Trẻ thụ động ngày càng… nhiều!
Ở tất cả các trường từ cấp 1 đến cấp 3 (thậm chí cả bậc Đại học) hiện nay, nhận xét chung của thầy cô với học sinh thường gắn liền với hai chữ: Thụ động! Nhiều giáo viên lo lắng: “Dạy học trò cấp 1 mà đã thấy các em có dấu hiệu như… ông bà cụ non. Trẻ lười suy nghĩ, ít chịu đối thoại với giáo viên. Nếu thầy cô bảo gì thì làm nấy, làm xong thì… thôi, không bao giờ thắc mắc, không bao giờ động não. Ngoài giờ học chính khóa, tôi tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, nhiều em rất lười tham gia. Các em bị ỳ, chỉ thích được ở yên, chỉ thích học xong bài rồi lầm lũi về nhà. Ở đó, các em có một thế giới của riêng mình, thế giới của game online, của tivi và những băng đĩa nhạc một mình coi, một mình giải trí…”.
Có thể bạn cũng từng có lúc than trời vì tính thụ động này của con. Nhiều lúc bạn thấy con giống như cái máy, ù lì, thậm chí không buồn tranh luận, không buồn “cãi” lại khi bạn la rầy một điều gì đó. Trẻ thường xuyên đực mặt ra với vẻ trơ lỳ cảm xúc mà bạn không hiểu nổi. Dường như con chỉ thấy thoải mái khi bạn chịu đưa cho con cái remote tivi hay bỏ “lệnh cấm vận” cắt internet.
Chị Nguyễn Thu Hà (Q.6) cho biết: “Thằng bé mới lớp 4 mà không chịu kết bạn, không bao giờ muốn tự mình nghĩ ra cách giải quyết việc gì. Tôi hỏi nó con muốn chọn học môn năng khiếu nào, nó bảo mẹ chọn gì con học nấy. Ban đầu, tôi hài lòng vì thấy con… ngoan quá. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy lo vì nó là con trai mà không có mảy may tính quyết đoán hay một suy nghĩ độc lập nào cả. Tôi bảo gì, nó làm nấy. Đi học trên lớp cũng vậy, cô bảo sao thì làm y chang, không cãi, không hỏi tới hỏi lui. Có lần, cô giáo vô tình viết sai một phép toán. Thằng bé chép y chang kết quả sai đó. Tôi hỏi sao con chép vầy, con không tính nhẩm lại, thấy kết quả ra khác không hỏi cô à? Nó bèn trả lời: Cả lớp con ai cũng chép vậy mà. Cô viết vậy thì con chép vậy, mẹ sao hay thắc mắc quá à!!!”.
Thực chất, theo các chuyên gia tâm lý, chuyện trẻ thụ động có một phần nguyên nhân rất lớn bắt nguồn từ… người lớn. Trẻ em Việt Nam nói riêng và trẻ em phương Đông nói chung thường được “huấn luyện” từ nhỏ rằng: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Điều này tạo thành nếp trong đầu trẻ, lâu dần khiến trẻ mất chính kiến, lười suy nghĩ, luôn trông chờ người lớn (cha mẹ, thầy cô) nghĩ hộ cho mình, con mình chỉ việc nghiêm chỉnh tuân thủ theo mà thôi.
Trong giai đoạn hiện nay, sự thụ động của trẻ càng tăng khi mà ngay cả cha mẹ cũng trở nên ít có thời gian dành cho con. Trẻ ít được đi chơi, ít được trò chuyện với anh em (vì chủ yếu toàn con một), ít được tham gia những trò mang tính tương tác với bạn bè hàng xóm (vì những đứa trẻ hàng xóm cũng… bận!). Rốt cuộc lại, bạn của trẻ bây giờ chỉ còn cái máy tính được nối mạng internet, những trò game online, cộng thêm tivi và những băng đĩa không biết trò chuyện, không cần tương tác. Trẻ giam mình trong thế giới ảo đó, lâu dần thấy lười với cả việc tham gia những trò chơi vận động hay những lúc phải tiếp xúc với bạn bè “thật” bên ngoài.
Làm gì để con năng động, sáng tạo và hoạt bát hơn?
