1. Tìm hiểu nguyên nhân
Thay vì gắt gỏng hay la bé, chê trách bé sao lười quá, hoặc nói những câu kiểu như: “Không đi học thì cho con ở nhà… đi bán vé số nhé!” để dọa con, bạn cần gần gũi con nhiều hơn, thủ thỉ khơi gợi để bé nói ra những nguyên nhân nào khiến con có vẻ sợ việc đi học lại. Có thể bé sợ cô giáo cũ, có thể bé không thích một bạn nào đó ở trường hay ăn hiếp bé, hoặc đơn giản là bé vẫn còn chơi chưa “đã” và sợ lại phải quay về với những áp lực học tập. Khi bạn hiểu rõ nguyên nhân, bạn sẽ có cách khéo léo để kích thích bé háo hức với chuyện đi học dễ dàng hơn.
2. Giúp con thoải mái và yên tâm
Cho con biết rằng bạn đã giải quyết những nỗi lo sợ của con. Ví dụ như nếu bé cảm thấy sợ bạn nào đó bắt nạt, hãy cho con biết rằng bạn đã nói với cô giáo của bé và sẽ đưa bé đi học. Bạn cũng nên trang bị tốt cho con các “kỹ năng” như chào hỏi cô giáo, biết giờ nào việc ấy, biết cách tự phục vụ (tự lập) trong những việc như: ăn uống, đi vệ sinh, đánh răng rửa mặt (nếu bé học bán trú)… Bé càng được trang bị tốt những điều này càng ít bị cô la và thấy tự tin, thoải mái hơn.
3. Cùng con đọc trước sách giáo khoa
Bé sẽ thấy yên tâm hơn nếu tin rằng việc học vừa sức mình, không phải là “cái gì đó” quá khó khăn. Bạn không cần cho con học trước chương trình. Tuy nhiên, có thể cho bé xem sách giáo khoa mới, cùng con đọc hoặc học vài bài học đầu tiên. Cảm giác tự tin rằng mọi thứ cũng khá dễ dàng, không khó lắm sẽ khiến bé thấy đỡ ngại ngần và đỡ “ngán” đến ngày khai giảng.
4. Luôn lắng nghe con
Đừng cho rằng bé là con nít chả biết gì. Trong mọi trường hợp, hãy khuyến khích bé nói ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình và trò chuyện cùng con như một người bạn thân thiết. Bạn cũng nên thể hiện sự bảo đảm cho bé biết rằng trong mọi trường hợp, chỉ cần bé gặp phải khó khăn là bạn sẽ có mặt ở trường để giúp đỡ con và bảo vệ cho con. Cũng cần cho bé hiểu rằng trường học là nơi sẽ giúp bé lớn lên, trưởng thành, biết nhiều điều và sẽ ngày càng giỏi giang như bố, mẹ.
>>> Bạn lưu ý
– Trừ trường hợp quá đặc biệt, không nên xin chuyển lớp, chuyển trường cho bé chỉ vì những lý do kiểu như bé sợ cô hay không thích bạn nào đó trong lớp. Việc chuyển lớp, chuyển trường có thể khiến bé càng bị “sốc” nặng hơn (vì ở môi trường mới bé cảm thấy mình đơn độc, xa lạ trong khi các bé khác đã quen thuộc nhau rồi). Thay vì vội chuyển lớp cho con vì sợ con bị ăn hiếp hay bị cô “đì”, bạn cần giải tỏa tâm lý cho bé, giúp bé hiểu rằng chỉ cần bé cố gắng và ngoan thì mọi việc đều ổn cả. Bạn nên kết hợp với giáo viên, chia sẻ cùng giáo viên những khó khăn để có thể giúp đỡ bé tốt hơn.
– Không dọa nạt hay đưa ra “tiêu chuẩn” cho con kiểu như: Năm nay con phải đạt Học sinh giỏi, phải xếp hạng từ 1 tới 5. Những điều này sẽ tạo nên áp lực cho trẻ từ trước cả ngày khai giảng.
– Nếu bạn cảm thấy thật sự lúng túng trước việc “ghét” đi học của con, hãy sớm đưa bé đến gặp các chuyên viên tâm lý giàu kinh nghiệm thay vì cứ phớt lờ mọi chuyện, đợi đến ngày khai giảng thì hò hét, dùng đòn roi dọa nạt để “bắt” bé đến trường.