người lớn mà chúng từng chứng kiến. Ví dụ như bố mẹ hay quát mắng người làm trướcmặt con; bố mẹ nói về một người cấp dưới bằng giọng bề trên; hoặc phân biệt giàu nghèo, thì các cháu quan sát và học tập ngay.

 

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai 

 

Thật ra, tâm hồn đứa trẻ nào sinh ra cũng trong veo, không hề vẩn đục chút gì với khái niệm giàu nghèo hay các giá trị vật chất. Thế nhưng đôi khi, chính người lớn xung quanh lại vô tình làm “hư” trẻ, gieo vào lòng trẻ những so sánh, kỳ thị, những cách nghĩ “khác thường”. Chẳng hạn như khi thử chuyện trò với bé Q.K (Quận 7), chuyên gia tâm lý cũng… sốc theo khi nghe bé “thú thật”: “Bà nội dặn con ở trường đừng chơi với mấy đứa nghèo. Mấy đứa nghèo nghèo mặc quần áo bẩn lắm, với lại chúng nó sẽ mượn đồ dùng học tập hay đồ chơi đẹp của con. Lỡ làm hư thì nó cũng chẳng có tiền đền đâu! Con thấy bà nội nói đúng mà. Chơi với mấy bạn giàu, các bạn ấy hay có đồ chơi đẹp để đổi và chơi chung với con. Còn mấy bạn nghèo thì… chẳng có gì cả!”.

Vài câu nói đùa, vài tư tưởng hơi “phân biệt” của người lớn hoặc cách cư xử không phù hợp sẽ khắc sâu vào tâm hồn non nớt của bé, khiến bé ảnh hưởng theo. Điều này thật ra là một thiệt thòi với trẻ, vì nếu lớn lên với nhân cách “lệch lạc”, đánh giá tình bạn chỉ qua… giàu nghèo như thế, bé sẽ khó có được những tình bạn đẹp, sẽ dần trở nên ích kỷ, nghĩ đến nhận nhiều hơn đến cho.

lam-sao-de-con-khong-co-tam-ly-phan-biet-ban-giau-ban-ngheo

Vậy làm sao để “chỉnh” con? Việc này, tốt nhất nên làm từ khi bé còn rất nhỏ. Độ tuổi mẫu giáo, bạn đã có thể khéo léo giúp con hiểu những ý nghĩa đằng sau vật chất. Ví dụ có thể giải thích cho con hiểu, mẹ rất quý hộp bánh này không phải vì nó đắt tiền mà vì nó là tình cảm của bác Năm hàng xóm tặng cho. Bạn cũng đừng nên cho con ăn mặc, phục sức quá khác biệt so với các bé khác cùng độ tuổi. Sẽ không tốt cho tâm lý bé chút nào nếu bé về quê với một chiếc áo đầm quá cầu kỳ, diêm dúa trong khi các bé khác ở quê đều “tay lấm chân bùn”.

Khi bé lớn hơn, thông qua những hình ảnh, những câu chuyện, bộ phim, bạn có thể giúp bé dần hiểu ý nghĩa của tình bạn, của sự sẻ chia, yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau. Các bộ phim hoạt hình sẽ giúp bé thấy rằng bạn bè chỉ cần tấm lòng, chứ không hề phân biệt bạn phải thế này thế kia bé mới chịu chơi chung.

Cũng nên cho con biết dần về tấm gương của những người nghèo vượt khó, lập nghiệp từ bàn tay trắng. Một cách khác rất hay là bạn có thể đưa con tham gia vào các hoạt động từ thiện phù hợp với độ tuổi của bé. Hướng dẫn con tiết kiệm tiền, giúp các bạn đồng trang lứa hoàn cảnh khó khăn, khơi gợi trong bé tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự chia sẻ, hòa đồng thay vì để bé thấy (và học theo) thái độ phân biệt, khinh khi không đúng của một số người lớn.

lam-sao-de-con-khong-co-tam-ly-phan-biet-ban-giau-ban-ngheo

Mẹ cũng cần lưu ý là khi thấy bé có những ứng xử “khác thường”, đừng bỏ qua mà nên chọn thời điểm thích hợp để nhỏ nhẹ trò chuyện, uốn nắn con ngay. Bạn đừng nghĩ con còn bé quá chưa biết gì. Như một cây non, nếu không được “điều chỉnh” ngay từ lúc này, khi con bước vào tuổi dậy thì và lớn khôn hơn, bạn sẽ càng lúc càng khó khăn để thay đổi suy nghĩ của bé hơn. Và chắc hẳn chẳng có bậc cha mẹ nào lại muốn con mình trở thành một cô bé, cậu bé hống hách, ỷ giàu, đua đòi và thích thể hiện mình bằng những cách bốc đồng, chỉ đặt nặng giá trị đồng tiền lên trên hết…! 

Đừng làm những việc này nếu không muốn bé… ỷ giàu!

– Bạn không nên cho tiền con quá nhiều và quá sớm. Cho dù gia đình đầy đủ đến mức nào đi chăng nữa, khi con còn bé, cần dạy con biết rằng rất vất vả mới kiếm được đồng tiền. Chẳng hạn bé thích một món đồ chơi rất đắt, bạn đừng mua cho bé ngay. Thay vào đó, con có thể tình nguyện làm một số việc nhà và sẽ nhận được “phần thưởng” sau một tuần là món đồ chơi mà bé thích.

– Đừng đối xử với những người bạn, người thân khác của bạn bằng cách… phân biệt giàu nghèo. Một câu nói “hớ hênh” từ bố mẹ như: “Chơi với thằng đó làm gì, thứ nghèo kiết xác!” sẽ ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến trẻ. Bé sẽ học thói ỷ giàu, khinh thường bạn nghèo ngay từ những điều mắt thấy tai nghe đó.

– Đừng chỉ cho con chơi với “bạn giàu”, cùng “đẳng cấp” với gia đình mình. Bạn cần giúp con làm quen với nhiều đối tượng bạn bè khác nhau, có thái độ tôn trọng bạn con dù những đứa trẻ kia xuất thân gia đình thế nào. Bé sẽ học hỏi rất nhanh thông qua những trải nghiệm cuộc sống này. Một vài chuyến đi từ thiện, vài chuyến về quê, có lúc cho con chơi với bạn ở trường quốc tế toàn các “cậu ấm cô chiêu”, có lúc lại để con “lăn lê” một chút với các bạn hàng xóm… Những điều ấy giúp trẻ cảm nhận sâu sắc và đầy đủ hơn về tình bạn chứ không chỉ đánh giá bạn qua chuyện “giàu nghèo”.

– Cuối cùng, đừng phớt lờ các “lỗi” ứng xử của con. Nhiều người thường tặc lưỡi cho qua: “Ôi, trẻ con biết gì…”. Thực tế, nếu cứ được cho qua như vậy, đến một lúc, con sẽ có cách cư xử rất hống hách, thích đua đòi, thích thể hiện mình bằng các vật chất bên ngoài. Đến lúc ấy, bạn muốn nắn con cũng không được nữa! 

 

Tags:

Bài viết liên quan