Mẹ và Con - Quãng thời gian mang thai cảm xúc của mẹ rất dễ bị ảnh hưởng. Cảm xúc lên xuống thất thường nên dù trước đây vui vẻ lạc quan thì tình trạng cáu gắt bực tức hay buồn bã có thể bị “kích hoạt” bất cứ lúc nào. Mẹ thử các cách kiểm soát cơn giận này để bảo vệ mình cũng như tránh tổn thương đến người xung quanh nhé.

Trước hết cũng cần lưu ý nóng giận chưa hẳn là việc xấu. Nếu không tính đến phản ứng thái quá vì nội tiết tố trong giai đoạn mang thai thì nóng giận là phản ứng rất bình thường của con người. Cảm xúc nóng giận thường chỉ là bề ngoài, đằng sau đó có thể là thất vọng, đau đớn, sợ hãi, lo lắng… Tuy thế, mẹ cũng nên lưu ý rằng cần nhận biết và kiểm soát cơn giận vì nó ảnh hưởng không tốt lên mẹ lẫn bé.

Vì sao mẹ bầu hay nóng giận?

Trong giai đoạn mang thai cơ thể mẹ sẽ có nhiều thay đổi. Cuộc sống sinh hoạt cũng không còn như trước. Trong khi một số người có thể thích nghi dễ dàng thì nhiều mẹ bầu cũng gặp căng thẳng, thậm chí trầm cảm vì những thay đổi đó.

kiểm soát cơn giận ở mẹ bầu

Cơ thể thay đổi, nội tiết tố thay đổi khiến nhiều phụ nữ trở nên cáu gắt, tức giận. Nguyên nhân chính gây ra trạng thái trầm cảm thường là sự bất lực và thấy mình yếu đuối. Mẹ dễ bị mất ngủ khi mang thai, ốm nghén, cơ thể mệt mỏi nên chỉ một chút kích thích cũng có thể khiến cảm xúc bùng nổ – thường là một cơn tức giận và sau đó là buồn bã tủi thân.

Nếu không kiểm soát cơn nóng giận có ảnh hưởng tới bé không?

Nóng giận quá nhiều hiển nhiên là không tốt cho sức khỏe. Không chỉ cho mẹ mà cả bé cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí là những người xung quanh cũng có thể thấy mệt mỏi vì mẹ bầu luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Khi mẹ nóng giận quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe của mẹ, do đó sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới bé.

Về ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, có thể hiểu con trẻ học nhiều nhất từ ba mẹ. Không thể có một đứa trẻ điềm tĩnh, hạnh phúc khi ba mẹ cứ hay cáu giận, la hét và bất mãn trong cuộc sống.

Khi một người tức giận thì không chỉ có cảm xúc thay đổi mà cả nhịp tim, huyết áp tăng vọt, một số nội tiết tố được phóng thích làm co mạch máu. Tình trạng này sẽ làm giảm oxy đến tử cung từ đó giảm dưỡng chất, oxy cung cấp cho bé. Nhẹ thì thai nhi chậm tăng trưởng, nhẹ cân nếu mẹ cứ liên tục cáu gắt thì có thể gây sinh non và ảnh hưởng tới cả sức khỏe của bé sau khi ra đời.

Ngoài lề hơn một chút, nếu mẹ vẫn dễ tức giận cả khi sau sinh thì có thể ảnh hưởng đến bé sơ sinh, trẻ bị rối loạn giấc ngủ, chậm thích nghi. Đồng thời cảm xúc của mẹ sẽ ảnh hưởng cả lên cảm xúc, hành vi của con về lâu về dài.

Cách kiểm soát cơn giận

Không ai có thể tránh hoàn toàn khỏi cơn giận. Đặc biệt là khi còn đang mang thai. Thế nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học các kỹ năng để nhận biết, kiểm soát cơn nóng giận hiệu quả và hạn chế tối đa ảnh hưởng của nó. Kỹ năng này không thể thành công một sớm một chiều và phải học tập, rèn luyện liên tục.

Tập thể dục

Tập thể các môn thể dục nhẹ nhàng có tác dụng tăng cường sức khỏe và cải thiện tâm trạng rõ rệt. Bạn có thể thử đi bộ, chạy bộ hoặc tập thể dục trong nhà với yoga cho bà bầu chẳng hạn. Đặc biệt là yoga vốn là môn vận động giúp người tập thư giãn, giảm các dấu hiệu căng thẳng thể lý.

Cách kiểm soát cơn giận tốt nhất cho bà bầu

Tập hít thở

Tập trung vào hơi thở, hít sâu đưa oxy lên não sẽ giúp nhịp tim đập chậm lại. Vì sao lại là hơi thở? Bởi vì đây là thứ các bạn có thể quan sát và điều khiển được một cách dễ dàng. Thóp bụng cho cơ hoành nâng lên để thở ra và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để hít vào. Hít thở sâu sẽ xoa dịu cơ thể và cũng cho bạn thêm thời gian trước khi bùng phát cơn giận. Ngoài ra, việc hít thở đúng cách còn mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu khi “vượt cạn” đấy!

Thay đổi cách nghĩ

Đôi khi mẹ sẽ có những lo lắng quá mức khi mang thai. Những suy nghĩ này nếu không được kiểm soát thì mẹ rất dễ suy diễn thành nhiều viễn cảnh nghiêm trọng. Thay đổi cách nghĩ cũng là thay đổi hành động: Thay vì phản ứng ngay lập tức với cảm xúc tức giận thì bạn hãy để cảm xúc lắng xuống. Cho bản thân vài phút suy nghĩ, tốt nhất là trong không gian riêng, an toàn, dễ chịu.

Lập kế hoạch

Đôi khi các mẹ bầu tức giận là vì công việc, đời sống bị xáo trộn. Việc bị “bể kế hoạch” sẽ khiến bạn dễ tức giận vì mọi chuyện không như ý. Hãy lên kế hoạch cũng như có kế hoạch dự phòng để có cách xử lý phù hợp ngay khi “plan A” không diễn ra như ý.

Tham vấn tâm lý

Nếu nhận thấy dù áp dụng đủ cách vẫn không thể kiểm soát, giảm nhẹ được các cơn nóng giận thì bạn nên cân nhắc tìm sự hỗ trợ từ nhà tâm lý hoặc bác sĩ nhé. Đặc biệt là khi có các cơn mất ngủ, hay la hét, khóc lóc, buồn phiền liên tục kéo dài thì càng phải cẩn trọng. Bởi nếu để quá lâu thì stress, căng thẳng có thể biến thành trầm cảm khi mang thai đấy.

Tóm lại mẹ bầu rất dễ tức giận vì nhiều lý do. Nhưng nếu bạn cứ để bản thân nóng giận, không tìm cách kiểm soát cơn giận thì chúng có thể “đốt cháy” bạn và cả những người xung quanh. Vậy nên vì bản thân cũng vì bé con, nếu có lúc nào nóng giận thì mẹ hãy thử những cách trên xem sao. Bớt chút nóng giận, thêm chút nhẹ nhàng, bình tĩnh sẽ rất tốt cho sức khỏe thể lý lẫn tâm lý đấy.

Bài viết liên quan