“Những năm đầu đời, trẻ em học bằng các giác quan và kinh nghiệm của bản thân như biết cảm giác đau, nóng, lạnh, chua hoặc cay. Vì thế, khi được tự trải nghiệm hoặc được cha mẹ, thầy cô lặp đi lặp lại nhiều lần bằng những lời nói, hình ảnh và cảm giác thì chúng có thể ghi nhớ và tự bảo vệ bản thân” – chị Văn Thị Hương Hoàng (33 tuổi, ngụ quận 10) vừa là một giáo viên mầm non, vừa là mẹ của hai con chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo chị Hoàng, khái niệm về dòng điện là một khái niệm trừu tượng, khó hình dung với trẻ về tác hại. Và đương nhiên, cha mẹ lại càng không thể dùng hình ảnh người bị điện giật hay cho trẻ thử nghiệm để dạy con về vấn đề này. Chính vì thế mà cha mẹ phải chủ động dạy con bằng nhiều cách khác nhau.
Anh Vũ Tuấn Hải (32 tuổi, ngụ quận 10) đã làm cha được gần một năm nay. Ngay khi con biết lật, biết bò, việc đầu tiên anh Hải làm là dùng băng keo dán khe cắm của các ổ điện nằm gần tầm với của con như vị trí gần chân tường hoặc gầm bàn. Thậm chí, anh Hải đã dời vị trí các ổ nối điện và cục CPU của máy tính lên cao để hạn chế tối đa việc con có thể tiếp xúc với điện và cha mẹ cũng yên tâm hơn.
Bé Tít nhà chị Lê Ngọc Tâm (27 tuổi, ngụ quận 3) rất sợ sư tử trong chương trình thế giới động vật. Vì thế, chị Tâm đã in hình chú sư tử và dán ở các ổ điện trong nhà. Cứ nhìn thấy ảnh sư tử là cháu nhớ ra, không đến gần những ổ điện gần sàn nhà.
“Bé chỉ hơn 1 tuổi thôi nên không hiểu điện hình dạng thế nào, tác hại ra sao. Tôi chỉ còn cách mượn cái gì bé sợ để thay thế, giúp bé nhận ra là ổ điện không tốt, ổ điện cắn, ổ điện làm con đau, ổ điện dữ như sư tử há miệng nên phải tránh xa. Sau này, khi nhận thức của con phát triển hơn theo độ tuổi, tôi sẽ dạy con hiểu cho đúng về điện và tác hại”, chị Tâm chia sẻ.
Riêng chị Lê Thị Hồng (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cứ lâu lâu lại giả vờ ngồi gần chỗ ổ điện là nói với con: “Ôi trời ơi cái này cắn mẹ đau quá!”. Sau vài lần nhìn thấy mẹ kêu và giả vờ khóc, bé Min 2 tuổi tự động tránh xa và ghi nhớ “cái này cắn đau lắm”.
Theo Tuổi trẻ online