Sinh con, nuôi con, giáo dục con và giúp con phát triển trong một môi trường an toàn vốn là hành trình không dễ dàng đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào. Là cha mẹ, chúng ta phải luôn sẵn sàng cho những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra. Và một trong số đó là con cái là nạn nhân của bạo lực học đường.
Khi phát hiện con bị bạo lực học đường, với tư cách là phụ huynh, chúng ta phải hành xử như thế nào cho đúng mực, để vừa giúp con giải quyết vấn đề một cách triệt để, vừa có thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân?
Đối với hầu hết phụ huynh, khi biết tin con bị bạo lực học đường, phản ứng đầu tiên sẽ rất nổi giận vì xót con. Thế nhưng, điều chúng ta cần làm lúc này là giữ bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo để đưa ra các phương án giải quyết hợp lý, đúng đắn nhất.
Đầu tiên, để nhận biết con có dấu hiệu bị bạo lực học đường, bố mẹ hãy đặc biệt quan sát những biểu hiện của trẻ. Lúc này, sự sâu sát và tinh ý của bố mẹ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng để nắm bắt được tình trạng của con, từ đó đưa ra những cách thức giải quyết hợp lý nhất. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
Những dấu hiệu cho thấy con bị bạo lực học đường
Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ khi bị bạo lực học đường, bị bạn bè bắt nạt thường sẽ có những xu hướng chung như:
- Bé thường xuyên tỏ ra mệt mỏi; cảm thấy chán nản mỗi khi tan trường về nhà;
- Trẻ thường giả vờ viện cớ bị ốm, hoặc tỏ ra buồn bực và thậm chí là khóc lóc để không phải đến trường;
- Nếu không phát hiện sớm và có cách giải quyết thấu đáo, trẻ em sẽ dần trở nên thu mình lại, miễn cưỡng hoặc lãng tránh những câu câu hỏi của bố mẹ…
- Thậm chí, một số trẻ khi bị bạo lực học đường sẽ có xu hướng dễ cáu gắt, nỗi giận và dễ xù lông cãi lại cha mẹ, người thân.
Lúc này, việc bố mẹ cần làm là xác nhận thật kỹ những bằng chứng, thông tin con bị bạo lực học đường để từ đó sớm đưa ra những biện pháp kịp thời để ngăn chặn việc này tiếp tục xảy ra.
Vậy, bố mẹ cần làm gì khi nghi ngờ con bị bạo lực học đường?
Nếu con bạn không may là nạn nhân của bạo lực học đường, thay vì nổi giận, bạn hãy bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân để từ đó có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất.
Xem thêm: Xử trí bạo lực học đường hiện nay như thế nào
Một vài phương pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng khi nghi ngờ con bị bạo lực học đường bao gồm:
Bố mẹ cần kiểm soát cảm xúc bản thân
Đầu tiên, khi nghi ngờ hoặc biết con bị bạo lực học đường, cảm xúc của tất cả ông bố bà mẹ là vô cùng bức xúc và không thể ngồi yên. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là điều hoàn toàn tự nhiên và có thể thông cảm, bởi nó xuất phát từ bản năng yêu thương và bảo vệ con cái của bậc làm cha mẹ.
Thế nhưng hơn lúc nào hết, bạn cần phải thực sự bình tĩnh, tập trung suy nghĩ vào việc tìm hiểu nguyên nhân, tình trạng con bị bạo lực học đường đang ở mức độ nào…để suy xét một cách cẩn thận và thấu đáo những biện pháp thích hợp để giúp đỡ con vượt qua khỏi tình huống này.
Trò chuyện với con khi nghi ngờ con bị bạo lực học đường
Khi con bị bạo lực học đường, là nạn nhân của việc bị bạn bè bắt nạt, việc bố mẹ nên làm là cần nói chuyện, lắng nghe con mình.
Lúc này, hãy chia sẻ với bé một cách nhẹ nhàng với tư cách là một người bạn thân thiết của bé. Bởi rất có thể, tâm lý của bé đang phải trải qua trạng thái hoảng loạn. Chính vì thế, bé cần một người đủ tin tưởng để chia sẻ, bày tỏ. Hãy trở thành một người mà các con tin tưởng, khích lệ các con và cùng còn tìm cách giải quyết vấn đề.
