Mẹ&Con – Bé con đang ngoan ngoãn, nghe lời bỗng dưng trở tính, ngang ngược và ương bướng? Đừng quá lo mẹ nhé! Có thể bé đang trải qua giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên 3" mà thôi Dạy con bằng đòn roi trẻ dễ bị khủng hoảng tinh thần 5 sai lầm khiến cuộc sống của bạn trở nên đầy ắp khủng hoảng Giúp bố mẹ ứng phó với khủng hoảng tuổi lên 3 của con

Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì?

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một cuộc khủng hoảng tâm lý diễn ra ở hầu hết các đứa trẻ trong khoảng giữa năm thứ 3 đến nữa năm thứ 4 của cuộc đời. Đây là cuộc khủng hoảng tâm lí diễn ra tự nhiên. Trong giai đoạn này, trẻ có rất nhiều sự thay đổi về tâm lý, cách hành xử và thái độ đối với mọi người xung quanh.

khủng hoảng tuổi lên 3

Lên 3, trẻ thường có biểu hiện thay đổi tính cách, thái độ, hành vi đối với mọi thứ xung quanh (Ảnh minh họa).

Khủng hoảng tuổi lên 3 thường kéo dài trong vài tháng với cường độ và mức độ ảnh hưởng của mỗi cuộc khủng hoảng là khác nhau ở mỗi trẻ.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

Lên 3, trẻ bắt đầu biết nhận thức được mình là một cá nhân độc lập và cố gắng khẳng định tính độc lập, tự chủ đó.

Lên 3, trẻ bắt đầu hình thành tính cách, kĩ năng và các phẩm chất như ý chí, độc lập và niềm tự hào. Trẻ biết mình có khả năng, mong muốn thực hiện được nhiều thứ. Trẻ muốn được tôn trọng và thừa nhận. Tuy nhiên, do bố mẹ kiểm soát và bao bọc quá mức khiến trẻ có phản ứng tiêu cực.

Lên 3, trẻ có tâm lý muốn tự mình làm nhiều thứ. Nhưng trên thực tế, trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thất bại làm trẻ cảm thấy bất lực và phản ứng lại với môi trường xung quanh.

Thông thường, các phản ứng, hành vi tiêu cực sẽ tỉ lệ thuận với mức độ độc đoán của gia đình, nó làm hạn chế quyền tự chủ và sáng kiến của trẻ. Việc thực thi các điều cấm và hình phạt thường xuyên cũng gây tác động đến giai đoạn khủng hoảng của trẻ trở nên trầm trọng hơn.

Biểu hiện của trẻ khi khủng hoảng tuổi lên 3

Nhìn chung, ở giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ thường trông buồn bã, cáu gắt, ương bướng, ngang ngạnh, ăn vạ và có thái độ chống đối với mọi thứ xung quanh. Biểu hiện cụ thể là trẻ tức giận với mọi thứ, khăng khăng làm theo ý mình, ngoan cố, phản kháng chống đối lại các nội quy và chuẩn mực của gia đình. Trẻ thường tự tiện, tùy ý làm mọi việc. Bố mẹ càng cấm đoán, trẻ càng làm và tìm mọi cách để mọi người xung quanh làm theo ý trẻ.

Tuy nhiên, ở một số trẻ, khủng hoảng tuổi lên 3 thường không có bất kì phản ứng hay hành vi tiêu cực nào rõ ràng mà trẻ trở nên lầm lì, ít nói.

Cách khắc phục cuộc khủng hoảng tuổi lên 3

Bố mẹ nên hiểu rằng, khủng hoảng tuổi lên 3 là một giai đoạn tâm lí bình thường. Do vậy, tốt hơn hết, bố mẹ nên chấp nhận và cùng con bước qua cuộc khủng hoảng hơn là bực tức và rồi dồn sang con. Hành động này sẽ trở thành vòng luẩn quẩn làm cho cả nhà căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc.

khắc phục khủng hoảng khi trẻ lên 3

Bố mẹ nên là “bạn đông hành” cung con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 (Ảnh minh họa).

Theo thống kê, khi thấy con bị khủng hoảng tâm lý, phụ huynh thường có xu hướng hoặc đàn áp hoặc chiều chuộng trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý khẳng định rằng, chiều chuộng theo trẻ chỉ khiến cho bé càng thêm lấn tới. Còn đàn áp là cách giáo dục phản khoa học khiến trẻ càng bị khủng hoảng hơn.

Khi trẻ bước vào khủng hoảng, thay vì bố mẹ làm “tất tần tật” những thứ như lúc trước cho trẻ, bố mẹ có thể cho trẻ tự làm những việc trong khả năng của mình như chọn quần áo, cất giày dép, rót nước để uống, dọn dẹp chén bát, tự dọn đồ chơi… Nếu trẻ chưa thể tự làm, bố mẹ nên cùng trẻ làm, tạo cơ hội để trẻ được nói, đưa ra ý kiến.

Trong gia đình, nên tránh các mối quan hệ độc đoán, bảo vệ quá mức mà thay vào đó, trong quá trình chơi cùng trẻ, bố mẹ có thể sử dụng một vài kỹ thuật, chiến thuật trong chơi game để giao tiếp với trẻ, giải thích các quy tắc, chuẩn mực về hành vi với những hình thức đơn giản, dễ hiểu.

Bố mẹ không nên tỏ ra gay gắt với mọi lỗi lầm của trẻ mà nên thỏa hiệp trong một số tình huống và cho trẻ có quyền được tự do lựa chọn. Cố gắng giao tiếp với con như thể bé là “người lớn”. Không nên chỉ trích những thất bại, lỗi lầm của bé.

Bố mẹ nên là một tấm gương tốt trong giáo dục con cái và luôn sẵn sàng hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn để tiếp thêm động lực cho trẻ.

Khủng hoảng tuổi lên 3 là một hiện tượng phát triển tâm lí rất bình thường ở trẻ, nó có tính tạm thời, chuyển tiếp và sẽ mất dần đi khi trẻ lớn lên. Vì thế, thay vì lo lắng quá mức, bố mẹ hãy đồng hành cùng con để hiểu rõ về trẻ từ đó có cách ứng xử bình tĩnh, khéo léo để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.

Tags:

Bài viết liên quan