Muốn con thoát khỏi tính thụ động, trước tiên bạn cần thay đổi nếp nghĩ con là… con nít, phải luôn tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của người lớn. Hãy từ từ tập cho con động não với những quyết định, những cách xử lý tình huống của chính mình. Ví dụ như sắp đến ngày sinh nhật anh xã, bạn có thể đề nghị con cùng suy nghĩ một món quà tặng bố. Ban đầu, con thờ ơ, thụ động, nhưng nếu bạn kiên trì, biết lắng nghe và gợi mở, khen ngợi, khuyến khích, chắc chắn kết quả đạt được sẽ tốt hơn nhiều.
Với việc học của con cũng vậy, nếu trẻ quá thụ động trong lớp, bạn cần “học” chung với con khi ở nhà nhiều hơn, để tìm hiểu xem khó khăn, trở ngại của trẻ nằm ở đâu. Nhiều trẻ thụ động do không nắm được kiến thức căn bản của môn học, từ đó cô nói gì nghe nấy, chỉ chép và học thuộc lòng cho xong chuyện. Trong trường hợp đó, bạn cần giúp con củng cố lại những kiến thức nền tảng này.
Trẻ cũng có thể thụ động khi gặp phải giáo viên hay yêu cầu làm theo răm rắp những hướng dẫn, ngay cả môn Văn cũng phải thuộc lòng bài văn mẫu. Đương nhiên, trong trường hợp này bạn không thể “đòi hỏi” giáo viên thay đổi. Song, bạn có thể giúp đỡ trẻ phần nào bằng cách gợi mở thêm cho con những điều ngoài bài học. Đôi khi việc chấp nhận trẻ bị điểm thấp nhưng là thực lực của trẻ cũng rất cần thiết. Ví dụ một bài tập thủ công cô cho về nhà, thay vì bạn làm giùm để trẻ đạt điểm cao, bạn nên chấp nhận trẻ vụng về nhưng trung thực, hướng dẫn con tự mình làm những việc này. Khi được tự mình làm, không thể trông cậy vào ai, tính thụ động của trẻ sẽ dần dần mất đi, thay vào đó là sự tự chủ, tự tin, năng động và tháo vát, sẵn sàng lao vào việc theo cách sáng tạo nhất của mình.
Với một số trẻ, sự thụ động thuộc về cá tính. Trẻ có khả năng phân tích chứ không phải không, nhưng thường thì trẻ phản ứng chậm chạp, cân nhắc, không dám thử nghiệm các điều mới lạ. Trẻ thụ động cũng hay có xu hướng kéo dài công việc, lề mề. Tuy nhiên, bạn đừng dễ dàng chấp nhận điều này theo kiểu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Hãy nỗ lực điều chỉnh con, luôn yêu cầu con tích cực suy nghĩ, tự giải quyết vấn đề theo hướng mà trẻ cho là tốt nhất. Bạn cũng đừng tiếc lời khen với những tiến bộ của trẻ, dù là nhỏ nhất.
Đừng cho trẻ xem tivi quá nhiều!
* Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, khi trẻ xem tivi quá nhiều, trẻ sẽ ít có thời gian hòa nhập vào cuộc sống thực, ít giao tiếp, dẫn đến kỹ năng ngôn ngữ, xử lý tình huống giảm sút. Lâu dần, việc xem tivi khiến trẻ suy nghĩ đơn điệu, ít chịu động não trong bất cứ việc gì.
* Bạn nên tắt tivi và hướng dẫn con bước ra ngoài nhiều hơn. Bạn càng nói chuyện nhiều với trẻ thì kỹ năng ngôn ngữ của trẻ càng tốt, trẻ sẽ càng được kích thích suy nghĩ đa dạng, đa chiều, sáng tạo. Thêm vào đó, việc vận động, trò chuyện (thay vì ngồi bên tivi) cũng khiến cho thể lực của trẻ tốt hơn, điều này góp phần khiến trẻ năng động, vui vẻ, hoạt bát hơn, đúng như câu “một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”.
* Bạn chỉ nên giới hạn thời gian xem tivi của trẻ khoảng nửa tiếng mỗi ngày và chọn chương trình phù hợp với con. Ngoài tivi, game online, trò chơi điện tử cũng cần được hạn chế, vì nó khiến trẻ mất đi tính tương tác và sự phát triển ngôn ngữ, chỉ chúi đầu làm bạn một cách thụ động với chiếc máy tính mà thôi.