Tuyệt đối không được la mắng, bày tỏ sự tức giận lên các con. Bởi khi trẻ càng sợ hãi sẽ càng trở thu mình lại và rất khó để bé chia sẻ nguyên nhân bị bạo lực học đường với bố mẹ. Lúc này, bố mẹ cần phải kiên nhẫn, chờ đợi cho đến khi còn thực sự mở lòng và sẵn sàng để chia sẻ về câu chuyện bạo lực học đường một cách cụ thể.
Sự lắng nghe của bạn cũng là cách bạn đang đang tôn trọng trẻ và lắng nghe được cảm nhận của trẻ với vấn đề này như thế nào.
Bố mẹ hãy trao đổi trực tiếp với giáo viên
Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, mà bố mẹ có thể trao đổi trực tiếp vấn đề con cái bị bạo lực học đường với thầy cô chủ nhiệm. Nhờ giáo viên lưu ý tới tình trạng của con mình để kịp thời can thiệp. Nếu trẻ bị bạn xấu bắt nạt ở trường, các giáo viên có thể can thiệp và giúp đỡ trẻ kịp thời.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn phương án tìm gặp trực tiếp phụ huynh của trẻ đã thực hiện hành vi bắt nạt con mình để tìm hiểu nguyên nhân, nói chuyện với họ và phối hợp với hai bên gia đình để có thể cùng nhau đưa ra được phương án thích hợp nhất.
Lưu ý, bố mẹ có con bị bạo lực học đường nên tránh việc vội vàng đưa ra quyết định chuyển lớp, chuyển trường cho con. Theo các chuyên gia tâm lý, việc làm này vốn không phải là cách giải quyết cái gốc của vấn đề. Lúc này, bạn nên tìm đến sự tư vấn cũng như hỗ trợ của chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực tâm lý thanh thiếu niên để hiểu hơn vai trò của cha mẹ trong những tình huống như thế này.
Đồng thời, phải luôn đồng hành và theo sát con trong tình huống này để có thể giúp con vượt qua những mất mát, tổn thương mà các bé phải chịu khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Hãy dạy con cách tự vệ
Khi nghi ngờ con bị bạo lực học đường, bố mẹ nên hướng dẫn các con những kỹ năng sống đơn giản để thoát khỏi những tình huống nguy hiểm như: hô to, ra hiệu kêu cứu với những người lớn ở gần đấy khi cảm thấy bản thân có thể gặp những tình huống bạo lực.
Song song đó, bố mẹ khi có con bị bạo lực học đường cũng cần nhắc con nên chạy đến ở những nơi đông người, không nên để bị dẫn đến một góc khuất hoặc đồng ý gặp riêng với bất kỳ đối tượng nào có hành vi bắt nạt mình.
Ngoài ra, để giúp con trong tình huống trẻ bị bạo lực học đường, bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian tâm sự cùng con. Việc làm này không chỉ giúp bạn hiểu con hơn, mà còn giúp các bé cảm thấy có một nơi đầy tin tưởng và yêu thương để sẵn sàng chia sẻ những vấn đề bản thân đang gặp phải.
Hãy giúp con trở nên tự tin hơn để không phải trở thành nạn nhân bạo lực học đường
Khi nghi ngờ con bị bạo lực học đường, bên cạnh việc tâm sự, chia sẻ, dạy con các kỹ năng cần thiết thì bố mẹ có thể giúp con mình tự tin hơn trong môi trường học tập tại trường lớp. Bố mẹ nên khuyến khích các con kết bạn, hòa nhập với các bạn bè trong lớp, trong trường để trẻ không cảm thấy bị cô độc.
Và quan trọng hơn hết, hãy dạy cho con hiểu về bạo lực học đường. Khi đó, trẻ sẽ chủ động hơn nếu bản thân rơi vào tình huống đó, đồng thời thấu hiểu về bạo lực học đường để bé không trở thành người bắt nạt các bạn khác. Từ đó cùng nhau tạo ra một môi trường học tập và vui chơi lành mạnh, an toàn.